Nguồn ảnh: Dalat Hasfarm

 
Cẩm Tú Thứ Ba | 12/05/2020 16:48

Sau thời gian ế ẩm vì đại dịch, thị trường hoa tươi sôi động trở lại

Nếu cách đây 1 tháng, hàng triệu cành hoa tại Đà Lạt ế ẩm vì dịch cúm thì nay, lượng tiêu thụ đã bắt đầu ổn định trở lại.

Nếu cách đây 1 tháng, hàng triệu cành hoa tại Đà Lạt buộc phải tiêu hủy vì không có người mua thì nay, lượng tiêu thụ đã bắt đầu ổn định trở lại mặc dù giá vẫn còn thấp.

Chủ một đầu mối tại Đà Lạt chuyên cung cấp hoa cho thị trường Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 4 đến nay giá các loại hoa hồng bắt đầu tăng trở lại. Hiện tại, thương lái thu mua hoa hồng tại vườn với giá từ 500-600 đồng/bông. Sau khi loại bỏ những cành không đạt chất lượng, hoa được đóng thùng chuyển đi tiêu thụ với giá 1.000 đồng/bông. Với giá bán trên, nhà vườn và người kinh doanh hoa hồng lời không đáng kể nhưng hầu hết đều thấy phấn khởi sau cả tháng tiêu thụ hoa gần như bằng không. Người trồng hoa hồng đang kỳ vọng trong thời gian tới giá hoa sẽ tăng cao hơn nữa. Tuy nhiên, các điểm thu mua hoa lớn trên địa bàn đánh giá sản lượng tiêu thụ hoa hồng tại Đà Lạt hiện mới bằng 1/3 so với thời điểm chưa xảy ra dịch COVID-19. 

Cùng với hoa hồng, một trong những loại hoa được trồng nhiều ở Đà Lạt là hoa cúc đang tăng giá mạnh khi thị trường tiêu thụ ổn định trở lại. Hiện giá cúc lưới được thu mua tại vườn với giá 15.000/bó 10 cành, cúc chùm 5.000 đồng/bó. Với giá bán này, người trồng hoa cúc đảm bảo có lãi trung bình khoảng 10 triệu đồng/1.000 m2 sau hơn 3 tháng chăm sóc. 

Về phía các doanh nghiệp xuất khẩu khoa, sau một thời gian khó khăn do dịch COVID-19, hiện một số đã nối lại xuất khẩu hoa sang các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật, Úc... Để đa dạng hóa phương tiện vận chuyển, thay vì chỉ xuất khẩu theo đường hàng không, doanh nghiệp xuất khẩu hoa hàng đầu Đà Lạt là Dalat Hasfarm mở rộng thêm đường tàu biển để tăng khả năng tiếp cận thị trường. Việc tiếp tục xuất khẩu hoa đã giúp các doanh nghiệp như Dalat Hasfarm dần phục hồi sản xuất, bước đầu thoát khỏi khó khăn do tình hình dịch bệnh gây ra. 

Ở phía Bắc, nông dân làng Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cũng bắt đầu trở lại nhịp lao động như trước khi có dịch. Thời điểm hiện tại, ngoài những ruộng hoa đã thu hoạch hoặc phải bỏ đi phân nửa vì cắt về cũng không bán được, còn có nhiều ruộng hoa bắt đầu đến vụ, hoa cắt về có thể đem đi tiêu thụ ngay ở chợ hoặc để phục vụ thương lái đến tìm mua tại vườn.

Ngoài ra, những ngày gần đây thương lái ở một số tỉnh lân cận và các đại lý hoa ở Hà Nội bắt đầu liên hệ lại với nông dân ở Tây Tựu để đặt hoa. Đây là kênh tiêu thụ chính mang lại nguồn thu nhập cho người trồng hoa.

Ảnh: TL

Theo đó, thời điểm hiện tại, riêng bán buôn số lượng lớn cho tiểu thương giúp mỗi hộ tiêu thụ trung bình khoảng 2.000 bông/ngày. Cùng với số bán lẻ ở chợ đầu mối, hoạt động kinh doanh của các hộ trồng hoa đã bắt đầu bắt nhịp trở lại với số lượng trung bình mỗi ngày tiêu thụ được khoảng 3.000 bông hoa các loại. Dù vậy, nông dân trồng hoa ở Tây Tựu cho biết giá hoa hiện tại chỉ bằng khoảng 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái.