Có nhiều quốc gia châu Á hiện áp dụng các quy định về phát thải carbon tương đối nhẹ so với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại phương Tây. Ảnh: SCMP.

 
Khánh Tú Thứ Bảy | 23/03/2024 10:00

Châu Á chọn xanh hoặc bị bỏ lại

Các quốc gia châu Á buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch trong cuộc chơi thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh toàn cầu hướng đến một tương lai xanh và công bằng hơn, các hoạt động phát triển kinh tế bền vững ngày càng được chú ý. Các quốc gia phát triển đã nhanh chóng chuyển đổi và tích hợp những giá trị này vào khuôn khổ kinh tế và xã hội. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á có thể đối mặt với nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chơi thương mại toàn cầu, nếu không nhanh chóng bắt kịp xu hướng. 

Lựa chọn chuyển đổi xanh

Có nhiều quốc gia châu Á hiện áp dụng các quy định về phát thải carbon tương đối nhẹ so với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt tại phương Tây, khiến châu Á nhìn chung trở nên hấp dẫn hơn đối với các ngành sản xuất đang tìm kiếm chi phí vận hành thấp hơn, bao gồm cả những ngành liên quan đến tuân thủ môi trường. Tuy nhiên, hiện xu hướng phát triển đang tập trung vào các hiệp định khí hậu toàn cầu và chính sách môi trường nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia châu Á sẽ gặp khó khăn khi không thể tuân thủ các quy định trên thị trường thương mại quốc tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và quỹ đạo kinh tế.

Trong những năm gần đây, Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam và Bangladesh đã tăng cường hoạt động sản xuất đáng kể, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như dệt may, điện tử, ô tô và các ngành công nghiệp nặng như thép và xi măng, các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động và năng lượng.

Điển hình như Bangladesh, quốc gia châu Á phải đối mặt với những thách thức về bền vững để duy trì vị thế là một đối tác thương mại hấp dẫn, đặc biệt là với EU, thị trường quan trọng đối với Bangladesh. Năm 2023, khối lượng nhập khẩu quần áo từ Bangladesh vào EU vượt qua lượng nhập khẩu từ Trung Quốc, đưa quốc gia Nam Á lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu ở EU.

Tuy nhiên, xuất hàng dệt may của Bangladesh có thể gặp áp lực từ CBAM, bởi các yếu tố như thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng hóa gây ra lượng khí nhà kính trong quá trình sản xuất. Loại thuế này sẽ làm tăng chi phí bán hàng dệt may tại thị trường EU đối với các nhà xuất khẩu như Bangladesh, vốn sẽ phải trả thuế liên quan đến lượng khí thải carbon.

Kể từ tháng 10/2023, CBAM đã bắt đầu triển khai và đang mở rộng phạm vi áp dụng trong vài năm tới. Trước mắt, các lĩnh vực như sắt, thép, xi măng, nhôm và điện sẽ phải áp dụng CBAM. Còn phạm vi áp dụng thuế biên giới có thể mở rộng dần sau khi được xem xét.

Mục tiêu cuối cùng của CBAM là bảo vệ các ngành công nghiệp của EU khỏi sự cạnh tranh từ các quốc gia có mức độ ô nhiễm cao hơn, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp châu Âu. Các nhà xuất khẩu châu Á, bao gồm cả Bangladesh, có thể gặp khó khăn khi nhu cầu hàng hóa ở EU giảm xuống, nhất là khi phải tăng giá để bù đắp khoản thuế liên quan đến lượng khí thải carbon.

Hơn nữa, hệ quả của việc trên có thể là các công nhân sản xuất ở các quốc gia xuất khẩu sẽ mất việc làm. Các nhà xuất khẩu hàng dệt may từ các nước đang phát triển ở châu Á cũng lo ngại EU sẽ áp thuế biên giới làm biện pháp bảo hộ, thách thức khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp châu Âu, ngay cả khi họ tiếp tục thực hiện các sáng kiến giảm phát thải carbon.

Để tránh chi phí đáng kể liên quan đến CBAM, các quốc gia châu Á buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch, bởi việc sử dụng năng lượng là một trong những nguyên nhân tạo ra lượng khí thải trong quá trình sản xuất. Bangladesh, với những hạn chế về đất đai và lưới điện, đang tập trung vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió trên mái nhà, cùng với các giải pháp phân tán và tái tạo năng lượng. Ngoài ra, với nguồn nước dồi dào, năng lượng mặt trời nổi cũng là một lựa chọn tiềm năng cho Bangladesh, dù hiện nước này mới ở giai đoạn phát triển ban đầu. Hướng tới mục tiêu xanh hơn, Bangladesh đang đặt mục tiêu sản xuất ít nhất 40% điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2040.

Ngoài ra, việc giảm lượng khí thải từ hoạt động vận tải còn mang lại nhiều lợi ích khác. Với việc rút ngắn chuỗi cung ứng bằng cách sản xuất sợi trong nước, Bangladesh đã hợp lý hóa quy trình sản xuất, đồng thời giảm thiểu khí thải gây hại cho môi trường.

Năm 2023, Bangladesh lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu ở EU. Ảnh: SCMP.
Năm 2023, Bangladesh lần đầu tiên trở thành nước xuất khẩu hàng dệt may hàng đầu ở EU. Ảnh: SCMP.

Ứng dụng công nghệ bắt kịp xu hướng

Đối với các nhà sản xuất châu Á, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (A.I) có thể giúp họ trở nên bền vững hơn. Sử dụng A.I và các thuật toán nâng cao để phân tích dữ liệu khách hàng, như thông tin về lần mua hàng trước đó và xu hướng thời trang, có thể giúp giảm tỉ lệ hoàn trả và giảm thiểu lượng khí thải từ quá trình vận chuyển.

Thế nhưng, một số quốc gia châu Á mới nổi có thể không có nguồn tài chính hoặc trình độ kỹ thuật để triển khai và đẩy mạnh sử dụng trí tuệ nhân tạo trong các ngành công nghiệp. Trong trường hợp này, các quốc gia cần đảm bảo cung cấp đào tạo nghề và khuyến khích giáo dục đại học, nhằm đảm bảo lực lượng lao động có đủ trình độ sử dụng công nghệ tiên tiến, nếu không có thể sẽ bị tụt lại phía sau trong một thế giới phát triển hơn.

Thách thức của việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường toàn cầu chặt chẽ hơn mang đến cho các thị trường châu Á mới nổi nhiều cơ hội để đổi mới và thích ứng. Điều này thúc đẩy các quốc gia này tăng tốc chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và tận dụng công nghệ để sản xuất hiệu quả hơn.

Bằng cách áp dụng các hoạt động bền vững, tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ và kỹ thuật số cũng như thúc đẩy sự hợp tác trong toàn ngành, châu Á không chỉ tuân thủ nhu cầu quốc tế mà còn đảm bảo lợi thế cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

Ngành khách sạn Hồng Kông trông chờ vào các sự kiện lớn

Nguồn SCMP