Nguyễn Hải Thứ Hai | 15/04/2024 07:30

Vốn mỏng khó làm ESG

Chi phí lớn và thời gian chuyển đổi dài trở thành những nút thắt cản trở quá trình thực hành ESG của doanh nghiệp.

Vinasamex, một nhà sản xuất, xuất khẩu sản phẩm quế, hồi ở miền Bắc, hy vọng những phiên họp cuối cùng với Quỹ responsAbility sẽ sớm kết thúc, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng Giám đốc Vinasamex, cho biết tại hội thảo diễn ra vào cuối tháng 3 ở Hà Nội. Hơn 1 năm qua, Vinasamex đã trải qua nhiều phiên họp với Quỹ responsAbility, kỳ vọng khoản vay sẽ hỗ trợ Công ty chuyển đổi mô hình kinh doanh dựa trên các chuẩn mực của ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp).

 

Khi những nỗ lực của một số doanh nghiệp vẫn cần thời gian để chứng tỏ hiệu quả, thì đầu tư thực hành ESG đã vượt qua khả năng tài chính của hầu hết doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát dòng vốn doanh nghiệp sử dụng chuyển đổi ESG (Ban IV công bố vào tháng 3/2024) cho thấy nhiều doanh nghiệp đang sử dụng dòng vốn sản xuất kinh doanh để thực hành ESG.

Tại Việt Nam, chỉ số ít doanh nghiệp nhận được nguồn vốn xanh, tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo và nông nghiệp. Tính đến cuối năm 2023 tổng dư nợ vốn xanh chỉ khoảng 4,5%, một con số rất khiêm tốn.

Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được cấu trúc lại, siết chặt hơn các tiêu chuẩn ESG. Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), cho biết các chính sách liên quan đến ESG đang gia tăng nhanh chóng. Trong giai đoạn 2016-2021, số lượng chính sách liên quan đến ESG trên toàn cầu đã tăng 1,9 lần, riêng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 2 lần.

EU liên tục cập nhật tiêu chuẩn về phát triển bền vững, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và Quy định chống mất rừng tự nhiên (EUDR), trong khi Mỹ dự kiến năm nay sẽ “công bố và áp dụng ngay” dự luật Cạnh tranh sạch, một đạo luật có tính chất tương tự CBAM. Tại Nhật và Hàn Quốc, 2 thị trường xuất khẩu quan trọng, chiếm khoảng 10% tổng xuất khẩu của Việt Nam, chưa bắt buộc thực hiện các quy định ESG, nhưng các nhà mua ngày càng quan tâm đến tính bền vững. Bà Thủy cảnh báo, chỉ khoảng 2 năm nữa, nhiều nhà mua sẽ “loại doanh nghiệp Việt Nam ra khỏi chuỗi cung ứng nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn về ESG”.

Trong nước, theo bà Thủy, các chính sách, quy định mới được ban hành nhiều hơn kể từ COP26, buộc doanh nghiệp phải tuân thủ. “Yêu cầu kiểm kê khí nhà kính sẽ không dừng lại ở danh mục 1.912 doanh nghiệp. Con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong năm nay, có thể lên đến gần 3.000 doanh nghiệp”, bà nói. Hiện chưa có chế tài cho những doanh nghiệp thuộc danh mục bắt buộc, nhưng “rủi ro sẽ rất lớn” với các doanh nghiệp có tên trong danh mục nhưng không thực hiện kiểm kê theo quy định.

Yếu tố then chốt để thực hành ESG là cải thiện khả năng tiếp cận vốn xanh của doanh nghiệp. Ông Phạm Như Ánh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Quân đội (MB), hơn một lần khẳng định, không chỉ doanh nghiệp gặp khó mà bản thân ngân hàng cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến tín dụng xanh. Thiếu khung pháp lý, MB đang tạm lấy tiêu chuẩn ESG là cắt giảm khí phát thải nhà kính từ 20% trở lên, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn trong các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động nhằm đánh giá doanh nghiệp xanh để cấp tín dụng xanh, theo ông Ánh.

