Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Năm | 26/10/2023 13:35

FED đã hết vai trò trong cuộc chiến chống lạm phát?

Một số nhà kinh tế cho rằng lạm phát không còn được coi là vấn đề khẩn cấp, tức FED không cần cảm thấy áp lực trong việc tăng lãi suất nữa.

Theo CNN, cuộc khủng hoảng lạm phát đầu tiên của Mỹ trong nhiều thập kỷ, kết hợp với việc tăng lãi suất mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang (FED) để chống lại nó, đã gây ra tình trạng hỗn loạn trong vài năm qua trên Phố Main và Phố Wall. Tình trạng này đè nặng lên người tiêu dùng và khiến các nhà đầu tư hoang mang.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng tầm ảnh hưởng của FED đối với nền kinh tế không còn sâu sắc như trước đây. Theo họ, thị trường chắc chắn vẫn sẽ phản ứng gay gắt trước các chính sách do FED công bố, nhưng những tác động lâu dài lên giá cổ phiếu và lạm phát của cơ quan này ngày càng hạn chế.

Điều gì đang xảy ra?

Sau 18 tháng trượt dốc do chính sách thắt chặt tiền tệ của FED gây ra, các nhà đầu tư đã tỏ ra chán chường với những thông tin mới.

Và FED cũng vậy.

Ông Joe Brusuelas, Nhà kinh tế của RSM US, cho biết, Chủ tịch FED Jerome Powell đã ám chỉ rằng Ngân hàng Trung ương không còn kiểm soát câu chuyện lạm phát nữa. Đặc biệt là qua bài phát biểu gần đây tại Câu lạc bộ kinh tế New York, ông Powell cho biết FED không sẵn sàng thực hiện những động thái lớn và có nguy cơ “gây tổn hại không cần thiết cho nền kinh tế” nữa.

Đã có sự thay đổi đáng kể giữa bài phát biểu này với thời điểm tháng 3/2022, khi FED chấm dứt xu hướng duy trì lãi suất thấp kéo dài gần 15 năm và đưa ra một loạt đợt tăng lãi suất mạnh mẽ nhằm kiềm chế lạm phát cao trong lịch sử. Đối với các nhà đầu tư đã quen với lãi suất gần bằng 0, đây là một bước ngoặt. Nó dẫn đến những phản ứng rõ rệt trên thị trường chứng khoán và nền kinh tế rộng lớn hơn.

Nhưng hiện nay lạm phát đã giảm đáng kể và không cần đến những biện pháp quyết liệt như vậy nữa.

Ông Brusuelas cho biết, thị trường cho rằng cuộc họp tiếp theo của FED, bắt đầu vào ngày 31/10, chỉ là một bản báo cáo tình hình hiện tại. Nói cách khác, dự kiến không có đợt tăng lãi suất nào trong tháng này. Theo CME FedWatch Tool, 99% thị trường tài chính cho rằng có khả năng FED sẽ tiếp tục tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 11.

Trong những ngày gần đây, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm dao động quanh mức 5%, mức cao nhất kể từ năm 2007. Tỉ lệ đó ảnh hưởng đến các khoản cho vay tiêu dùng, bao gồm cả thế chấp và thẻ tín dụng, đồng thời tạo áp lực lên chi tiêu của người tiêu dùng.

Thế nhưng, lợi suất trái phiếu tăng có nghĩa là FED có thể không cần tiếp tục tăng mạnh lãi suất để giảm chi tiêu và lạm phát nữa.

Lạm phát đã được bình thường hóa

 

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, một thước đo lạm phát được sử dụng rộng rãi, đã giảm tốc đáng kể kể từ khi tăng trên 9% vào tháng 6/2022, mặc dù lạm phát gần đây đã tăng trở lại do giá khí đốt và thực phẩm biến động. Nhưng CPI lõi (lạm phát không bao gồm thực phẩm và năng lượng) đang ở mức 4,1%, tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong 2 năm trở lại đây, mặc dù vẫn cao hơn tỉ lệ mục tiêu cuối cùng của FED là 2%.

Một số nhà kinh tế cho rằng, lạm phát không còn được coi là vấn đề khẩn cấp. Điều đó có nghĩa là FED cảm thấy ít áp lực hơn trong việc nhanh chóng ổn định giá cả thông qua các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ và gây tổn hại về mặt kinh tế.

“Một khi lạm phát giảm xuống dưới 5%, nó sẽ không còn là chủ đề được quan tâm nữa”, Nhà kinh tế Johns Hopkins và học giả Ngân hàng Trung ương Laurence Ball cho biết. “Mọi người sẽ quay lại lo lắng về thâm hụt ngân sách, biến đổi khí hậu hoặc các vấn đề công cộng khác”, ông chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm: 

Kỳ nghỉ đông sắp tới sẽ "vớt vát" tình hình tiêu dùng

Nguồn CNN