Thứ Tư | 08/08/2012 21:14

Vì sao Israel không thể tấn công Iran?

Nước đồng minh của Israel là Mỹ không muốn xảy ra sự cố nào có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử cuối năm 2012.
Hãng tin Ria Novosti của Nga hôm nay (8/8) trích lời cựu thủ tướng Nga Yevgeny Primakov trả lời Nhật báo Rossiiskaya Gazeta rằng, Israel hoàn toàn có thể không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran, song trong trường hợp đó, các cuộc không kích sẽ ít ảnh hưởng tới Iran, mà ngược lại sẽ đẩy Tehran vào thế sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Israel không muốn đơn phương tấn công Iran

Là một chuyên gia về Trung Đông, cựu thủ tướng Nga cho biết: "Nước Mỹ không hề muốn Israel không kích Iran trước khi diễn ra bầu cử tổng thống. Vì thế Mỹ đang hết sức kiềm chế Israel. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng cả hai chính quyền Mỹ và Israel có lực lượng và vị thế chính trị khác nhau".

Ông Primakov cũng cho biết nếu Iran bị không kích, nước này có khả năng phục hồi trong hai năm, nhưng sau đó, Tehran sẽ rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân và sẽ triển khai sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Israel và các cường quốc phương Tây luôn nghi ngờ Iran tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Trong khi Iran luôn phủ nhận điều này, và khẳng định hoạt động hạt nhân của nước này chỉ vì mục tiêu dân sự. Israel gần đây đã tăng cường đe dọa tấn công Iran nếu nước này không từ bỏ tham vọng hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, Israel không thể đơn phương tấn công Iran, nếu Mỹ chưa đồng thuận vấn đề này. Các nguồn thông tin cho biết, nhiều quan chức quân đội và chính trị Israel không đồng tình về khả năng phát động một cuộc tấn công độc lập nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Một số lãnh đạo an ninh hàng đầu của Israel là những người phản đối một chiến dịch quân sự không có sự tham gia của Mỹ. Cụ thể, tư lệnh quân đội, giám đốc tình báo quân đội, tư lệnh không quân và giám đốc cơ quan tình báo Mossad của Israel phản đối việc nước này đơn phương tấn công Iran.

Trong động thái liên quan, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng đã phát biểu trên đài truyền hình tư nhân Kênh 2 rằng, ông Netanyahu chưa đưa ra quyết định nào về việc tấn công Iran, nhưng tái khẳng định "quyền tự vệ của Israel trước bất cứ mối đe dọa nào đối với an ninh và sự tồn vong của đất nước". Lý do của những tuyên bố này là do Iran nhiều lần đã đe doạ “xoá sổ” Israel trên bản đồ thế giới.

Ông Netanyahu tuyên bố: "Số phận của Israel phụ thuộc vào chính chúng ta chứ không phải phải bất cứ quốc gia nào khác, dù là nước thân thiện như Mỹ”.
Khi các cuộc đàm phán không đạt kết quả mong đợi

Trước đó, cao uỷ phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại liên minh châu Âu Catherine Ashton và trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Saeed Jalili đã hoãn cuộc gặp tiếp theo đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran cho đến cuối tháng 8.

Sau cuộc điện đàm với ông Jalili ngày 2/8, bà Catherine Ashton cho biết: "Tôi đề xuất, và tiến sĩ Jalili đã đồng ý, rằng chúng ta sẽ nối lại đàm phán một lần nữa sau một thời gian suy ngẫm kỹ hơn vào cuối tháng".

"Tôi ấn tượng với Iran khi nước này thấy cần thiết phải đưa ra các vấn đề bàn thảo để xây dựng lòng tin", bà Ashton nói.

Ba cuộc đàm phán trước đây trong năm nay giữa Tehran và nhóm P5+1 đã không hề đạt kết quả nào.

Sau cuộc đàm phán giữa Iran và P5+1 tại Mátxcơva ngày 18-19/6/2012, bà Ashton và ông Jalili đã thừa nhận có một "khoảng cách lớn giữa hai bên về các biện pháp xây dựng lòng tin về vấn đề hạt nhân” và thông báo tạm dừng vô thời hạn các cuộc đàm phán.

Cuộc gặp gần đây nhất giữa Iran và đại diện nhóm P5+1 diễn ra ngày 3/7 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo lời bà Ashton, hai bên đã xem xét khả năng giải toả mối quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân thông qua con đường ngoại giao.

P5+1 đã nỗ lực thuyết phục Iran kiềm chế các hoạt động hạt nhân từ năm 2003 với một số ưu đãi tài chính và kinh tế hấp dẫn. Bên cạnh đó, các nhà đàm phán còn đề nghị Iran một cơ hội trao đổi uranium đã làm giàu ở cấp độ 20% cho lò phản ứng nghiên cứu Tehran, nhưng Tehran từ chối đề nghị này bởi vì nước này đã có thể sản xuất nhiên liệu riêng của mình.

Thất vọng vì các cuộc đàm phán không đạt được thoả thuận nào, 27 nước Liên minh châu Âu đã thông qua một lệnh cấm vận dầu mỏ với nước Cộng hòa Hồi giáo này, có hiệu lực từ ngày 01/7/2012. EU là khu vực chiếm 18% sản lượng dầu xuất khẩu của Iran.

Cả hai bên đều chịu áp lực để ngăn chặn khủng hoảng hạt nhân leo thang. Israel đã ám chỉ hành động quân sự chống lại Tehran một khi Iran không chịu dừng lại hoạt động hạt nhân của mình.

Trong chuyến thăm Israel của bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta tuần trước, thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói với bộ trưởng quốc phòng rằng, Iran đã kéo dài quá trình đàm phán để “câu giờ”, có thêm thời gian tiếp tục nghiên cứu hạt nhân.

Trong chuyến thăm Israel ngày 31/7, bộ trưởng quốc phòng Leon Panetta mặc dù nhấn mạnh những cam kết giữa Mỹ và Israel nhằm ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng cũng phủ nhận về một kế hoạch quân sự đặc biệt của Mỹ nhằm vào Iran trong trường hợp các cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này bị thất bại.

Ông Leon Panetta nói: “Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận tình hình liên quan đến Iran và nguy cơ mà Iran đặt ra cho khu vực. Cả Mỹ và Israel đều cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với nhau không để cho Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Tôi cũng xin khẳng định lại thật là sai lầm khi nói rằng, cả Mỹ và Israel có ý định thảo luận về một kế hoạch tấn công Iran”.

Nguồn VOV


Sự kiện