Thứ Ba | 12/11/2013 14:21

TTIP - Phần thắng không dành cho tất cả

FTA song phương lớn nhất lịch sử chắc chắn sẽ đem lại phần thắng cho EU và Mỹ. Ngược lại, có nhiều thách thức đặt ra đối với các nước còn lại.
Tạm gác lại những mâu thuẫn chính trị giữa Mỹ và các nhà lãnh đạo châu Âu trong bê bối nghe lén liên quan đến Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), hôm qua 11/11, hai bên Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã chính thức nối lại đàm phán thỏa thuận về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP), hiệp định tự do thương mại song phương lớn nhất lịch sử.

Với TTIP, phần thắng có dành cho tất cả?
Với TTIP, phần thắng có dành cho tất cả?

Hai bờ Đại Tây Dương: Cùng thắng lớn từ thỏa thuận FTA lớn nhất thế giới
Tiến trìnhđàm phán để tiến tới thành lập TTIP giữa EU và Mỹ được ủng hộ nhiệt liệt trên toàn cầu. Đây là một hiệp ước nhằm loại bỏ các rào cản thương mại trong các thành phần kinh tế để thuận lợi hóa quá trình mua bán hàng hóa dịch vụ giữa 28 nước thành viên EU và Mỹ. Theo Thủ tướng Anh David Cameron, TTIP chính là một "cơ may chỉ đến một lần đối với mỗi thế hệ". Quả thật, những con số ước tính đầu tiên đã vô cùng ấn tượng.

Mối quan hệ thương mại EU-Mỹ có giá trị lớn nhất thế giới với khoảng 2 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ trao đổi mỗi ngày, mỗi rào cản thương mại được loại bỏ có thể mang đến những lợi ích kinh tế đáng kể. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng khẳng định rằng nếu được hoàn tất, TTIP sẽ thúc đẩy thương mại giữa hai bên lên đến 1.000 tỷ USD/năm và tạo thêm khoảng 13 triệu việc làm. Ông Obama lưu ý rằng quan hệ Mỹ-EU là mối quan hệ lớn nhất trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế sẽ mang thêm lợi ích cho tất cả, thúc đẩy thương mại là một cách tốt để thúc đẩy nền kinh tế khi nó tạo ra nhu cầu và nguồn cung mà không cần phải tăng chi tiêu công hoặc đi vay. Tương tự, Thủ tướng Anh cũng không quên nhấn mạnh, nếu đàm phán thành công, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế Mỹ 80 tỷ euro và cho nên kinh tế EU 100 tỷ euro mỗi năm.

Ước tính của chính phủ Anh về lợi ích thương mại và đầu tư của EU và Mỹ nếu TTIP được ký kết.
Ước tính của chính phủ Anh về lợi ích thương mại và đầu tư của EU và Mỹ nếu TTIP được ký kết.

Tóm lại, thỏa thuận FTA giữa EU-Mỹ sẽ tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, đại diện cho hơn một phần ba giá trị thương mại toàn cầu và chiếm một nửa Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của thế giới. Qua đó, mở đường một hệ thống thương mại đa phương phát triển mạnh mẽ, một khu vực hợp tác có thể lôi cuốn nhiều nước khác cùng tham gia.

Cơ hội hay thách thức cho các nước thứ ba?

Bên cạnh hai bên tham gia chắc chắn được hưởng lợi, thì các nước còn lại hãy chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến ngày càng khốc liệt sắp tới. Bởi lẽ, phần thắng khó có thể dành cho tất cả, trong niềm hân hoan của hiệp định thương mại tự do song phương lớn nhất thế giới, vẫn cần có những bất bình đẳng cần phải tính đến nếu không muốn chứng kiến một thế giới ngày càng phân mảnh và chênh lệch.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ lại bỗng nhiên tích cực tham gia nhiều thỏa thuận mậu dịch tự do đến thế. Phải chăng thế giới đã quá mệt mỏi khi phải chờ đợi một kết thúc có hậu từ các vòng đàm phán Doha của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đến mức chỉ một bước đi khởi đầu cho thương mại song phương cũng được coi là điều kì diệu, theo cách viết của Financial Times. Dù cho giờ đây, các đàm phán thương mại song phương đang bao phủ một nửa nền kinh tế thế giới, nhưng những thỏa thuận này có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực xuất khẩu của các nước đang phát triển, trừ khi EU và Mỹ làm gì đó để bảo vệ lợi ích của các bên liên quan.

