Trước đây, các cặp đôi thường chào đón các vị khách mang theo người thân hoặc trẻ em đến tiệc cưới nhưng điều này đang thay đổi.

 
Bảo Hân Thứ Bảy | 20/01/2024 07:00

Đám cưới kiểu Gen Z

Sau Millennials, thế hệ tiếp theo tiến vào độ tuổi kết hôn trong thập kỷ tới sẽ là Gen Z với xu hướng chi tiêu vô tiền khoáng hậu.

Có 15 triệu Gen Z sẽ là khách hàng chính cho ngành công nghiệp tiệc cưới Việt Nam trong thập kỷ tới. Chi phí cưới hỏi tăng cao do lạm phát cùng sự phát triển của công nghệ đang khiến nhóm này nghĩ đến nhiều cách tổ chức đám cưới khác xa thông thường.

Mấy ngày qua, anh Khôi (sinh năm 1997, ngụ ở TP.HCM) và vợ sắp cưới đang tìm hiểu các dịch vụ cưới nhưng chi phí cao khiến cả 2 phải cân nhắc. Lấy ví dụ, chi phí trung bình cho một bàn tiệc cưới 10 khách, được tổ chức tại nhà hàng tầm trung ở TP.HCM là 6-7 triệu đồng, tăng gần 20% so với trước đại dịch. Trung bình một bên họ (nhà trai/gái) sẽ đãi khoảng 300 khách, kèm thêm một số phụ phí khác, tổng chi phí có thể lên hơn 200 triệu đồng. 

 

Tại một số tỉnh, thành nhỏ phía Nam, một mâm tiệc cưới (chưa bao gồm bia/ nước ngọt) dành cho 10 người tại gia dao động từ 2-3 triệu đồng và 3-4 triệu đồng tại nhà hàng địa phương. Tuy nhiên, tại tỉnh, thành, số lượng khách trung bình có thể lên đến 400-500 người nên chi phí từ 100 triệu đồng nếu đãi tại nhà và từ 150 triệu đồng nếu đãi ở nhà hàng. Tính cả các chi phí khác như chụp hình cưới, lễ ăn hỏi, mâm quả…, có thể đội thêm 100-200 triệu đồng. Như vậy, trung bình để tổ chức một đám cưới hiện tốn khoảng 400 triệu đồng ở TP.HCM và tầm 300-350 triệu đồng ở quê. 

Khoản chi này càng nặng gánh đối với những cặp vợ chồng khác quê như anh Tiến, chị Hoa vì phải tổ chức 2 đám cưới ở 2 nơi khác nhau. “Đôi khi việc lên sân khấu nhiều lần và tiếp đón nhiều người không quen biết khiến tôi cảm thấy kiệt sức và xem sự kiện này như một thủ tục chứ không phải ngày trọng đại. Chưa kể chi phí còn tốn kém”, anh Tiến nói.

Vì thế, thế hệ Gen Z ngày nay muốn thay đổi một vài điểm trong hành trình kết hôn để có đám cưới ý nghĩa với chi phí phù hợp trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn. Đó cũng là suy nghĩ của Gen Z ở nhiều nơi trên thế giới, không riêng Việt Nam. Báo cáo của The Knot (Mỹ) chỉ ra chi phí trung bình để tổ chức đám cưới ở Mỹ hiện là 30.000 USD, tăng 2.000 USD so với năm 2021, dẫn đến 75% Gen Z và Millennials tham gia khảo sát không muốn một đám cưới quá xa xỉ, trong đó 66% Gen Z cho biết nếu phải chi thì phải chi cho xứng đáng.

Điều này dẫn đến 3 kịch bản chi tiêu. Thứ nhất, đối với các cặp đôi đã đặt cọc địa điểm từ trước, yếu tố chiếm hơn 50% chi phí tổ chức, đồng nghĩa không còn cơ hội tiết kiệm từ mục này bằng cách đổi địa điểm hay giảm lượng khách mời, thay vào đó họ sẽ tập trung tiết kiệm ở các công đoạn sau như trang phục, trang sức, hoa trang trí trong tiệc cưới hoặc quà tặng cho khách sau buổi tiệc.

“Xu hướng “thuê được sẽ thuê” sẽ lên ngôi và việc lựa chọn cái gì thuê, cái gì mua sẽ được dựa trên nguyên tắc không mua những gì chỉ sử dụng ít hơn 2 lần một năm”, báo cáo viết. “Thế hệ cô dâu tiếp theo đang quan tâm trải nghiệm hơn là ngày cưới. Việc họ đang suy nghĩ lại về ngày cưới của mình sẽ như thế nào là điều hoàn toàn tự nhiên”, bà Miriam Williams, đồng sáng lập công ty cho thuê váy cưới Atlanta Laine London, nói với CNBC.

