Ảnh: Shutterstocks

 
Thứ Bảy | 09/03/2024 07:30

Amy Edmondson & Sự an toàn tâm lý

Cách tiếp cận của Amy Edmondson về sự an toàn tâm lý là chìa khóa cho các vấn đề xây dựng văn hóa tổ chức, phát triển năng lực lãnh đạo…

Ngày 6/11/2023, ngay tại London hoa lệ, tên của Giáo Sư Amy Edmondson được xướng lên với tư cách người đứng đầu danh sách Thinkers50 năm 2023. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Giáo Sư Amy Edmondson đứng đầu danh sách danh giá này bởi Thinkers50 được ví von như giải Oscars dành cho các nhà tư tưởng quản trị, được bình chọn và vinh danh 2 năm một lần, từ năm 2001 đến nay.

Từ dự án Aristotle của Google…

Năm 2012, nhằm tìm kiếm chìa khóa cho việc xây dựng một “đội ngũ trong mơ” (dream team), Google đã khởi động dự án Aristotle, một nghiên cứu kéo dài trong 2 năm, được thực hiện trên 180 đội nhóm với hơn 200 cuộc phỏng vấn. Có lúc dự án này gần như đi vào ngõ cụt khi nhóm nghiên cứu đã phân tích được hơn 250 đặc điểm của các nhóm hiệu quả nhưng vẫn chưa tìm thấy đặc điểm gì nổi bật ở các nhóm vượt trội. Tuy nhiên, sau khi nhóm nghiên cứu chuyển trọng tâm phân tích sang những yếu tố “mềm” và “vô hình” hơn, họ dần nhận ra công thức chung: các nhóm vượt trội là nơi huy động được trí tuệ tập thể.

 

Các nhóm làm việc hiệu quả tại Google đều chia sẻ 4 đặc điểm chung:
1. Tính đáng tin cậy: Các thành viên hoàn thành công việc đúng hạn và đúng chất lượng.
2. Cấu trúc và sự rõ ràng: Có mục tiêu rõ ràng và xác định vai trò rõ ràng của các thành viên trong nhóm.
3. Ý nghĩa: Mỗi thành viên nhận thức ý nghĩa của công việc đối với cá nhân họ.
4. Tác động: Mỗi thành viên nhận thức được công việc họ đang làm có ảnh hưởng, tác động tích cực đến một tập thể.

Còn nhóm làm việc vượt trội có thêm một yếu tố mà nghe qua rất “khó gọi tên” là:
5. Sự an toàn tâm lý: Đó là một đội nhóm mà mỗi thành viên không sợ bị soi, bị đánh giá, phán xét cá nhân mà trái lại, họ cảm thấy an toàn để dám mạo hiểm, dám đưa ra chính kiến và đặt câu hỏi mà không sợ bị chê bai. Đó là một đội nhóm mà người quản lý tạo ra một cảm giác an toàn đủ để mỗi thành viên tự buông bỏ lớp phòng thủ cá nhân của mình.

Ba năm trước đó, vào năm 1999, trong một nghiên cứu được công bố, Giáo Sư Amy Edmondson thuộc Đại học Harvard đã nhắc đến thuật ngữ “sự an toàn tâm lý” (psychological safety) và định nghĩa nó như sau: một niềm tin chung giữa các thành viên rằng đội nhóm này là nơi an toàn để mạo hiểm trong tương tác giữa người với người; khi mỗi người cảm thấy tự tin rằng đồng đội mình sẽ không làm cho mình thấy xấu hổ, hay chối bỏ mình, hoặc trừng phạt mình vì dám lên tiếng; phẩm chất của một đội nhóm mà có niềm tin lẫn nhau và tôn trọng lẫn nhau, là nơi mọi người thấy thoải mái để là chính mình.

