Dưới đây là bảng xếp hạng do The Economist thực hiện, đo lường hiệu suất của các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023. Ảnh: The Economist.

 
Hải Miên Thứ Bảy | 23/12/2023 10:20

Nền kinh tế nào hoạt động tốt nhất trong năm 2023?

Bất chấp cuộc chiến với Hamas, Israel, vẫn đứng thứ tư trong bảng xếp hạng tổng thể.

Phần lớn thị trường dự kiến một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra vào năm 2023, khi các Ngân hàng Trung ương phải chống chọi với lạm phát cao. Thế nhưng họ đã sai khi GDP toàn cầu đã tăng 3%, thị trường việc làm giữ vững trãi, lạm phát có xu hướng giảm còn thị trường chứng khoán đã tăng 20%.

Và có sự khác biệt lớn đằng sau số liệu tổng hợp này. The Economist đã tổng hợp dữ liệu về năm chỉ số kinh tế và tài chính, bao gồm lạm phát, quy mô của lạm phát (inflation breadth), GDP, việc làm và hiệu suất thị trường chứng khoán của 35 quốc gia, chủ yếu là các nước giàu có.

Dưới đây là bảng xếp hạng do The Economist thực hiện, đo lường hiệu suất của các nền kinh tế trên thế giới trong năm 2023:

 
 
 
 

Đứng đầu bảng xếp hạng trong năm thứ hai liên tiếp là Hy Lạp, một kết quả đáng chú ý đối với một nền kinh tế mà cho đến gần đây vẫn bị đánh giá thấp. Ngoài Hàn Quốc, nhiều quốc gia có hiệu suất tốt khác nằm ở châu Mỹ. Trong khi Mỹ đứng thứ ba thì Canada và Chile cũng không kém xa. Bắc Âu là khu vực chứng khiến rất nhiều quốc gia "ì ạch", bao gồm Anh, Đức, Thụy Điển đều đứng sau là Phần Lan.

Giải quyết vấn đề lạm phát là thách thức lớn vào năm 2023. Biện pháp đầu tiên của The Economist là xem xét lạm phát “cốt lõi”, không tính giá năng lượng và thực phẩm, đó cũng là lí do chỉ số lạm phát cơ bản đo lường được nằm ở mức tốt. Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia đã kiềm chế được giá cả leo thang. Tại Thụy Sĩ, chi phí cốt lõi chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, ở những nơi khác ở châu Âu, nhiều quốc gia vẫn phải đối mặt với áp lực nghiêm trọng. Tại Hungary, lạm phát cơ bản đang ở mức khoảng 11% hàng năm. Phần Lan cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Ở hầu hết các quốc gia, lạm phát đang trở nên ít dai dẳng hơn, được đo bằng quy mô lạm phát (inflation breadth), tính toán tỉ trọng của các mặt hàng trong giỏ giá tiêu dùng nơi giá cả đang tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các Ngân hàng Trung ương ở những nơi như Chile và Hàn Quốc đã tăng lãi suất mạnh mẽ vào năm 2022, sớm hơn nhiều ngân hàng khác ở các nước giàu có và động thái đó đang phát huy lợi ích. Ở Hàn Quốc, lạm phát đã giảm từ 73% xuống 60%.

Hai thước đo tiếp theo, tăng trưởng việc làm và GDP, cho thấy những tác động mà nền kinh tế đang mang lại cho người dân. Không nơi nào đạt kết quả tốt ngoạn mục vào năm 2023. Nhưng chỉ một số ít quốc gia chứng kiến ​​GDP sụt giảm. Ireland là quốc gia có thành tích tệ nhất, với mức giảm 4,1%. Anh và Đức cũng thể hiện tương đối kém. Trong khi Đức đang gặp nhiều khó khăn với hậu quả do cú sốc giá năng lượng và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn nước Anh vẫn đang giải quyết hậu quả của Brexit.

Nước Mỹ đã đạt kết quả tốt về cả GDP và việc làm. Nước này đã được hưởng lợi từ việc sản xuất năng lượng ở mức cao kỷ lục cũng như tác động của gói kích thích tài chính hào phóng được thực hiện vào năm 2020 và 2021. Trong khi đó, việc làm ở Canada đã tăng trưởng đáng kể. Bất chấp cuộc chiến với Hamas, Israel, quốc gia coi Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, vẫn đứng thứ tư trong bảng xếp hạng tổng thể.

Tuy thị trường chứng khoán Mỹ, trung tâm của các công ty sẵn sàng hưởng lợi từ cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo, phát đi những dấu hiệu tích cực thì trên thực tế, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, thị trường này chỉ có hiệu suất ở mức trung bình. Thị trường chứng khoán Úc, thủ phủ của các công ty hàng hóa đang gặp khó khăn từ mức lạm phát cao trong năm 2022, đã hoạt động kém hiệu quả. Giá cổ phiếu ở Phần Lan đã sụt giảm. Ngược lại, các công ty Nhật Bản đang trải qua thời kỳ phục hưng. Thị trường chứng khoán của đất nước này là một trong những thị trường hoạt động tốt nhất trong năm nay, với mức tăng thực tế gần 20%.

Tuy nhiên mức tăng này vẫn chưa bằng thị trường chứng khoán Hy Lạp, vốn đã tăng hơn 40% trong năm qua, nhờ vào một loạt cải cách ủng hộ thị trường của chính phủ. Mặc dù đất nước này vẫn nghèo hơn rất nhiều so với trước khi bị phá sản vào đầu những năm 2010, nhưng trong một tuyên bố gần đây, IMF đã ca ngợi sự chuyển đổi kỹ thuật số của nền kinh tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng của nước này.

Có thể bạn quan tâm:
 Các nhà sản xuất kẹo Mỹ khó có mùa lễ “ngọt ngào”

Nguồn The Economist