Du khách du lịch tại Hội An. Ảnh: Quý Hòa.

 
Thủy Ngọc Thứ Năm | 15/02/2024 07:00

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Trong khu vườn di sản

Góp phần cho việc nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho mọi người trong tâm thế "người làm vườn" đang tưới cây mỗi ngày.

25 năm trước, Ngô Viết Nam Sơn đã là một kiến trúc sư thành danh với tấm bằng tiến sĩ quy hoạch kiến trúc Mỹ và những năm tháng bận rộn trong việc thực hiện các dự án quy hoạch kiến trúc tại nhiều thành phố ở Mỹ, Canada, Philippines, Trung Quốc, Nhật và tại một vài thành phố của Việt Nam là thiết kế Khu Đô thị Nam Sài Gòn, quy hoạch Khu Đô thị Hà Nội Mới... Tuy nhiên, từ năm 2010 ông quyết định dành nhiều thời gian hơn cho Việt Nam, với công tác tư vấn quy hoạch cho nhiều tỉnh, thành, bao gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc, TP.HCM... và cho công cuộc giữ gìn, bảo tồn các di sản.

Theo ông, Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến, nhiều đô thị có lịch sử lâu đời, nhưng cho đến nay, mới chỉ có Huế và Hội An là khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, kèm theo các hướng dẫn, quy hoạch và chính sách bảo tồn di sản. Để hiểu hơn về giá trị của di sản và những câu chuyện liên quan đến bảo tồn di sản, NCĐT đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners.

Khi tri kỷ gặp nhau

Hình như đã là kiến trúc sư thì bảo vệ di sản cũng là sứ mệnh?

Đã là kiến trúc sư, ai cũng muốn tạo ra những công trình có thể để lại cho hậu thế. Không ai muốn thấy công trình của mình bị phá bỏ. Nếu biết sớm bị đập bỏ, người ta sẽ mất đi động lực sáng tạo và dành tâm huyết cho công trình. Vì thế, bảo vệ giữ gìn di sản của tiền nhân là tình cảm rất tự nhiên và là cách chúng ta tri ân các bậc tiền nhân về những đóng góp giá trị cho đời. Đó cũng là câu chuyện của những người tri kỷ như Bá Nha - Tử Kỳ ngày xưa thấu cảm nhau qua tiếng đàn.

Đi thăm nhiều nước trên thế giới, tôi thấy giá trị hấp dẫn khách du lịch nhất chủ yếu nằm ở không gian di sản, công trình văn hóa lịch sử và di sản thiên nhiên độc đáo mà nơi khác không có. Còn các công trình mới và hiện đại, do xu hướng quốc tế hóa các đô thị, ở đâu cũng có, nên đó lại ít khi là yếu tố thu hút khách du lịch, trừ phi thật sự xuất sắc.

Trước  những  quy  hoạch  có  tính  can  thiệp thô bạo đến di sản, phá vỡ di sản bằng chủ trương cao tầng hóa, bê tông hóa, ông và nhiều người đã lên tiếng. Nhưng dường như các ý kiến ấy chưa được lắng nghe?

Thật ra, đa số mọi người đều đồng thuận về giá trị của di sản, cho dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc thuyết phục cách ứng xử phù hợp  hơn đối với di sản. Trong chuyến đi gần đây đến gặp các nhà lãnh đạo của tỉnh Lâm Đồng và Đà Lạt, tôi rất mừng là ý kiến của mình bắt đầu được trân trọng và lắng nghe. Biết rằng, từ sự cảm thông đó, muốn thay đổi thực chất thì cần sự quyết tâm sau nhiều năm đi chệch hướng, do đó chúng ta vẫn nên kiên nhẫn và sẵn sàng chung tay nếu được yêu cầu hỗ trợ!

Ở các nước, mỗi khi đụng đến di sản có lẽ cũng đã nổ ra những tranh luận, đối đầu của nhiều bên vì lợi ích khác biệt. Có kinh nghiệm nào để cuối cùng di sản vẫn được bảo tồn?

Thực ra quá trình phát triển tại đa số các nước đều từng đi qua con đường Việt Nam đang trải qua. Trong đó, người dân, các nhà hoạt động cộng đồng và chuyên gia đều phải lên tiếng, vận động, thuyết phục giới lãnh đạo bảo tồn giữ gìn di sản trước áp lực phát triển địa ốc và hiện đại hóa đô thị.

Nổi tiếng hàng đầu là nhà báo Jane Jacobs. Bà đã thành công trong việc dùng ngòi viết và sức ảnh hưởng của mình để cùng người dân thuyết phục các nhà lãnh đạo lắng nghe, đồng thuận với việc dừng kế hoạch xây dựng xâm hại đến di sản đô thị tại New York. Sau này, những ý kiến sắc bén trong các tác phẩm của Jane Jacobs đã giúp bà trở thành một trong những cột trụ quan trọng trong ngành quy hoạch, cho dù bà chưa hề tốt nghiệp chuyên ngành này.

Những tầng giá trị  của di sản

Theo ông, nếu muốn lưu giữ những di sản quý giá, Việt Nam cần những điều kiện gì? Đâu là điều kiện tiên quyết?

Quan trọng nhất trong bảo vệ giữ gìn di sản là phải có hệ thống luật hiệu quả hơn. Hiện nay, trong số 4 thể loại di sản quan trọng, thì Luật Di sản Văn hóa chỉ mới tập trung vào thể loại (1) Công trình di tích cần được bảo tồn nguyên trạng. Tuy nhiên, luật này vẫn còn thiếu sót nền tảng pháp lý cơ bản và định hướng cụ thể cho việc bảo tồn di sản của 3 thể loại còn lại. Đó là (2) Công trình di sản có thể được cải tạo, chuyển đổi chức năng, chỉnh trang hoặc mở rộng, nhưng vẫn giữ lại giá trị bản sắc cơ bản của di sản. Đây là thể loại chiếm đa số trong tổng số các di sản quy hoạch kiến trúc trên toàn quốc nhưng chưa được quan tâm xứng tầm; (3) Công trình di sản chồng lớp theo nhiều thời kỳ, có thể được phục hồi theo tình trạng của một thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa địa phương hiện nay; (4) Công trình di sản đã bị hư hại có thể được tái thiết lại theo nguyên mẫu thiết kế ban đầu hoặc có thể bổ sung thêm một số yếu tố mới có giá trị giúp nâng tầm bản sắc của di sản này.

Theo tôi, cách quản lý toàn bộ các thể loại công trình di sản như di tích là không phù hợp, bởi 4 thể loại di sản trên cần áp dụng các giải pháp bảo tồn và chỉnh trang khác nhau. Chẳng hạn, ở TP.HCM, nhiều công trình di sản quan trọng như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Thư viện Khoa học tổng hợp... đều không nằm trong danh sách di sản chính thức do “không đạt tiêu chí di tích”. Trong khi đó, việc đòi hỏi bảo tồn Làng cổ Đường Lâm nguyên trạng như di tích lại tạo nên nhiều khó khăn cho việc chỉnh trang đáp ứng nhu cầu sống và làm việc của người dân địa phương.

Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ảnh: Quý Hòa.
Làng cổ Đường Lâm, Hà Nội. Ảnh: Quý Hòa.

Trong khi thiếu sót này của Luật Di sản Văn hóa chưa kịp điều chỉnh để phục vụ nhu cầu thực tế, để bảo vệ giữ gìn di sản tốt hơn, gắn kết hài hòa hơn với nhu cầu kinh tế xã hội gắn với di sản, chính quyền trung ương nên tạo điều kiện cho chính quyền địa phương đưa ra những quy định cấp thời, bổ sung cơ sở pháp lý cho việc bảo tồn, chỉnh trang và phát triển cho các khu vực của di sản thể loại (2).

Đây cũng là cơ sở để cho việc quy hoạch không gian lịch sử trong đô thị được thuận lợi hơn, bao gồm việc bảo vệ giữ gìn di sản hiệu quả hơn bằng cách ban hành các quy định khống chế số tầng và mật độ tại những khu vực có di sản giống như nguyên trạng. Điều này sẽ bảo vệ di sản rất hiệu quả, trước những nhà đầu tư theo tư duy mét vuông, chỉ muốn phá bỏ di sản để xây nhà cao tầng.

