Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm và 5 năm lần lượt ở mức 3,45% và 4,2%, phù hợp với dự báo. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Năm | 25/01/2024 16:55

Tình trạng giảm phát và niềm tin thị trường thấp báo động tại Trung Quốc

Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 11 đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2024 xuống chỉ còn 4,6%.

Theo chuyên gia phân tích về Trung Quốc, giảm phát có thể sớm tác động sâu nặng đến tăng trưởng của quốc gia này, khi đó Bắc Kinh phải đối mặt với nền kinh tế cùng cực chỉ trong 3-6 tháng nữa.

“Đây là viễn cảnh mà nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. Nền kinh tế tại đây hiện rất tệ. Tôi đã ở Trung Quốc được 27 năm và đây có lẽ là thời điểm niềm tin thị trường ở mức thấp nhất”, ông Shaun Rein, người sáng lập Nhóm nghiên cứu thị trường Trung Quốc, cho biết.

Giảm phát, khi giá cả hàng hóa và dịch vụ nói chung sụt giảm và thường liên quan đến suy thoái kinh tế, đã đặt ra câu hỏi về triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc, nơi mà quá trình phục hồi sau COVID-19 đã không đạt được một số kỳ vọng vào năm 2023. Vào tháng 12, giá thịt lợn giảm, chiếm khoảng 1/5 rổ CPI của Trung Quốc, báo trước khả năng xảy ra giảm phát.

“Giảm phát là một vấn đề nghiêm trọng, tôi biết chính phủ Trung Quốc không muốn tôi nói ra nhưng đó là vấn đề chúng ta cần phải lo lắng”, ông Rein nhấn mạnh. “Vì vậy, tôi khá ngạc nhiên khi họ giữ nguyên lãi suất cơ bản. Nếu lãi suất được hạ nhằm thu hút dòng tiền từ bên ngoài vào sẽ tốt hơn”, ông cho biết.

 

Trước đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm và 5 năm lần lượt ở mức 3,45% và 4,2%, phù hợp với dự báo. Đây là những mức cố định cho hầu hết các khoản vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở Trung Quốc và là một trong nhiều đòn bẩy mà PBOC thường sử dụng trong nỗ lực kích thích nền kinh tế.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh các ngân hàng đầu tư kỳ vọng rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm chạp hơn vào năm 2024, với mục tiêu tăng trưởng ở mức 5%. Vào năm 2023, con số này nhỉnh hơn ở mức 5.2%.

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức tại Davos, Thuỵ Sĩ, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã phát đi tín hiệu rõ ràng nhất rằng nước này sẽ không dùng đến các biện pháp kích thích lớn để vực dậy tăng trưởng trong bối cảnh giảm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Mặc dù vậy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế vào tháng 11 đã đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2024 xuống chỉ còn 4,6%. Trong một báo cáo gần đây hơn vào ngày 15/1, Moody’s đánh giá rằng, tăng trưởng GDP thực tế của nước này sẽ đạt 4% trong năm nay và năm 2025, từ mức trung bình 6% trong giai đoạn 2014-2023.

Theo ông Rein, trong kịch bản nền kinh tế vẫn có thể duy trì mức tăng trưởng 5% thì Bắc Kinh có thể phải trải qua một khoảng thời gian "hơi khó khăn", trong lúc giới chức tập trung vào chuyển đổi xã hội.

"Tôi nghĩ là thị trường sẽ phải đối mặt với một nền kinh tế chật vật tối thiểu là trong 3-6 tháng nữa khi Trung Quốc tái cơ cấu hoặc chuyển đổi nền kinh tế của mình theo hướng tăng trưởng chậm hơn, xã hội công bằng hơn”, ông nói thêm.

Trong số những lĩnh vực dễ bị tác động tại Trung Quốc, ông Rein xác định thị trường bất động sản từng bùng nổ của nước này, chiếm khoảng 1/3 hoạt động kinh tế, đã sụt giảm mạnh kể từ khi Bắc Kinh mạnh mẽ đàn áp khoản nợ của các nhà phát triển bất động sản đại lục. Những gã khổng lồ bất động sản như Evergrande và Country Garden là "nạn nhân" của động thái này.

″Người mua nghĩ rằng giá nhà ở có thể tiếp tục giảm, vì vậy ngay cả khi nhu cầu về nhà ở bị dồn nén, rất nhiều người mua sẽ không xuống tiền vì lo ngại giá sẽ giảm thêm vài phần trăm nữa trong những tháng tới”, ông Rein cho biết

Hành vi tiêu dùng như vậy có thể làm tăng thêm một số kỳ vọng rằng Trung Quốc có thể mất hơn 10 năm để thanh lý số nhà ở tồn kho hiện tại.

Có thể bạn quan tâm:

Ô tô điện không phải là phương tiện chính trong tương lai?

Nguồn CNBC