 

Nhóm thứ 2, đang trong quá trình lên kế hoạch, sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Danh sách khách mời là việc đầu tiên phải tối ưu vì đây là cội nguồn phát sinh chi phí, quan trọng hơn là trải nghiệm buổi tiệc. Ông Jason Rhee, nhà tư vấn tổ chức tiệc cưới có văn phòng ở California (Mỹ), nói với CNBC rằng càng ít người đến dự tiệc đám cưới thì các cặp đôi càng có nhiều nguồn lực hơn cho bữa tiệc.

Trước đây, các cặp đôi thường chào đón các vị khách mang theo người thân hoặc trẻ em đến tiệc cưới nhưng điều này đang thay đổi. Các cặp đôi mới cưới chú trọng hơn tới việc chia sẻ ngày vui của mình với ai. Điều đó đặc biệt quan trọng với thị trường Việt Nam, khi mừng cưới là một phong tục và mức chi phổ biến nhất của đồng nghiệp/bạn bè dao động từ 300.000-500.000 đồng/người, người nhà có thể cao hơn. Càng tính toán chính xác, càng giảm khả năng bù lỗ.

Thay vì mời 150 người, nhiều cặp đôi đang có xu hướng mời 70% số đó với chi phí không đổi. Phần tiền dôi ra sẽ được bổ sung vào chất lượng bữa ăn, trang trí không gian địa điểm để đảm bảo người tham dự có trải nghiệm tốt nhất.

Quay trở lại trường hợp của anh Khôi, thay vì chi nhiều cho số lượng bàn tiệc như thông thường, anh quyết định mời không quá 50 người, chỉ gồm bạn bè thân thiết và gia đình. Số tiền tiết kiệm được sẽ chi vào việc trang hoàng đám cưới mang đậm dấu ấn cá nhân, còn địa điểm thì sẽ tổ chức ngoài trời, có thể là tại bãi biển hoặc vùng núi đồi có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. “Nếu phải dốc tiền vì đám cưới, tôi muốn dành nó cho một đám cưới ý nghĩa hơn là một đám cưới nặng nề các thủ tục với những khách mời chưa một lần gặp mặt”, anh Khôi nói.

Câu chuyện của anh Khôi cũng là mở đầu cho kịch bản chi tiêu thứ 3 của các cặp đôi Gen Z có thu nhập cao và gia đình có điều kiện. Theo báo cáo ngành công nghiệp cưới của Tencent, tại Trung Quốc, số lượng đăng ký kết hôn trên cả nước đạt mức thấp mới vào năm 2020, chỉ có 8,131 triệu cặp, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức chi tiêu cho đám cưới lại tăng đáng kể. Bất chấp dịch bệnh năm 2020, chi phí đám cưới trung bình của mỗi cặp đôi Trung Quốc vẫn lên tới 174.000 nhân dân tệ (gần 600 triệu đồng), gấp 2,7 lần so với năm 2015. 

Cũng theo báo cáo trên, xu hướng nổi bật nhất, chiếm phần nhiều trong khoản chi của những cặp đôi này là các dịch vụ tổ chức/lên kế hoạch đám cưới trọn gói, chịu trách nhiệm về toàn bộ quá trình, từ lập kế hoạch, phân bổ ngân sách, cho đến đảm bảo ngày trọng đại sẽ diễn ra suôn sẻ. Việc này tiết kiệm được đáng kể nguồn lực cho các cặp đôi và gia đình. Tuy nhiên, với chi phí đắt đỏ, mô hình dịch vụ lên kế hoạch cưới chủ yếu tập trung ở các thành phố hạng nhất (tỉ lệ lên tới 30% ở Thượng Hải, Thiên Tân và đang ngày càng tăng). 

Tại Việt Nam, chi phí trung bình cho một gói dịch vụ lên kế hoạch trọn gói dao động từ 35-60 triệu đồng. Song, với mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam vào khoảng 7 triệu đồng/tháng (theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) và Gen Z chỉ chiếm 1/3 trong số này, có thể thấy tỉ lệ Gen Z có thể tự sức đầu tư cho các dịch vụ tốn kém để có một đám cưới mang đậm dấu ấn cá nhân trong bối cảnh kinh tế hiện tại vẫn là rất nhỏ.