Ô tô xuất khẩu chờ được đưa lên tàu chở hàng tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

 
Hải Miên Thứ Hai | 17/04/2023 11:01

Xuất khẩu Trung Quốc sôi động trở lại, dấu hiệu phục hồi kinh tế?

Xuất khẩu lần đầu khởi sắc sau sáu tháng, do nhu cầu về xe điện và thương mại gia tăng với Nga.

Bất chấp tăng trưởng toàn cầu yếu, xuất khẩu từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng gần 15% trong tháng 3, nhờ doanh số bán xe điện và linh kiện, cũng như gia tăng thương mại với Nga.

Dữ liệu này khiến các nhà kinh tế ngạc nhiên, trong bối cảnh Bắc Kinh hy vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 5% trong năm nay, mục tiêu thấp nhất trong hơn ba thập kỷ, sau khi nền kinh tế của nước này chỉ tăng trưởng 3% vào năm ngoái bởi chính sách Zero-Covid của Chủ tịch Tập Cận Bình. 

Dữ liệu hải quan công bố hôm 13/4 cho thấy xuất khẩu bằng đồng USD đã tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi giảm 6,8% trong tháng 1 và tháng 2. Theo Reuters, các nhà phân tích đã dự báo mức giảm 7%.

 

Dữ liệu thương mại thể hiện mức tăng xuất khẩu đầu tiên kể từ tháng 9/2022, khi nhu cầu chậm lại, đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc và đe dọa tăng trưởng. Sản lượng sản xuất đã phải vật lộn để thoát ra khỏi “cái bóng” của đại dịch, trong khi tiêu dùng tăng trưởng không đồng đều.

Sự gia tăng mạnh các chuyến hàng đến Nga cũng như các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, Singapore và Malaysia, đóng góp nhiều nhất vào mức tăng này. 

Ông Hao Zhou, Nhà phân tích của tập đoàn chứng khoán Trung Quốc Guotai Junan International, cho biết xuất khẩu tăng vọt bất ngờ vào tháng trước cho thấy “rủi ro gia tăng” đối với số liệu GDP quý đầu tiên của Trung Quốc, được công bố vào tuần tới.

Đồng thời, ông cho biết sự gia tăng xuất khẩu xe điện, pin lithium và pin năng lượng mặt trời đóng vai trò quan trọng nhất. Tăng trưởng thương mại đối với thép và quần áo cũng mạnh, trong khi xuất khẩu máy tính cá nhân, điện thoại di động và mạch tích hợp giảm.

Các chuyến hàng đến Đông Nam Á vẫn ổn định còn các chuyến hàng đến Mỹ và Châu Âu, bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại, đã giảm bớt.

Cơ quan hải quan cho biết mặc dù dữ liệu thương mại đầu năm “cho thấy khả năng phục hồi tương đối mạnh mẽ”, nhưng rủi ro địa chính trị, bảo hộ mậu dịch và lạm phát vẫn là mối quan ngại lớn.

Nhập khẩu cũng vượt xa dự báo, chỉ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 10,2% vào đầu năm. Sức mạnh xuất khẩu trước đây là cứu cánh cho nền kinh tế Trung Quốc trong thời kỳ đại dịch, khi các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với cuộc khủng hoảng thanh khoản kéo dài trong lĩnh vực bất động sản và sức tiêu thụ nội địa yếu. Nhưng xuất khẩu đã suy yếu vào năm ngoái khi lạm phát toàn cầu gia tăng và sự bùng phát của virus lan rộng khắp đất nước.

 

Tuần trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã chủ trì một cuộc họp của hội đồng nhà nước, tập trung vào việc thúc đẩy sự ổn định trong ngoại thương. Ông kêu gọi các quan chức “thử mọi phương pháp” để ổn định xuất khẩu sang các nước phát triển.

Kể từ khi nhậm chức với tư cách là nhân vật quan trọng thứ 2 của Trung Quốc vào tháng trước, Thủ tướng đã tìm cách khuyến khích thương mại và đầu tư trở lại sau khi nới lỏng chính sách đại dịch, ngay cả khi Mỹ đã áp các lệnh trừng phạt mới lên linh kiện công nghệ tiên tiến như chất bán dẫn của Trung Quốc.

Ông Iris Pang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của ING, dự đoán rằng Bắc Kinh cũng sẽ đưa ra các biện pháp kích thích mới tập trung vào người tiêu dùng để thúc đẩy nhu cầu và hỗ trợ tăng trưởng việc làm. Các nhà phân tích tại nhóm nghiên cứu kinh tế Capital Economics cho rằng triển vọng nhu cầu toàn cầu yếu hơn có nghĩa là bất kỳ sự phục hồi xuất khẩu nào cũng có thể sẽ không tồn tại lâu, do triển vọng nhu cầu nước ngoài yếu ớt, bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng và tác động chậm trễ của việc tăng lãi suất. Họ viết: “Chúng tôi cho rằng hầu hết các nền kinh tế phát triển sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay và sự suy thoái trong xuất khẩu của Trung Quốc vẫn còn một số cách để vượt qua trước khi chạm đáy vào cuối năm nay”.

Các nhà phân tích từ ngân hàng đầu tư nhà nước CICC, cũng cảnh báo rằng mặc dù các lô hàng xe điện và linh kiện của Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng, nhưng Trung Quốc vẫn có khả năng phải đối mặt với sự sụt giảm xuất khẩu 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm:

 Du lịch đã thay đổi như thế nào đối với người Nga?