Dân gian thường có niềm  tin  rằng, di sản khi đặt ở vị trí nào đó, tồn tại qua nhiều năm tháng đều có một ý nghĩa tâm linh nhất định. Ông đánh giá gì về trường năng lượng, về những giá trị thâm sâu mà các di sản mang lại?

Khi nói về di sản, người ta thường nghĩ tới yếu tố vật thể nhiều hơn, tức nhà cửa, đường xá, những gì sờ thấy được... Nhưng ở di sản còn có nhiều giá trị khác rất quan trọng và gắn liền với di sản. Tôi gọi đó là giá trị phi vật thể mà trường năng lượng chính là một dạng phi vật thể, là một phần của bản sắc di sản.

Cửa Hiển Nhơn nằm ở phía Đông Hoàng Thành Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải/vietnamnet.vn.
Cửa Hiển Nhơn nằm ở phía Đông Hoàng Thành Huế. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải/vietnamnet.vn.

Ví dụ, Kinh thành Huế được xây theo trục phong thủy gắn kết với núi Ngự Bình và sông Hương. Vì thế, các dự án bảo tồn di sản và phát triển mở rộng bờ Nam sông Hương cần phải tôn trọng không gian phong thủy này, không nên xây những công trình chắn các trục chính nhìn về phía Kinh thành Huế và phía sông Hương Núi Ngự, để giữ gìn trường năng lượng và giá trị của không gian di sản. Trên cao nguyên, Đà Lạt có 2 trục cảnh quan mang yếu tố quan trọng về mặt định hình không gian quy hoạch kiến trúc và trường năng lượng phong thủy là không gian 2 bên suối Cam Ly, chảy ngang Hồ Xuân Hương và trục không gian xanh không được xây dựng công trình cao che khuất tầm nhìn từ Hồ Xuân Hương về phía núi Langbiang.

Ở vùng biển, thành phố Đà Nẵng có địa thế rất đặc biệt với sông Hàn, biển Đông và núi thiêng Ngũ Hành Sơn. Việc phát triển đô thị về phía Nam cần lưu tâm bảo vệ tầm nhìn thoáng từ khu trung tâm nhìn về phía Ngũ Hành Sơn và tầm nhìn thoáng ra biển để nâng cao giá trị trường năng lượng xanh cho thành phố. Bên cạnh đó, việc duy trì và phát huy đời sống, sinh hoạt tập quán đặc thù của người dân địa phương cũng rất quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho di sản. 

Phải chăng một thành phố còn nhiều di sản mới thực sự là thành phố tươi đẹp và phát triển bền vững?

Tôi hình dung một thành phố có nhiều di sản như một cuốn sách thú vị có nhiều chương, mỗi chương kể về một thời kỳ với những câu chuyện đặc sắc, dẫn dắt chúng ta vào một thế giới bản sắc độc đáo. Nhiều thế hệ nối tiếp nhau sẽ giúp cho việc tiếp tục xuất bản các tập 2, 3, 4... của cuốn sách đó. Thật thú vị biết mấy và các thế hệ sau đọc lại sẽ tự hào biết mấy! Đó cũng là nền tảng văn hóa quan trọng cho việc sáng tạo ra những cái mới, những bản sắc mới tương lai.

Ông sẽ vẫn giữ lòng tha thiết với bảo vệ di sản dù cho sự tha thiết ấy có thể không đạt kết quả như mong muốn?

Như đã nói, tôi góp sức nâng cao ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản cho mọi người, đặc biệt là cho nhà lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp, trong tâm thế “người làm vườn” đang tưới cây. Tôi tin chắc là nỗ lực của mình và của những người đồng chí hướng sẽ có ngày ra hoa kết quả.

Do đó, tôi hạnh phúc với những gì mình đang làm. Kết quả đến nhanh hay chậm sẽ tùy thuộc vào việc tất cả mọi người có cùng mong muốn đoàn kết chung tay với nhau như thế nào mà thôi, nhưng trước sau gì chúng ta cũng sẽ đến đích, toàn bộ khu vườn sẽ trở nên xanh tốt, ra hoa kết trái cho mọi người.