Ảnh: Quý Hòa

 
Minh Hà Thứ Sáu | 27/05/2022 07:30

CEO Công ty Jemmia: "Không chỉ là trang sức, kim cương là tài sản tích lũy"

Xu hướng dùng kim cương là tài sản tích lũy trên thế giới du nhập đến Việt Nam. Nền kinh tế tăng trưởng nhanh tạo động lực lớn cho xu thế này.

Bất chấp tác động từ đại dịch, ngành kim hoàn Việt Nam vẫn có sự thích nghi và chuyển mình mạnh mẽ. Trong làn sóng đó, kim cương đang trở thành phân khúc thú vị và ngày càng hấp dẫn hơn với khách hàng. NCĐT đã trao đổi với ông Lâm Ngọc Cường, CEO Công ty Cổ phần Jemmia, xung quanh vấn đề này.

Khi số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam tăng khá nhanh, ông có nhận thấy thị trường kim cương đang trở nên hấp dẫn?

Thị trường kim cương tại Việt Nam vừa bước qua giai đoạn sơ khai và đang bước vào giai đoạn phát triển bền vững. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng khá nhanh, kéo theo sự gia tăng về số lượng của nhóm người giàu và siêu giàu, cho nên tôi thấy ngành này đang đứng trước một cơ hội rất lớn. Mặc dù có nhiều thách thức trong ngắn hạn, nhưng tôi tin sẽ có một vài thay đổi tích cực thúc đẩy tiềm năng của ngành phát triển mạnh mẽ. Tôi tin chắc rằng sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc và bền vững.

Không chỉ dùng làm trang sức, nhiều người xem kim cương như một loại tích sản. Ông nghĩ như thế nào về xu hướng này?

Chính xác, thực chất kim cương là tài sản quy đổi giá trị có kích thước nhỏ nhất thế giới, lên tới hàng trăm triệu USD. Viên Pink Star được bán với giá kỷ lục 71,2 triệu USD, viên Pink Legacy 50 triệu USD, Graff Pink 46,2 triệu USD... Những viên kim cương này ít được dùng để đeo mà thường được bảo vệ rất nghiêm ngặt.

 

Từ năm 1982 đến nay, giá kim cương luôn tăng ổn định với mức tăng trung bình 4%/năm. Đặc biệt trong những thời kỳ bất ổn như lạm phát hay khủng hoảng, kim cương đều bộc lộ được khả năng trú ẩn tài sản.

Theo tôi, chu kỳ giá kim cương sắp tới sẽ khá lạc quan, xuất phát từ việc khan hiếm nguồn cung do các tập đoàn lớn áp dụng nghiêm ngặt các quy tắc bảo vệ môi trường, an sinh xã hội, đồng thời các lệnh cấm vận nhắm vào Nga, một nguồn cung cấp kim cương thô lớn nhất thế giới. Điều này khiến nguồn cung lại càng khan hiếm hơn.
Ngoài ra, lạm phát leo thang, khiến giá nhiên liệu tăng cao, chi phí bảo vệ môi trường ngày càng đắt đỏ cũng đẩy giá kim cương tăng mạnh.

Xu hướng dùng kim cương làm tích sản đang diễn ra tại thị trường Việt Nam như thế nào?

Xu thế tích sản đang diễn ra ở thị trường kim cương một cách khá thú vị. Trên thế giới, xu thế này đã phát triển rất mạnh, bằng chứng là những viên kim cương quý được bán với giá hàng chục, trăm triệu USD qua mỗi lần đấu giá. Mặc dù có giá rất cao, những báu vật này được bán rất nhanh và được định danh rất rõ ràng là “tài sản khan hiếm độc nhất”.

Ở Việt Nam, xu thế này có sự khác biệt một chút, nó bắt nguồn từ những người đam mê kim cương với thói quen sưu tầm vừa làm trang sức vừa làm tài sản. Sau đó thói quen này được nhân rộng và giờ bắt đầu xuất hiện xu thế truyền lại cho thế hệ tiếp theo.

Nói như vậy, sức tiêu thụ kim cương tại thị trường Việt Nam nói chung chắc hẳn tăng khá mạnh? 

Đúng vậy. Sức tiêu thụ kim cương của thị trường nói chung gần đây đang rất tốt. Công ty Jemmia cũng được hưởng lợi từ điều này. Bên cạnh những tín hiệu tích cực của ngành, chúng tôi cũng đang tích lũy nguồn lực để có thể thích nghi với các thách thức ngắn hạn trong thời gian tới.

Ảnh: Quý Hòa
Ảnh: Quý Hòa

Thị trường trang sức kim cương toàn cầu đạt giá trị 64 tỉ USD vào năm 2020, đây là một con số rất lớn. Việt Nam có đủ tiềm năng để nắm bắt cơ hội này, nhưng để tận dụng tốt, cần thêm vài yếu tố.

Trong đó, cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách của Nhà nước và sự góp sức của các tập đoàn hàng đầu để tạo ra một hệ thống sàn giao dịch giúp cho việc quản lý, trao đổi mua bán trở nên an toàn và dễ dàng hơn. Từ đó tạo dựng niềm tin cho nhà đầu tư, gia tăng tính thanh khoản và nhu cầu cho thị trường kim cương. Đây có thể là cú hích lớn cho ngành kim cương Việt Nam.

Theo quan điểm của ông, ngành kim cương Việt Nam hiện nay có khác biệt gì so với quá khứ?

Thực sự rất khác biệt, ngành kim cương Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc so với 10 năm trước, bởi thời đại công nghiệp 4.0 đã đẩy nhanh quá trình chuẩn hóa tri thức và giao dịch toàn cầu. Nhiều công nghệ mới được áp dụng tạo nên tính minh bạch và bền vững cho ngành kim cương, mang lại giá trị lớn cho khách hàng và nền kinh tế.

Thị trường kim cương hiện nay cũng có tính đa dạng hơn, những viên kích thước vừa và nhỏ đều có mức giá khá tốt. Những khách hàng trẻ chỉ cần khoảng 2 tháng lương là đã có thể sở hữu hoặc mua tặng cho người yêu.

 

Khách hàng hiện nay cũng đã am hiểu về kim cương hơn, có nhu cầu cao về thể hiện đẳng cấp bản thân. Điều này tạo thêm động lực cho các thương hiệu kim cương hàng đầu Việt Nam như Doji, PNJ, Jemmia có sự đầu tư, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, cùng những trải nghiệm xứng tầm cho khách hàng.