Từ khâu sản xuất đến thải bỏ, ván lướt sóng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với môi trường. Ảnh: Getty Images

 
Báo cáo HSBC Thứ Hai | 23/10/2023 08:30

Lướt sóng & kem chống nắng: Khía cạnh không mấy tươi sáng

Cam kết của các công ty có thể giúp các hoạt động giải trí dưới nước trở nên thú vị theo hướng bền vững hơn.

Trang phục dùng trong các môn thể thao dưới nước gây hại không ít đến môi trường, từ khâu sản xuất đến thải bỏ. Đồ lặn thông thường được làm từ cao su tổng hợp, được sản xuất từ 1 trong 2 nguồn không thể tái tạo: hóa dầu hoặc đá vôi.

Trang phục lặn bền vững 

HSBC đã nhận diện những thách thức ESG của nhiệt công nghiệp trong báo cáo Decarbonising Heat (31/3/2023), trong đó nhiên liệu hóa thạch chiếm khoảng 90% thành phần nhiên liệu để sản xuất nhiệt trong các quy trình công nghiệp trên toàn cầu.
Mặc dù khí thải từ quá trình khai thác và sản xuất cao su tổng hợp là mối quan tâm chính, lựa chọn cách thải bỏ và kết thúc vòng đời sản phẩm cũng có thể gây ra thách thức liên quan đến bãi chôn lấp như góp phần phát thải do thiếu khả năng phân hủy sinh học. Chỉ riêng ở Anh, 380 tấn đồ lặn bằng cao su tổng hợp được thải ra bãi chôn lấp mỗi năm. Con số này trên toàn cầu lên đến hơn 8.000 tấn.

Phát triển các vật liệu bền vững thay thế và kéo dài tuổi thọ sản phẩm (sửa chữa, tái sử dụng/cho tặng, bán lại hoặc cho thuê) là những giải pháp hiệu quả nhất để tạo ra mô hình đồ lặn mang tính tuần hoàn hơn. Một loại vật liệu đang ngày càng trở nên phổ biến là Yulex. Loại cao su có nguồn gốc thực vật này được sản xuất từ cây Hevea, được trồng và thu hoạch tự nhiên. Quá trình này giảm 80% lượng phát thải CO2 so với cao su tổng hợp. Tuy nhiên, khi những sản phẩm có nguồn gốc thực vật ngày càng phổ biến, chúng ta phải thận trọng trước tác động của tình trạng phá rừng.

Ván lướt sóng gây hại

Từ khâu sản xuất đến thải bỏ, ván lướt sóng ẩn chứa nhiều rủi ro đối với môi trường. Thông thường, ván lướt sóng được làm từ polymer polyurethane (PU), được nung nóng bên trong khuôn để tạo bọt. Sau đó, các tấm ván được phủ bằng vải sợi thủy tinh và nhựa polyester để ép thành tấm ván. Nhựa polyester có những rủi ro đối với cả sức khỏe con người - thông qua kích ứng da và hô hấp - lẫn môi trường do ô nhiễm nước và đất, với những tác động tiềm tàng đến đa dạng sinh học. Trong suốt quá trình sản xuất, một lượng chất thải đáng kể được tạo ra, từ vụn bọt cho đến nhựa dư thừa. Xử lý chất thải bền vững là chìa khóa để hạn chế tác động đến môi trường, tuy nhiên chất thải sản xuất thường được đưa vào bãi chôn lấp hoặc đổ ra bãi rác.

