Tại thời điểm năm 2011, Đồng Tiến là đơn vị tiên phong và duy nhất tham gia lĩnh vực tái chế giấy khó nhằn này.

 
Thanh Hằng Chủ Nhật | 14/04/2024 15:00

Người tiên phong tái chế giấy

Đồng Tiến đã tiên phong trong lĩnh vực tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống ngay từ thời điểm 2011.

Thoạt nhìn, mái lợp nhà để xe của Công ty Giấy Đồng Tiến bên bờ sông Thị Tính ở huyện Bến Cát, Bình Dương cũng giống như những mái tôn khác, sáng trắng và lượn sóng. Thế nhưng, khi nhìn kỹ, ngoài độ dày có vẻ nhỉnh hơn, trên nền sáng đa sắc màu của những tấm lợp lấp lánh những mảnh trắng li ti. Gọi chúng là mái nhôm - nhựa sẽ đúng hơn, vì chúng được ép từ những lớp nhôm và nhựa được tách ra từ những vỏ hộp giấy đựng đồ uống.

“Mái nhà để xe đó là những tấm lợp đầu tiên được Đồng Tiến sản xuất”, ông Hoàng Trung Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Giấy Đồng Tiến, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA), giới thiệu về sản phẩm có tên “Tấm lợp sinh thái” được sản xuất từ nhôm - nhựa thu hồi của mẻ vỏ hộp giấy đựng đồ uống được tái chế đầu tiên 13 năm về trước. Bắt nguồn từ cuộc gặp cách đây 15 năm với đại diện của Tetra Pak, vị CEO của công ty chuyên tái chế giấy công nghiệp vừa tròn 30 năm tuổi (thành lập năm 1994) đã đưa Đồng Tiến đến với công việc tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống.

Tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, nhất là sau khi quy định về Trách nhiệm nhà sản xuất mở rộng (EPR) được thông qua từ năm 2021 và chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2024 với ngành thức uống. Thế nhưng, tại thời điểm năm 2011, Đồng Tiến là đơn vị tiên phong và duy nhất tham gia lĩnh vực tái chế giấy khó nhằn này.

 

So với tỉ lệ xơ sợi giấy thu hồi được lên tới 95% khi tái chế giấy phế liệu thông thường, vỏ hộp giấy đựng đồ uống khi tái chế cho tỉ lệ xơ sợi giấy thu hồi thấp hơn nhiều, tối đa là 65%, vì đặc điểm cấu tạo nhiều lớp gồm giấy và nhôm - nhựa. Mặc dù sản phẩm giấy tái chế từ vỏ hộp giấy đựng đồ uống hầu như được đảm bảo đầu ra nhờ chất lượng tốt và có tập khách hàng trung thành, nhưng lợi nhuận bị bào mòn vì chi phí tái chế cao (do tỉ lệ thu hồi xơ sợi giấy thấp cùng chi phí nhân công, năng lượng và hao mòn thiết bị cao vì phải thêm nhiều công đoạn xử lý).

“Do đó, tôi đánh giá rất cao việc năm 2022 Tetra Pak đã quyết định đầu tư 1,2 triệu EUR vào Đồng Tiến, trong tổng số tiền 3,5 triệu EUR cần đầu tư cùng chúng tôi”, ông Sơn chia sẻ. Khoản đầu tư đã giúp tăng công suất tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống lên tối đa 23.000 tấn mỗi năm.

Vỏ hộp giấy đựng đồ uống sẽ được tái chế thành 2 sản phẩm chính là giấy và tấm lợp. Mặc dù tấm lợp sinh thái có ưu điểm về hạn chế tiếng ồn (âm thanh) và cách nhiệt tốt hơn tấm lợp tole kẽm, nhưng câu chuyện tiêu thụ lại không suôn sẻ như với giấy. Tuổi thọ ngắn hơn và không linh hoạt về quy cách, lắp đặt phức tạp hơn là những điểm yếu lớn cản trở tấm lợp thâm nhập thị trường. “Do chúng tôi không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực gia công sản phẩm nhựa nên sản phẩm có giá thành cao, chất lượng còn hạn chế, không cạnh tranh được với các sản phẩm tấm lợp khác”, ông Sơn cho biết. Đến nay, Đồng Tiến đã buộc phải dừng việc sản xuất và đang thương thảo với Tetra Pak về việc “đưa nhôm nhựa tách được về với người có chuyên môn để xử lý hiệu quả hơn”. “Việc tái chế này dù rất nỗ lực cải tiến nhưng hầu như chỉ đủ hòa vốn”, ông Sơn nói.

