Tại Việt Nam, theo nghiên cứu từ nhiều năm trước của Grant Thornton, mức độ stress của doanh nhân Việt đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Ảnh: TL.

 
Thủy Ngọc Thứ Năm | 29/06/2023 08:42

Doanh nhân hạnh phúc

Sống một đời hạnh phúc là mục tiêu của tất cả mọi người, không chỉ riêng doanh nhân.

Nhưng trong bối cảnh làm ăn khó khăn, áp lực vây bủa, liệu doanh nhân có thể tìm thấy hạnh phúc cho mình?

Khi Alibaba hoàn thành IPO, Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, trở thành người đàn ông giàu nhất Trung Quốc. Dù vậy, trong cuộc trò chuyện với CNBC, Jack Ma thú nhận, việc trở thành người giàu nhất Trung Quốc là “một nỗi đau đớn ghê gớm” và ông không cảm thấy hạnh phúc.

Lo âu gia tăng

Áp lực đến với Jack Ma khi người ta đặt kỳ vọng cao về giá cổ phiếu của Alibaba. Người ta cũng chỉ chú ý đến ông vì sự giàu có. Điều đó khiến ông căng thẳng. Kể từ năm 2020 đến nay, Jack Ma gần như biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Vào tháng 3/2023, khi đến thăm một ngôi trường, Jack Ma bày tỏ mong muốn quay trở về nghề cũ. Ông chính thức trở lại nghề giáo, rời bỏ đế chế trị giá hàng trăm tỉ USD của mình từ tháng 5 năm nay. Đối với Jack Ma, những tháng ngày làm giáo viên tiếng Anh mới là “quãng thời gian tuyệt vời nhất trong cuộc đời” dù mức lương lúc đó của ông (những năm 1980) chỉ là 12 USD/tháng.

Không chỉ Jack Ma, một số doanh nhân Việt cũng chọn rời chốn thương trường. Theo kết quả khảo sát của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), tỉ lệ doanh nghiệp dự định giảm quy mô kinh doanh hoặc đóng cửa công ty là 10,7%, tiếp tục ở mức cao kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện.

Với kết quả này, dự báo số lượng doanh nhân bị trầm cảm, lo âu có thể gia tăng. Hiện tại, Việt Nam chưa có thống kê nào về số lượng doanh nhân trầm cảm nhưng những khóa “doanh nhân và thiền” mở ra liên tục và những bài diễn thuyết về lãnh đạo tỉnh thức của thiền sư Thích Minh Niệm luôn thu hút hàng triệu lượt xem trên YouTube. Đại học San Francisco (Mỹ) từng nghiên cứu chỉ ra “các doanh nhân có nhiều khả năng gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần hơn những người không sở hữu doanh nghiệp của riêng họ”. Tạp chí Entrepreneur còn đúc kết, cứ 4 doanh nhân sẽ có 1 người từng bị rối loạn tâm thần. Tại Việt Nam, theo nghiên cứu từ nhiều năm trước của Grant Thornton, mức độ stress của doanh nhân Việt đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

 

Lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đã không ở văn phòng nhiều tháng nay. Họ đi tìm đơn hàng, tìm khách hàng mới, cả trong nước lẫn nước ngoài. Tại Đại hội cổ đông thường niên 2023, ông Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch Cen Land, cho biết trung bình mỗi tháng ông phải bỏ ra khoảng 2-3 căn chung cư để nuôi Công ty. Hay FLC đành chấp nhận chuyển nhượng 21,7% vốn nắm giữ tại Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm để trả nợ. Đây cũng là cách các doanh nhân giải tỏa áp lực trước tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Chọn sống cho đi

Cũng chọn rời bỏ thương trường nhưng cách của ông Cao Tiến Vị, cựu CEO của Giấy Sài Gòn, là rẽ qua một cuộc sống mới. “Tôi đã kinh doanh nhiều năm và đến lúc tôi đóng góp lại cho cộng đồng”, ông nói. Cách đây 5 năm, ông Vị đã cùng đội ngũ trẻ sáng lập nên tổ chức phi chính phủ quốc tế ASIF Foundation để triển khai các dự án hỗ trợ cộng đồng, tập trung vào các lĩnh vực nước sạch, y tế - sức khỏe, giáo dục tại khu vực TP.HCM, Gia Lai và Kon Tum.

Dù mỗi người có những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc nhưng cho đi luôn là một trong những cách thức đem đến niềm an lạc và hạnh phúc. Theo giáo lý nhà Phật, cho đi là cách con người diệt trừ lòng tham, thói ích kỷ, tâm bám chấp, từ đó phát khởi tâm vị tha, tâm buông xả để trở nên hạnh phúc hơn. Thực tế chứng minh những người càng cho đi, càng cảm thấy hạnh phúc.

Thường thấy là cho đi tiền bạc. Nhiều người siêu giàu như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg... đều ký Giving Pledge, cam kết cho đi phần lớn tài sản vì mục đích thiện nguyện. Ngoài tiền bạc, mỗi người còn có nhiều thứ để trao đi như lời nói, thời gian, trí tuệ hiểu biết... Tuy nhiên, học cách cho đi đôi khi cũng không dễ. Nhiều người phải trải qua một số biến cố nào đó mới nhận thức rõ được sự vô thường trong cuộc sống, từ đó học cách buông bỏ, vượt qua nỗi buồn, cúi xuống nỗi khổ của người khác và biết cảm thông, sẻ chia hơn.

Ông Phạm Duy Hiếu, Chủ tịch Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF), từng là một người rất đau khổ khi con trai bị tâm thần. Sau thời gian quay cuồng, ông quyết buông tất cả, từ bỏ đỉnh cao danh vọng, bỏ vị trí CEO tại ABBank, bỏ các mong cầu, để tập trung lo cho con và thay đổi bản thân. Ông Hiếu tìm và gặp được những vị thầy tốt, để rồi nhận ra rằng: “Hạnh phúc là một sự lựa chọn mang tính cá nhân. Người ta chỉ hạnh phúc khi cho phép chính mình được hạnh phúc”. Hiện tại, ông Phạm Duy Hiếu trở thành người truyền cảm hứng để mọi người thêm động lực lựa chọn hạnh phúc cho mình.

Sức khỏe toàn diện thân - tâm - trí cũng nhiều doanh nhân nhắc đến như một yếu tố tạo nên hạnh phúc. Trong đó, rèn luyện thân thể với 3 môn phối hợp (chạy, bơi, đi bộ) hiện là bộ môn yêu thích. Ông Phạm Sơn Tùng, Tổng Giám đốc Proppy Việt Nam, đánh giá, thể thao là chất xúc tác, là lời nhắc nhở bản thân về tính kỷ luật cùng ý chí vượt qua những thử thách trong cuộc sống và trong quá trình điều hành doanh nghiệp. Theo Business Insider, với những người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, trung bình 1 năm họ chỉ gặp khoảng 35 ngày tâm trạng không tốt, ít hơn những người không luyện tập đến gần 20 ngày.