 

Trong suốt vòng đời của ván lướt sóng, sáp được sử dụng để giúp người lướt sóng duy trì độ bám và cân bằng để nâng cao chất lượng trượt. Sáp thường được sản xuất từ parafin, một sản phẩm phụ của quá trình lọc dầu. Bên cạnh tác động phát thải của quá trình xử lý dầu mỏ, quá trình này còn liên quan đến việc sử dụng các hóa chất có tính độc hại cao gọi là dioxin. Những người tiếp xúc với dioxin thường xuyên có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch và chức năng sinh sản cũng như nguy cơ mắc ung thư. Khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng, những rủi ro đối với sức khỏe con người và sinh vật biển vẫn chưa kết thúc. Sáp thường trôi khỏi các tấm ván và xâm nhập vào hệ sinh thái biển, bị sinh vật biển hấp thụ và di chuyển vào chuỗi thức ăn cũng như góp phần vào vấn đề vi nhựa.

Các lựa chọn thay thế bền vững đang ngày càng phổ biến trong ngành lướt sóng. Từ nhựa có nguồn gốc thực vật đến sáp và miếng đệm kéo hữu cơ, người ta đang nỗ lực nhằm giảm tác động đến môi trường của ngành sản xuất ván.

Khi ván đã đi đến hồi kết của vòng đời do bị vỡ hoặc bị hư hỏng không thể sửa chữa, các bộ phận của ván cũng là một thách thức cho bền vững khi thải bỏ. Việc tích hợp các chương trình tái chế/tái sử dụng và thị trường thứ cấp là chìa khóa để kéo dài vòng đời của sản phẩm, cuối cùng là giảm lượng nhựa được sản xuất và thiệt hại do các hóa chất độc hại gây ra.

Kem chống nắng: quy mô lớn, tác động lớn

Ngành công nghiệp kem chống nắng đang phát triển trên toàn cầu. Theo Fortune Business Insights, tháng 6/2023, thị trường sản phẩm chống nắng có thể tăng từ mức khoảng 14 tỉ USD của năm 2022 lên 20 tỉ USD vào năm 2030. Động lực chính là nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng thân thiện với môi trường đắt tiền với chỉ số chống nắng (SPF) cao hơn và mức tiêu thụ gia tăng do mối lo ngại về ung thư da. Chúng tôi cho rằng mức tiêu thụ gia tăng sẽ khiến các bên liên quan tăng cường tập trung vào tác động môi trường của kem chống nắng, vì ước tính có khoảng 6.000-14.000 tấn kem chống nắng trôi ra biển hằng năm.

 

Giới đầu tư nên xem xét việc các hóa chất phổ biến được sử dụng trong những sản phẩm chống nắng đe dọa san hô và các sinh vật biển khác như thế nào. Kem chống nắng hóa học (hữu cơ) thường bao gồm các hoạt chất hấp thụ tia cực tím của mặt trời, chẳng hạn như oxybenzone (benzophenone-3) hoặc octinoxate (ethylhexyl methoxycinnamate). Ví dụ, nghiên cứu cho thấy tỉ lệ san hô mất màu ngày càng tăng do nồng độ oxybenzone cao do thiếu hụt zooxanthellae (loài tảo đơn bào sống trong hầu hết các loại polyp san hô và giúp san hô tồn tại bằng cách cung cấp thức ăn cho san hô trong quá trình quang hợp).

Ngoài ra, hóa chất có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây ra các vấn đề khác cho sinh vật biển. Mặc dù một số quốc gia và vùng lãnh thổ cấm bán hoặc sử dụng các sản phẩm chống nắng có chứa hóa chất gây hại cho sinh vật biển ở một số khu vực (như Hawaii, Quần đảo Virgin của Mỹ, Thái Lan, đảo Bonaire), những hóa chất này vẫn được phép sử dụng trong các sản phẩm mỹ phẩm trên toàn thế giới.

Các tổ chức như Environmental Working Group cung cấp cơ sở dữ liệu về kem chống nắng và thành phần của chúng để giúp các bên liên quan đánh giá tác động môi trường của các sản phẩm chống nắng. Một số thương hiệu như Suntribe, Thrive, Thinksport, Stream2See tuyên bố chỉ sử dụng oxide kẽm không chứa nano hoặc oxide kẽm trong suốt hoặc titan dioxide trong kem chống nắng..