Là kỹ sư chuyên ngành giấy tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội năm 1985, dường như nghề giấy đã chọn ông Sơn. Sau 3 năm phụ trách một xưởng sản xuất vỏ xe tại nhà máy A43 Cục Hậu cần Không quân, ông chính thức bước chân vào ngành giấy từ năm 1988 bằng việc gia nhập Công ty Sản xuất và Thương mại Bao bì Packsimex thuộc Bộ Thương mại, sau đó làm Phó Giám đốc tại xí nghiệp Visingpack, đơn vị liên doanh với Singapore của Công ty.

 

Cũng trong thời gian này, ông cùng vài người bạn cùng trường thành lập Công ty Đồng Tiến tại quận 12 vào năm 1994. Mười năm sau, cơ sở sản xuất nhỏ với máy móc thô sơ tự thiết kế và lắp đặt tại quận 12 đã chuyển mình thành một nhà máy tái chế giấy có quy mô công nghiệp tại tỉnh Bình Dương với dây chuyền nhập khẩu. Bằng việc mua lại một nhà máy tại Long An năm 2017 và nhà máy tại Bình Dương năm 2021, công suất của Đồng Tiến hiện đã tăng gần 2,5 lần, từ 42.000 tấn lên khoảng 100.000 tấn mỗi năm. Nguồn nguyên liệu chính của Công ty là giấy tái chế, trong đó 1/3 là giấy phế liệu thu mua trong nước và 2/3 phải nhập khẩu.

Là một ngành công nghiệp phụ trợ, mảng kinh doanh bao bì giấy của Đồng Tiến đang chứng kiến sự sụt giảm doanh số và biên lợi nhuận khi các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, thủy sản, dệt may, da giày, sản phẩm và linh kiện điện tử... giảm đơn hàng từ giữa năm 2022 đến nay. Do đó, mục tiêu trở thành đơn vị “tiên phong trong lĩnh vực tái chế giấy đặc chủng tại Việt Nam với sản lượng 180.000 tấn mỗi năm vào năm 2027” được đặt ra từ năm 2019 có thể sẽ cần thêm một vài năm mới đạt được. “Chúng tôi bị chậm lại vì dịch COVID-19, nhưng chúng tôi sẽ đạt được mục tiêu đặt ra”, ông Sơn nói.

Ông Sơn cho biết chỉ mới 40% công suất của dây chuyền tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống của Đồng Tiến được đáp ứng trong năm 2023, tương đương hơn 3.000 tấn. Con số này chỉ chiếm khoảng 3-4% so với tổng lượng phát thải. “Đây là tỉ lệ thu gom rất thấp nếu so với tỉ lệ thu gom các loại giấy đã qua sử dụng nói chung ở Việt Nam hiện nay là gần 50%, mức trung bình thế giới là gần 60% và đặc biệt Nhật có tỉ lệ thu gom lên tới 82%”, ông phân tích.

Sở dĩ tỉ lệ thu gom loại bao bì giấy này thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ thu gom giấy đã sử dụng vì tính chất cồng kềnh và dễ phân hủy chất lỏng còn lại bên trong gây ô nhiễm, mùi hôi và hầu hết các các doanh nghiệp tái chế giấy hiện nay từ chối thu mua loại bao bì giấy này. Nếu thu gom được hoàn toàn vỏ hộp giấy đựng đồ uống tại Việt Nam để tái chế, con số có thể lên đến hơn 100.000 tấn mỗi năm. Với tổng công suất dự kiến đạt tối đa 23.000 tấn của Đồng Tiến vào giữa năm 2024, sân chơi tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống rõ ràng không độc quyền mà rộng mở với các tay chơi mới, nhất là tại các trung tâm kinh tế lớn.

“Tôi nghĩ rất cần có thêm những doanh nghiệp tái chế giấy tâm huyết khác cùng tham gia vào hoạt động này”, vị CEO đam mê tái chế giấy tâm sự.