Tổng Giám đốc MB cho rằng việc “khung pháp lý chưa hoàn thiện” đã khiến các ngân hàng thiếu cơ sở cho huy động vốn và cấp tín dụng xanh. Ông tin rằng, khi đáp ứng được các điều kiện về doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn thị trường từ 0,5-2%/năm, đồng thời Ngân hàng sẽ phối hợp với các định chế tài chính để cho vay lại với lãi suất ưu đãi tùy theo từng ngành nghề và đối tác của Ngân hàng, chỉ giữ lại một phần nhỏ chênh lệch đủ bù đắp cho rủi ro, không cho vay vì mục tiêu lợi nhuận.

Nhiều dữ liệu chỉ ra, ít nhất trong ngắn hạn hầu hết doanh nghiệp chưa thể chủ động thực hành ESG để nâng cao giá trị cốt lõi.  PwC trong báo cáo năm 2023 chỉ rõ mức độ “chưa sẵn sàng” thực hành ESG trong doanh nghiệp Việt Nam, khi 60% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết “thiếu kiến thức về ESG”. Các doanh nghiệp này đang phải đối mặt với khoảng cách đáng kể về quản trị và báo cáo ESG trong tương quan với tình hình chung ở Việt Nam. Cụ thể, 60% doanh nghiệp tiết lộ chỉ có cơ cấu không chính thức hoặc không có cơ cấu quản trị về các vấn đề ESG và chỉ 29% doanh nghiệp thiết lập rõ ràng các mục tiêu và thước đo ESG, trong khi số liệu trung bình của tất cả các loại hình doanh nghiệp lần lượt là 51% và 47%.

 

Khảo sát của PwC cũng cho thấy sự thiếu hụt về vai trò lãnh đạo ESG trong các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Có tới 34% số doanh nghiệp tiết lộ rằng hội đồng quản trị của họ hiện không tham gia vào các vấn đề ESG và 48% doanh nghiệp cho biết tổ chức của họ không có hoặc chưa xác định rõ lãnh đạo ESG. Những con số này vượt qua mức trung bình của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, lần lượt là 32% và 38%. Ngoài ra, có tới 41% doanh nghiệp tư nhân tham gia khảo sát cho biết, chương trình ESG của họ được quản lý bởi một trưởng phòng cao cấp, nhưng đây không phải là trách nhiệm duy nhất của họ.

Những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp cho thấy ESG không chỉ là yếu tố cần trong các chiến lược quản trị rủi ro mà được coi là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng tài chính. Ông Bùi Quang Duy, Phó Giám đốc Đầu tư toàn cầu, Bộ phận Tài chính khí hậu, Quỹ responsAbility Investments AG (Thụy Sĩ), chia sẻ với NCĐT rằng: “Đầu tư vào chuyển đổi xanh, bền vững cần một khoản đầu tư lớn, tốn kém, đòi hỏi chủ doanh nghiệp phải có tầm nhìn dài hạn, sự tâm huyết và cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp”.

Thực hành ESG không phải là bài toán có thể giải nhanh. Ông Duy, người có hơn 15 năm kinh nghiệm về đầu tư tài chính khí hậu, cho rằng quá trình chuyển đổi này buộc doanh nghiệp không thể đi một mình mà cần có hệ sinh thái. Ở góc độ doanh nghiệp, cần đưa ra chủ trương, chính sách phù hợp và phải có nhân lực làm ESG, ví dụ nhân sự các phòng, ban. Phía quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp những gói kỹ thuật và khoản viện trợ đầu tư dài hạn. Ông tin rằng phát triển xanh bền vững và tài chính xanh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi hiệu quả, đó là sự cộng hưởng của doanh nghiệp, hệ thống tài chính, ngân hàng trong việc đầu tư, hợp tác đưa nguồn vốn xanh đi vào thực tế.