Nhật Bản có chênh lệch lương theo giới tính ở mức hơn 20%, gần gấp đôi mức trung bình của các nước phát triển khác, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

 
Nguyên Hồ Thứ Hai | 25/12/2023 15:21

Văn hoá tham công tiếc việc của người lao động Nhật Bản và hệ luỵ

Nhật Bản có chênh lệch lương theo giới tính ở mức hơn 20%, gần gấp đôi mức trung bình của các nước phát triển khác.

Công việc tham lam (Greedy Work) là một cụm từ dùng để chỉ những vông việc đòi hỏi nhiều thời gian, không linh hoạt và được trả nhiều tiền hơn. Và theo một cuộc khảo sát của chính phủ Nhật Bản, tại quốc gia này, đàn ông là những người có xu hướng theo đuổi những công việc như vậy vì không chịu nhiều gánh nặng gia đình như phụ nữ.

Theo bà Claudia Goldin, giáo sư Đại học Harvard, người đoạt giải Nobel kinh tế năm 2023, công việc tham lam cũng là nguyên nhân chính dẫn đến khoảng cách lương giữa các giới nói chung.

“Tôi nghĩ mình sẽ bị mắc kẹt tại một vị trí nếu không chuyển việc”, một nữ cư dân Tokyo ở độ tuổi 40, người vừa chuyển việc từ một tổ chức tài chính lớn sang một công ty khởi nghiệp, cho biết. Ở công việc trước, bà cũng làm khối lượng công việc tương tự như các đồng nghiệp nam nhưng họ mới là người được thăng chức. Bà cho biết nam giới thường sẵn sàng chấp nhận chuyển công tác, nhưng bà thì không thể vì trách nhiệm nuôi dạy con cái. Việc chăm sóc con cái cũng khiến bà gặp khó khăn khi gặp gỡ đối tác kinh doanh ngoài giờ hoặc tham dự các sự kiện khác của công ty.

Tỉ lệ nhân viên làm hơn 50 tiếng/tuần theo giới tính và nhóm tuổi. Ảnh: Nikkei Asia.
Tỉ lệ nhân viên làm hơn 50 tiếng/tuần theo giới tính và nhóm tuổi. Ảnh: Nikkei Asia.

Bà Goldin quan sát thấy rằng, những nhân viên sẵn sàng làm việc vào ngày nghỉ, ban đêm và trực trong trường hợp khẩn cấp có xu hướng kiếm được số tiền lớn hơn đáng kể. Và những người này là nam giới, vì phụ nữ thường bận rộn với việc chăm sóc con cái và các công việc nhà khác, điều này càng làm gia tăng khoảng cách lương giữa hai giới.

Khoảng cách này thể hiện rõ ở Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát năm 2022 của Bộ Nội vụ và Truyền thông, trong số những nhân viên toàn thời gian làm việc 40 giờ trở lên một tuần, tỉ lệ nam giới làm việc hơn 50 giờ cao hơn phụ nữ ở mọi lứa tuổi. Khoảng cách này chênh lệch gấp đôi đối với những người lao động ở độ tuổi cuối 30-40, thời điểm nhiều người trở thành quản lý.

Thế nhưng nhiều người lao động ở Nhật Bản ít có tiếng nói trong các vấn đề như làm thêm giờ, thuyên chuyển, phân công công việc và chức vụ. Ông Hidehiro Okumoto, người đứng đầu Viện Tuyển dụng Công việc, cho biết: “Tại Nhật Bản, nhân viên tuân thủ yêu cầu của công ty về việc làm thêm giờ và các nỗ lực khác để đổi lấy sự ổn định trong công việc. Phụ nữ thường không thể đáp ứng những yêu cầu như vậy vì họ phải chăm sóc con cái và đây là yếu tố đằng sau khoảng cách lương giữa hai giới."

Tỉ lệ nhân viên cảm thấy không có tiếng nói trong công việc. Ảnh: Nikkei Asia.
Tỉ lệ nhân viên cảm thấy không có tiếng nói trong công việc. Ảnh: Nikkei Asia.

Theo kết quả khảo sát mà viện công bố năm 2020, xét về việc người lao động không có tiếng nói trong những vấn đề đó, Nhật Bản được xếp hạng cao so với các quốc gia khác.

Một cuộc khảo sát khác của viện cho thấy tỉ lệ nam giới hiện đang chuyển việc cao hơn phụ nữ ở mọi lứa tuổi, với khoảng cách giới tính lên tới 200% đối với những người từ 35 tuổi trở lên. Chuyển việc dường như là chìa khóa để thăng tiến: Nhân viên chuyển công ty đạt được vị trí cao hơn ở 52% công ty mà họ đến, theo báo cáo khảo sát năm 2017 của Đại học Chuo.

Kinh nghiệm làm việc ở nhiều nơi khác nhau được coi là không thể thiếu để phát triển tài năng, nhưng phụ nữ thường không thể chuyển nếu họ phải chăm sóc con cái. Mặc dù một số nam giới đã gác lại khát vọng nghề nghiệp để chia sẻ trách nhiệm gia đình nhưng những trường hợp như vậy vẫn còn hiếm.

Khoảng cách giới tính càng rõ ràng ở những công việc được trả lương cao hơn. Theo một nghiên cứu của ông Hiromi Hara, Giáo sư tại Đại học Meiji, trong số 10% người làm việc toàn thời gian được trả lương cao nhất, nam giới kiếm được nhiều hơn 30% so với phụ nữ vào năm 2021.

Ông Hara cho biết: “Phát hiện này cho thấy nhiều phụ nữ đang phải gặp nhiều khó khăn để tìm được những công việc lương cao. Họ vẫn khó có được các vị trí quản lý và ngay cả khi có được, họ thường được giao những trách nhiệm nhẹ nhàng với quyền lực và mức lương hạn chế.

Nhìn chung, Nhật Bản có chênh lệch lương theo giới tính ở mức hơn 20%, gần gấp đôi mức trung bình của các nước phát triển khác, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.

Bà Goldin cho biết, mặc dù công việc tham lam vẫn là một phần trong đời sống công ty nhưng vẫn có nhiều cách để giảm thiểu tác động tiêu cực của nó. Nhật Bản chắc chắn có thể làm nhiều hơn nữa để khiến cơ cấu công việc trở nên linh hoạt và giúp người lao động có được những đánh giá dựa trên hiệu quả công việc tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm:

Các nhà sản xuất kẹo Mỹ khó có mùa lễ “ngọt ngào”

Nguồn Nikkei Asia