Bìa quyển sách. Ảnh: TL

 
MINH ANH Thứ Sáu | 11/08/2023 16:10

Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương

Trịnh Hữu Ngọc không chỉ ghi dấu ấn với tranh mà còn gặt hái được nhiều thành công với thiết kế nội thất MÉMO Ébénisterie, vẽ minh họa…

Vậy nên, không quá khi ví von, những thành quả ông để lại là di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương. Khác với năm 2017, cuốn sách lần này về Trịnh Hữu Ngọc được bổ sung thêm nhiều thông tin mới, những khái niệm mới về tư tưởng mỹ thuật của ông. Càng đặc biệt hơn khi cuốn sách do con trai của ông - Trịnh Lữ - một người tài hoa chẳng kém trong giới dịch giả và hội họa – tiếp tục chấp bút. Sách dày 388 trang, hơn 600 hình ảnh và tranh vẽ, được viết song ngữ Việt - Anh, chia làm 3 phần: Cuộc đời và sự nghiệp, Di sản đặc biệt, Bình luận, tưởng niệm.

Tại buổi giới thiệu sách, họa sĩ Trịnh Lữ khẳng định, cha của ông chưa bao giờ đánh mất bản sắc Việt Nam trong các sáng tác, dù là thiết kế nội thất hay hội họa. “Việt Nam là một dân tộc rất giản dị, rất thông minh, biết học hỏi và biến tri thức khác thành của mình. Bố tôi cũng yêu những điều xung quanh một cách giản dị như thế. Do vậy, bản sắc dân tộc ở các tác phẩm của ông được toát ra một cách tự nhiên”, họa sĩ Trịnh Lữ nói.

Tích Xưa Men Cũ, sơn dầu trên vóc sơn ta, 55,5 x 55,5 cm, 1975. Đã bày trong triển lãm cá nhân tại Hà Nội – tháng 4/1988.
Tích Xưa Men Cũ, sơn dầu trên vóc sơn ta, 55,5 x 55,5 cm, 1975. Đã bày trong triển lãm cá nhân tại Hà Nội – tháng 4/1988.

Được đào tạo về hội họa ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc (1912-1997) đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân không chỉ vào hội họa mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác.

Trong thiết kế nội thất, Trịnh Hữu Ngọc đã tích hợp được những dấu ấn của cả phương Đông và phương Tây. Động lực để ông theo đuổi nghệ thuật đều khởi nguồn từ thực tiễn: sống trong căn nhà chật, ý tưởng thiết kế nội thất chính là để bài trí lại cuộc sống, thích nghi với thực tại. Ông bắt tay làm một dự án về đồ gỗ để ai cũng được dùng, bởi ông không muốn thiết kế nội thất chỉ để người giàu khoe của. Trịnh Lữ từng chia sẻ, bố của ông muốn làm nghệ thuật một cách hoàn toàn tự do. “Tức là ông muốn có một cái nghề gì đấy cũng làm nghệ thuật của mình nhưng rất thực tế để phục vụ đời sống, cho nên ông mới chọn nghề thiết kế nội thất, làm đồ gỗ để nuôi sống mình và nuôi sống gia đình”, Trịnh Lữ giải thích.

Ruộng Ngô Nhìn Về Ba Vì, sơn dầu trên giáy LeFranc, 51 x 66,5 cm, 1952.
Ruộng Ngô Nhìn Về Ba Vì, sơn dầu trên giấy LeFranc, 51 x 66,5 cm, 1952.

Trong mỹ thuật, Trịnh Hữu Ngọc thực hành mỹ thuật trên nhiều chất liệu. Đặc biệt, với tranh sơn mài ông đã có những đóng góp được nâng lên thành di sản. Trịnh Hữu Ngọc muốn dùng sơn ta cho lối vẽ trực họa ấn tượng, thay thế toàn bộ các chất liệu sơn dầu cổ điển Tây phương. Sau nhiều thử nghiệm từ cuối những năm 1940, ông bắt đầu trực họa phong cảnh trong năm 1953 với sơn ta do ông tự chế. Nền vẽ là những tấm vóc mỏng nhẹ bó bằng sơn ta và bột đá. Màu vẽ pha trực tiếp bằng các sắc tố nguyên chất với dầu pha chế từ sơn nhất của nhựa cây sơn Phú Thọ, chấp nhận mọi sắc tố khác nhau chứ không chỉ một vài sắc thâm trầm như sơn mài truyền thống.

“Qua việc tìm tòi sáng tạo với sơn ta, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc như là một chứng nhân, người tham gia đầu tiên, đưa chất liệu sơn ta vào nền hội họa mới. Ông nắm rất vững về tư tưởng sáng tác, không bị câu nệ vào chất liệu, quá đặc biệt hay quá khắt khe, mạnh dạn nghĩ ra chất liệu mới, vật liệu mới để đưa vào phương tiện mới của mình”, nhà nghiên cứu Phạm Long nhận định.

