Unimedia đang xây dựng tầm nhìn dài hơi về các tài năng là những người đẹp.

 
Linh Lan Thứ Tư | 26/10/2022 08:22

Trần Việt Bảo Hoàng, CEO Unimedia: "Hoa hậu không chỉ là một nghề"

“Nếu gọi hoa hậu là một nghề thì chất liệu của nghề chính là sự ảnh hưởng đến công chúng”, CEO Unimedia nhận định.

Là đơn vị tổ chức thuộc Top đầu về uy tín và chất lượng trong vô số cuộc thi nhan sắc như Hoa hậu Hoàn Vũ, Hoa hậu Siêu quốc gia..., Unimedia đang xây dựng tầm nhìn dài hơi về các tài năng là những người đẹp. Trong cuộc gặp với NCĐT, Trần Việt Bảo Hoàng, CEO sinh năm 1991 của Unimedia, lần đầu chia sẻ bí mật trong kinh doanh nhan sắc cũng như hoài bão của anh.

Lợi nhuận từ các cuộc thi hoa hậu khủng như thế nào để ngay khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP vừa được “cởi trói”, nhiều đơn vị đã đua nhau tổ chức, thưa anh?

Chính tôi cũng rất tò mò! Không rõ lợi nhuận của các công ty khác khủng như thế nào. Là đơn vị tiên phong và thuộc nhóm đầu ngành trong lĩnh vực này, tất nhiên chúng tôi phải sống tốt và sống khỏe bằng lợi nhuận từ việc kinh doanh này. Nhưng ngay cả như thế, thị trường này vẫn rất cạnh tranh và khó khăn. Chúng tôi kinh doanh chính trực, kiếm tiền từ các hoạt động kêu gọi tài trợ, khai thác thương mại các tài năng và sản xuất những sự kiện khác. Do đó, với tôi, bài toán này là mồ hôi, công sức, thậm chí có cả nước mắt chứ không dễ dàng.

Việc nở rộ các cuộc thi chịu tác động từ 2 sức nén: sự cởi trói của Nghị định và chất xúc tác hậu COVID-19. Giống như một cái lò xo, sau quá trình nén, mọi người đua nhau “bung ra”. Đây là điều đáng mừng, chứng tỏ thị trường đủ lớn, đủ sức lôi kéo nhiều người đầu tư và sự quan tâm của công chúng. Đồng thời cũng đặt ra vấn đề, giữa nhiều cuộc thi như vậy, ai sẽ là người trụ lại được. Làm thế nào để tạo ra được lợi nhuận và bền vững mới là thách thức.

Kinh phí tổ chức cuộc thi chủ yếu đến từ các nhà tài trợ. Giải pháp của anh là gì để thu hút nhà tài trợ?

Ngay từ đầu, chúng tôi xác định sản phẩm của mình giống như một nền tảng kết nối giữa những đơn vị có nhu cầu - nhà tài trợ, người có nhu cầu tỏa sáng - thí sinh và người có nhu cầu xem giải trí - khán giả. Chúng tôi phải làm tốt nhiệm vụ kết nối và làm hài lòng cả 3 đối tượng này. Mình phải tạo ra sân chơi uy tín, minh bạch, chất lượng cho thí sinh; một sản phẩm giải trí hấp dẫn cho khán giả. Cuối cùng là cung cấp giải pháp quảng bá thương hiệu một cách hiệu quả thông qua thí sinh, thông qua chất lượng chương trình gửi đến khán giả, chính là khách hàng mục tiêu của nhà tài trợ.

Để thu hút nhà tài trợ, việc đầu tiên là phải làm sản phẩm cực kỳ tốt, luôn là tốt hơn và tốt nhất. Tôn chỉ trong công việc của tôi là nếu mình làm sản phẩm gì thì phải là người tiên phong trong lĩnh vực đó. Thứ 2, đó phải là sản phẩm tốt nhất trong khả năng có thể và so với những gì khán giả kỳ vọng. Đây là áp lực rất lớn tôi đặt ra không chỉ cho bản thân mà còn cho cả đội ngũ.

Sau khi trừ đi kinh phí tổ chức, lợi nhuận thu về khoảng bao nhiêu?

Lợi nhuận thu về còn tùy theo sản phẩm. Với những sản phẩm “bò sữa”, lợi nhuận có thể lên đến 30-50%. Với những sản phẩm đang xây dựng, mình chấp nhận lợi nhuận thấp hơn, thậm chí hy sinh lợi nhuận ở mùa đầu tiên. Xây dựng một sản phẩm lâu dài thì không thể mong thu về càng nhanh càng tốt. Một yếu tố quan trọng là tổ chức phải đủ tiềm lực và tầm nhìn. Đủ tiềm lực mới nuôi được tầm nhìn.

Chi phí mua bản quyền hiện nay là bao nhiêu? Khi tổ chức thành công, phí bản quyền có tăng?

