Kim cương thô từng là danh mục sinh lời ngang ngửa cổ phiếu và bất động sản. Ảnh: The Economist.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 26/09/2023 17:16

Đầu tư kim cương "thất sủng"

Từng là nơi trú ẩn an toàn của các nhà đầu tư, nhưng hiện tại kim cương tự nhiên đang đối mặt với xu hướng giảm mạnh trên thị trường.

Từng là khoản đầu tư đáng giá

Đối với những tín đồ ưa chuộng trang sức, sức hấp dẫn của một viên kim cương nằm ở sự lấp lánh của nó. Tuy nhiên, giá trị thực tế của một viên kim cương được đánh giá dựa trên kỹ thuật cắt, màu sắc, trọng lượng hoặc các lỗi như vết sứt mẻ, trầy xước. Kim cương càng trong, càng nặng, càng được cắt hoàn hảo thì càng có giá trị, và được nhiều người săn đón trên thị trường.

Về phía các nhà đầu tư, sức hút của kim cương đến từ lợi nhuận ổn định qua từng thời kỳ mà loại đá quý này mang đến. Song, dữ liệu chi tiết về giá trị kinh tế của kim cương trong dài hạn lại khá hiếm. Nguyên nhân được cho là bởi thị trường đá quý này thiếu tính minh bạch, bên cạnh đó là sự đa dạng của các loại đá quý khác.

 

Trong một nghiên cứu phân tích của Giáo sư Luc Renneboog thuộc Đại học Tilburg được công bố vào năm 2015, tỉ suất sinh lời trung bình mỗi năm của kim cương trong giai đoạn 1999 - 2012 ngang bằng với giá trị cổ phiếu và bất động sản. Theo đó, những người đầu tư kim cương trong giai đoạn này có thể thu về lợi nhuận trung bình 8% mỗi năm.

Nhưng ở thời điểm hiện tại, đứng trước những "cơn gió ngược" của nền kinh tế toàn cầu cùng với nhu cầu tiêu dùng suy yếu, sự ổn định của những viên kim cương dần lung lay. De Beers, Tập đoàn chuyên khai thác kim cương, gần đây đã giảm giá hơn 40% những viên kim cương thô có trọng lượng từ 2 đến 4 carat. Được biết, nhóm kim cương này là phân loại phổ biến chuyên được dùng để chế tác thành nhẫn đính hôn có trọng lượng từ 1 đến 2 carat.

Thậm chí, De Beers còn tái khởi động chiến dịch quảng cáo huyền thoại “Kim cương là vĩnh cửu”, nhằm kích cầu của người tiêu dùng.

Trong quá khứ, lợi nhuận ổn định của kim cương một phần được tạo ra bởi nhu cầu ổn định của thị trường. Tương tự như trường hợp của vàng, giới đầu tư thường tăng cường dự trữ kim cương như một nơi trú ẩn an toàn trong các giai đoạn kinh tế có nhiều biến động bất ổn. Mặt khác, kim cương được xem là món đồ trang sức có giá trị, điều này khiến giá của kim cương cũng tăng dần theo thời gian, nhất là trong giai đoạn thịnh vượng.

Song, yếu tố quan trọng tạo nên xu hướng tăng của kim cương là từ nguồn cung độc quyền. Hơn 100 năm qua, De Beers chiếm thế độc quyền, thống trị ngành sản xuất kim cương thô. Chính điều này đã tạo đà tăng giá ổn định qua từng năm của thị trường kim cương. Bằng cách tích trữ nguồn cung, De Beers tạo ra sự khan hiếm kim cương trên thị trường. Không những vậy, tập đoàn này còn hạn chế đầu cơ, cũng như kiểm soát những biến động có thể xảy ra.

Sự xuất hiện của "những kẻ mới đến"

 

Ở những thập niên 1980, De Beers nắm giữ khoảng 80% nguồn cung kim cương trên toàn cầu. Nhưng sau đó dần đánh mất thị phần về tay các đối thủ cạnh tranh khác, như Alrosa đến từ Nga. Hiện tại, De Beers chỉ còn trong tay 1/3 nguồn cung kim cương thô.

Một vấn đề khác phản ánh rõ tình trạng giảm giá tự do của kim cương thô là sự xuất hiện của kim cương nhân tạo từ phòng thí nghiệm. Loại kim cương này được chế tạo bằng phương pháp gây áp lực lên carbon trong phòng thí nghiệm, thay vì khai thác đá từ lòng đất như trước đây. Năm 2018, đá quý nhân tạo chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, nhưng hiện tại đã tăng lên khoảng 10%. Dưới mắt thường, 2 loại kim cương này giống hệt nhau.

Thời gian trước, giá của các loại đá quý nhân tạo được bán với mức giá bằng 80% giá kim cương tự nhiên. Nhưng hiện tại con số này đã giảm xuống và kim cương nhân tạo đang được bán với giá chỉ bằng 20-30% giá kim cương tự nhiên. Trong bối cảnh kim cương trong phòng thí nghiệm gia tăng thị phần nhanh chóng, De Beers cho rằng “những kẻ mới đến” này sẽ sớm trở nên kém hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng vì giá rẻ. Tuy nhiên, giá kim cương tự nhiên lao dốc trước sự cạnh tranh của đá quý nhân tạo dường như đang phủ nhận quan điểm của De Beers.

Động thái giảm giá mạnh của tập đoàn chuyên khai thác kim cương là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy vị thế của De Beers đang dần suy yếu trên thị trường đá quý. Mặc dù đây là tin tốt dành cho những ai muốn mua kim cương với mục đích sử dụng làm đồ trang sức, nhưng lại là mối lo ngại đối với các nhà đầu tư khi cân nhắc đầu tư vào thị trường này.

Có thể bạn quan tâm:

Hàng tỉ USD lợi nhuận của doanh nghiệp phương Tây bị "đóng băng" ở Nga

Nguồn The Economist