Cầu Ao Miền Núi, phấn màu trên giấy Ingres, 31 x 24 cm.
Cầu Ao Miền Núi, phấn màu trên giấy Ingres, 31 x 24 cm.

Quan niệm của Trịnh Hữu Ngọc khi vẽ tranh chính là “không cần lạ, chỉ cần đẹp”. Do đó, ông luôn lựa chọn những đề tài mộc mạc, gần gũi như: mùa cấy giáp Tết vẫn chen lẫn những hố bom; khung cảnh làng mạc với người lao động bình dị; là hoa cỏ, cây cối… Nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho rằng, thiên nhiên có lẽ là nơi Trịnh Hữu Ngọc tìm về để rũ bỏ những phiền muộn, ngổn ngang trong cuộc sống. Và ở nơi chốn đó, ông đã tìm thấy sự hòa điệu giữa không gian với tâm hồn. Tranh phong cảnh của ông đơn sơ, bình dị và đẹp đến mức, cụ Hồ khi xem xong đã dành lời khen tặng, gọi ông là “Monet của Việt Nam”.

Di sản của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc không chỉ là các tác phẩm còn lại trong hội họa, thiết kế nội thất, mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như với học trò. Ông có nhiều quan niệm rộng mở về nghệ thuật trong lòng cuộc sống. Chẳng hạn như: “thành người tự do rồi mới thành Nghệ sĩ", “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”, để di dưỡng tinh thần, cũng như việc tu tập, là để “tôi rèn cho mình một trí tuệ có khả năng vui sống hài hòa cùng một nhịp điệu với cuộc sống vĩnh hằng…”, rằng “mắt nhìn tay vẽ” là để thực hiện “hòa bình nội tâm”; và rằng “thiết kế nội thất là để xây dựng một nếp sống”…. Những tư tưởng này thuộc về vấn đề giáo dục khai phóng, và vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay, hướng con người đến việc phát huy các tiềm năng và tự do bên trong.

Thiếu Nữ Bên Hoa Tết, sơn dầu trên toan căng khung, 100 x 80 cm, 1962.
Thiếu Nữ Bên Hoa Tết, sơn dầu trên toan căng khung, 100 x 80 cm, 1962.

Về bản lĩnh Trịnh Hữu Ngọc, xin được trích dẫn một đoạn hoài niệm của cụ Nguyễn Bá Đạm để độc giả tiện hình dung; cũng là hiểu thêm về cố họa sĩ.

“Ông là nhà kinh tế giỏi, nhưng thời cục không chiều ông đành chịu bó tay thất thủ. Chán cảnh phồn hoa ông tìm mua được một mảnh đất ở Quảng Bá cạnh Hồ Tây làm nơi ẩn dật. Quảng Bá lúc bấy giờ xung quanh còn là đồng ruộng, người ở thưa thớt, trước nhà cách mấy chục mét có một ngôi chùa. Đi sâu vào trong độ 500 m là Phủ Tây Hồ. Ông dựng một gian nhà để ở, còn vợ con ông vẫn ở phố Quan Thánh.

Đồ nội thất của xưởng Memo. Trong ảnh là bộ nội thất cho phòng khách
Đồ nội thất của xưởng Mémo. Trong ảnh là bộ nội thất cho phòng khách.

Ngôi nhà của ông tựa như cái lều chăn vịt, tuy có lớp ngói đấy, trên nền đất cao, bước lên nhà như lên một cái dốc. Trong nhà thì lỉnh kỉnh bày biện nhiều thứ, sử dụng nó làm nhà ăn, vừa là buồng ngủ vừa là nhà bếp. Trong nhà cũng lát nền gỗ để lấy chỗ ngồi, xe đạp thì bỏ một xó, con chó Nhật thì nằm một nơi. Chiếc giường nằm của ông cũng kiểu cách khác lạ. Góc tường dựng độ 30, 40 bức tranh sơn dầu vẽ tĩnh vật và phong cảnh đem úp vào nhau. Khi muốn xem thì giở ra từng bức. Sau khi xem xong xếp lại như cũ. Đặc biệt có bức tượng đồng của George Khánh khắc họa lại hình ảnh của ông Victor Tardieu là ông thầy đã dạy ông về môn hội họa.

Trước khi bước ra khỏi nhà ông đều mặc comple, thắt cà vạt, nay giản dị nhiều, mùa hè thì cởi trần mặc chiếc quần lửng dài quá đầu gối. Đầu có lúc để một nhúm tóc buộc túm lại như củ hành; có khi lại cạo trọc lốc như ông sư. Trông ông giống như ông Thánh Gandhi bên Ấn Độ”.

(*) Tất cả ảnh trong bài viết đều được lấy từ quyển sách Họa Sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di Sản Đặc Biệt Của Mỹ Thuật Đông Dương