Để cảm nhận về sự an toàn tâm lý đang hiện diện như thế nào trong đội ngũ hiện tại của chúng ta, hãy thử cân nhắc 7 câu hỏi sau: (1) Nếu tôi phạm sai lầm, tập thể có chống lại hay quay lưng với tôi không? (2) Các thành viên trong tập thể này có dám đem những vấn đề khó khăn, hóc búa ra bàn luận không? (3) Thành viên trong tập thể này có chấp nhận người khác, nhất là khi họ khác biệt? (4) Liệu có an toàn để mạo hiểm nhận sai, nhận yếu điểm, đặt câu hỏi... trong tập thể này không? (5) Khi tôi cần sự giúp đỡ từ tập thể, liệu có khó để nhận được sự giúp đỡ hay không? (6) Liệu tập thể có thành viên nào hành xử theo kiểu “dìm” hay “làm thấp kém” những nỗ lực của tôi hay không? (7) Khi làm việc trong tập thể này, những khả năng, tiềm năng tốt nhất của tôi có được sử dụng và phát huy hay không?

… đến kết nhóm, tổ chức không nỗi sợ và sai lầm một cách khôn ngoan

Công việc nghiên cứu của Giáo Sư Amy Edmondson không dừng lại ở chủ đề “sự an toàn tâm lý” mà liên tục mở rộng và đi sâu ở những khía cạnh phát triển tổ chức, phát triển cá nhân, đúng như chuyên ngành khoa học lãnh đạo và quản lý của bà tại Đại học Harvard. Ở phạm vi đội nhóm, bà sáng tạo ra thuật ngữ “teaming”, tạm dịch là “kết nhóm” và ứng dụng sự an toàn tâm lý như nền tảng tạo ra một đội ngũ vượt trội.
Ở phạm vi tổ chức, sự an toàn tâm lý tiếp tục được ứng dụng để xây dựng văn hóa làm việc cởi mở, dung hợp và tích cực, nhờ đó tạo ra một “tổ chức không nỗi sợ” (fearless organization). Ở tổ chức này, không phải mọi người muốn làm gì thì làm, mà đó là nơi nỗi sợ sai, sợ bị đánh giá, chê bai không cản trở những sáng tạo, đổi mới và sự tăng trưởng đột phá của công ty.

 

Và sau cùng, đi sâu vào từng cá nhân, sự an toàn tâm lý vẫn có thể được ứng dụng cho việc học hỏi, trưởng thành từ những sai lầm. Trong cuốn The Right Kind Of Wrong (Sai lầm một cách khôn ngoan), bà Amy chia sai lầm thành 3 loại: sơ đẳng, phức tạp và khôn ngoan. Theo bà, sự thất bại khôn ngoan không phải là sự thất bại có thiệt hại tối thiểu mà là sự thất bại cho ta nhiều bài học sâu sắc nhất để ta có thể đứng dậy, khởi đầu lại với một tâm thế hoàn toàn mới mẻ.

Hơn bao giờ hết, tầm nhìn của Giáo sư Amy Edmondson cách nay gần 1/4 thế kỷ, hay khám phá của dự án Aristotle hơn 10 năm về trước ngày càng liên quan và có ý nghĩa đối với môi trường làm việc hiện nay. Những vấn đề phát triển đội nhóm, xây dựng văn hóa tổ chức, phát triển năng lực lãnh đạo... luôn được bàn bạc mỗi năm. Tuy vậy, phương pháp tiếp cận, góc nhìn sâu hay cạn, thẳng vào bản chất vấn đề hay không và có xây dựng được nền tảng bền vững cho những vấn đề này hay không luôn là một thử thách. Nên chăng ta có thể cân nhắc cách tiếp cận của Giáo sư Amy Edmondson, rằng sự an toàn tâm lý chính là chìa khóa cho các vấn đề phát triển đội nhóm, xây dựng văn hóa tổ chức, phát triển năng lực lãnh đạo... Chỉ đơn giản vậy thôi. Bởi những điều tinh túy thường giản dị như thế