Tôi chỉ có thể chia sẻ là trả bản quyền theo từng năm. Khi tổ chức thành công, bản quyền có lên giá theo 2 hướng. Một là đánh giá theo sketch của thị trường. Hai là mức độ chấp nhận của thị trường. Vì thế, chi phí bản quyền khác nhau theo từng nước, phụ thuộc vào dân số, mức độ yêu thích, sketch của thị trường và giá trị thương hiệu tại thị trường đó.

Có hay không việc các đơn vị ưu tiên gà nhà và vét người đẹp đi thi làm “tiền cảnh”?
Đây là câu hỏi hóc búa với tất cả các nhà tổ chức. Thực trạng về việc thiếu và phải đi săn thí sinh là có thật, đặc biệt khi có quá nhiều cuộc thi trong một năm. Theo góc nhìn của tôi, một thí sinh có thể thi nhiều cuộc thi cho đến khi đạt được điểm đích mà cô ấy mong muốn là điều bình thường.

Những thập niên trước, hoa hậu là giấc mơ cổ tích, người ta thích hình ảnh một người từ “zero” đến “hero” (từ một người vô danh trở thành một gương mặt cả nước đều biết đến). Bây giờ hoa hậu là một người làm việc, phải thực hiện sứ mệnh của họ liên tục. Để là một người làm việc, cô gái ấy phải có bản lĩnh, phải có sức khỏe và nỗ lực. Nỗ lực đó đến từ kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của cô ấy. Và phải có tinh thần sẵn sàng làm việc, khả năng truyền cảm hứng cho mọi người. Bản lĩnh không tự nhiên có mà phải được trui rèn, nên việc trau dồi bản thân qua nhiều cuộc thi để thực hiện sứ mệnh là đương nhiên.

 

Thực tế, chúng tôi không vất vả đến mức phải đi săn hay thuê thí sinh. Cách chúng tôi thu hút thí sinh là tổ chức cuộc thi uy tín, chất lượng. Nhờ đó, giữa vô số cuộc thi, thí sinh vẫn tìm đến mình. Thí sinh là điều quan trọng nhất để cuộc thi thành công dù có đánh trống thổi kèn hoành tráng đến đâu mà thí sinh không tốt thì cuộc thi cũng không chất lượng. 

Hoa hậu, á hậu hay các chức danh từ các cuộc thi nhan sắc có phải là một nghề?

Nếu nhìn ở góc độ của một người đi làm, kiếm ra thu nhập, đóng thuế thì chỉ đẹp không thôi chưa đủ để làm hoa hậu ở thời đại này. Như tôi đã nói, đó là một người phải làm việc. Sự khác biệt so với những nghề nghiệp thông thường là trách nhiệm vô hình, bất thành văn mà người đẹp đó phải duy trì để giữ được sức nóng, danh hiệu, vương miện và sự yêu mến trong lòng công chúng.

Nếu gọi đây là nghề thì chất liệu của nghề chính là sự ảnh hưởng đến công chúng. Cô ấy không thể làm nghề nếu mất đi sức ảnh hưởng đó. Nó như một sợi dây “trói” để cô ấy có những hoạt động tích cực, tạo ra những giá trị thực sự, phải được cộng đồng công nhận. Nó không gói gọn trong những hoạt động thiện nguyện mà còn nằm ở lời cô ấy nói, cách cô ấy sống, những hành động cô ấy làm hằng ngày. Tất cả phải đồng nhất với thông điệp mà cô ấy gửi gắm. Nhìn ở góc độ này, hoa hậu nhiều hơn một nghề.

Ngoài tổ chức cuộc thi, Unimedia còn định hướng thế nào để gia tăng lợi nhuận từ các người đẹp sau cuộc thi?

Chúng tôi đang xây dựng các nền tảng về giáo dục để truyền cảm hứng tích cực đến người trẻ. Dự kiến đầu năm tới ra mắt học viện khai phóng về kỹ năng và tư duy, dựa trên nền tảng của công thức thành công của các người đẹp tại Việt Nam. Chúng tôi đào tạo các lĩnh vực catwalk, chụp ảnh, nói trước công chúng... Nhưng quan trọng là rèn luyện và khai phóng tư duy cho người trẻ. Nhu cầu này rất lớn, không chỉ ở người trẻ mà cả trong nhóm đi làm từ 22-35 tuổi - giai đoạn định hình phong cách, xây dựng thương hiệu cá nhân. Họ rất muốn tìm hiểu họ là ai, phong cách nào phù hợp.

Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng hệ sinh thái xung quanh các người đẹp. Đó không chỉ là việc bán sản phẩm ăn theo như áo thun, móc khóa... như các ngôi sao thần tượng đã làm mà còn nhiều hoạt động khác liên quan đến môi trường, thiện nguyện.