Thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đang mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Lam Ngọc Thứ Năm | 29/02/2024 19:00

Thị trường giao đồ ăn Trung Quốc đạt 208 tỉ USD

Báo cáo của iiMedia Research cho biết thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đã đạt 208 tỉ USD vào năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020.

Thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đang mở rộng quy mô với tốc độ nhanh chóng, sau khi quốc gia này trải qua thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19. Sau ba năm, từ năm 2020 đến năm 2023, thị trường này đã tăng gấp đôi lên 1,5 nghìn tỉ nhân dân tệ (208 tỉ USD).

Tuy nhiên, sự phát triển của ngành này đang dựa trên nỗ lực từ những nhân viên giao hàng được trả lương thấp trong khi số lượng nhân viên đã vượt quá 10 triệu người ở hai trong số các công ty giao hàng lớn nhất ngành. Nếu diễn biến này tiếp tục, lợi ích và các biện pháp hỗ trợ khác dành cho những người giao hàng này sẽ trở thành mối lo ngại.

Trong những giờ ăn cao điểm của các ngày trong tuần, các khu văn phòng ở thành phố Quảng Châu tràn ngập hình ảnh nhân viên giao hàng đi xe điện mặc trang phục màu vàng đặc trưng của Meituan hoặc màu xanh nhạt của Alibaba Ele.me. Dịch vụ giao đồ ăn tại Trung Quốc đã bùng nổ trong giai đoạn nước này đang áp dụng các lệnh hạn chế nhằm phòng chống dịch bệnh. Ngay cả khi các hạn chế được dỡ bỏ, sự tiện lợi của việc trả 5 nhân dân tệ phí giao hàng để nhận đồ ăn trong khoảng 30 phút đã khiến cho xu hướng này bén rễ.

Báo cáo của iiMedia Research cho biết, thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc đã đạt 1,5 nghìn tỉ nhân dân tệ vào năm 2023, tăng gấp 2,3 lần so với năm 2020. Trong khi Guolian Securities dự đoán rằng, thị trường này có thể đạt 2,2 nghìn tỉ nhân dân tệ (306 tỉ USD) vào năm 2030.

Số lượng nhân viên giao hàng vẫn đang tiếp tục tăng lên. Meituan cho biết có 6,2 triệu nhân viên giao hàng đã kiếm được thu nhập từ việc giao hàng vào năm 2022, gấp đôi con số 2,7 triệu vào năm 2018. Trong khi đó, Ele.me báo cáo rằng hơn 4 triệu nhân viên giao hàng đã hoạt động trên nền tảng của họ từ tháng 5 năm 2022 đến tháng 9 năm 2023.

Mặc dù hoạt động giao hàng đồ ăn đã trở thành một phần trong bức tranh cuộc sống hàng ngày tại Trung Quốc, những người giao hàng lại đối mặt với nhiều khó khăn. Anh Lu, một nhân viên giao hàng cho Meituan ở Quảng Châu, chỉ kiếm được 7 nhân dân tệ cho mỗi đơn giao hàng. Do đó, dù có 30 đợt giao hàng mỗi ngày, anh chỉ kiếm được khoảng hơn 4.000 nhân dân tệ mỗi tháng, sau khi trừ đi tiền thuê ký túc xá và các chi phí khác. 

Sau khi tốt nghiệp trung học, anh Lu chỉ định làm công việc giao hàng trong khoảng một tháng rồi về quê, nhưng nay anh đã làm được sáu tháng. “Tôi chỉ được nghỉ hai ngày trong một tháng và không thể về nhà thăm gia đình. Công việc này thật khó khăn”, anh Lu chia sẻ.

Trong một cuộc khảo sát được thực hiện bởi một tổ chức phi lợi nhuận tại Bắc Kinh vào năm 2021 với hơn 300 nhân viên giao hàng tại các thành phố trên khắp Trung Quốc, khoảng 40% cho biết họ không có ngày nghỉ nào trong một tháng. Làm việc nhiều giờ và lương thấp là những vấn đề mà ngành công nghiệp này đang phải đối mặt.

Chưa kể đến là việc mạng lưới an sinh xã hội cho người lao động trong ngành này vẫn chưa được đảm bảo. Nhiều nhân viên giao hàng không có hợp đồng lao động, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp.

Mặc dù Meituan và Ele.me đã cam kết mang lại những lợi ích tốt cho nhân viên giao hàng, nhưng dường như là chưa đủ. Trong Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3 năm trước, một số đại biểu đã đề xuất cải thiện điều kiện làm việc trong ngành. Ví dụ, các nền tảng như Meituan được kêu gọi thay đổi thuật toán để không áp lực nhân viên giao hàng phải hoàn thành đơn hàng nhanh chóng. Kể từ đó, chính phủ đã tăng cường giám sát và hướng dẫn các công ty bảo vệ quyền lợi của nhân viên giao hàng.

Có thể bạn quan tâm:

Thiếu hụt niềm tin trong kinh tế Trung Quốc

Nguồn Nikkei Asia