Với việc tập trung vào các rào cản pháp lý và tiêu chuẩn sản phẩm bắt buộc, nhằm xóa bỏ các rào cản phía sau biên giới hải quan, hiệp ước thương mại song phương lần này được chờ đợi và chú ý. Tuy nhiên trên thực tế, mức thuế suất giữa EU và Mỹ vốn đã rất thấp (thuế suất trung bình thấp hơn 5%) nên việc giảm bớt thuế một cách ưu đãi trong thời gian tới cũng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nước khác. Trái lại, các tiêu chuẩn an toàn của sản phẩm, sức khỏe và môi trường vẫn vô cùng ngặt nghèo, đến mức một doanh nghiệp chỉ có một trong hai lựa chọn: hoặc là đáp ứng các tiêu chuẩn, hoặc là không có cơ hội bán hàng trên thị trường này.

Do đó, tình thế của các doanh nghiệp đến từ các nước thứ ba sẽ phụ thuộc vào việc các tiêu chuẩn TTIP được áp dụng như thế nào: một cách hài hòa (thông qua một tiêu chuẩn chung ) hoặc theo cách công nhận lẫn nhau (chấp nhận các hàng hóa đáp ứng một trong các tiêu chuẩn của các nước tham gia).

Cách đầu tiên sẽ cho phép các nhà sản xuất tận dụng lợi thế kinh tế theo quy mô. Nhưng có một số trường hợp các tiêu chuẩn sắp ban hành có thể còn chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn ban đầu ở một số nước. Mặc dù các tiêu chuẩn mới áp dụng cho các nhà cung cấp từ tất cả các nước xuất khẩu, chi phí bỏ ra để đáp ứng được những tiêu chuẩn ấy thường thay đổi và như thế có nghĩa là các nước có ít được trang bị để đáp ứng được những điều kiện nghặt nghèo đó sẽ là những nước thiệt hại nhiều nhất. Trong cuối những năm 1990, khi EU quyết định áp dụng chung các tiêu chuẩn về aflatoxin (một nhóm các hợp chất độc hại), 8 quốc gia thành viên đã gia tăng đáng kể các tiêu chuẩn quốc gia của họ. Hậu quả của những tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn là đã gây ra sự suy giảm 670 triệu USD trong giá trị xuất khẩu ngũ cốc, hoa quả khô và các loại hạt từ châu Phi sang châu Âu.

Cách thứ hai, tức là chọn áp dụng theo cách công nhận lẫn nhau. Khi đó EU và Mỹ sẽ chấp nhận những tiêu chuẩn của một trong những nước thành viên và thủ tục đánh giá khả năng tuân thủ tiêu chuẩn của các quốc gia, điều đó tạo cơ hội cho các công ty việc tuân thủ những quy chuẩn bớt ngặt nghèo hơn với từng ngành. Nếu các biện pháp này được mở rộng cho một công ty của bất kỳ nước thứ ba, nó có thể có một tác động mạnh mẽ lên tự do hóa thương mại. Chẳng hạn, các nhà sản xuất truyền hình của Malaysia có thể chọn đáp ứng các tiêu chuẩn « dễ thở » của Mỹ và sau đó bán cùng một sản phẩm trên cả hai thị trường, giúp tận dụng tính kinh tế theo quy mô và giảm chi phí.

Tuy nhiên, nếu TTIP không áp dụng cho các nước thứ ba, khả năng cạnh tranh của các công ty không thuộc EU và Mỹ sẽ bị giảm sút nghiêm trọng. Đặc biệt, khi có hiệp ước thương mại song phương bao gồm các thỏa thuận liên quan đến xuất xứ hàng hóa thì trao đổi thương mại giữa EU và Mỹ sẽ gia tăng, trong khi đó các nhà xuất khẩu đến từ các nước khác ngoài khu mậu dịch tự do sẽ bị chịu thiệt.

Những tiêu chuẩn xuất xứ rất ngặt nghèo của EU trước đây đã gây nhiều tranh cãi, ngay cả tiêu chuẩn liên quan đến lao động. Trong khi một quả cam Brazil được phép bán tại Bồ Đào Nha thì có thể được bán trên khắp châu Âu thì một kỹ sư hay một kế toán đến từ Brazil đã được cấp phép tại Bồ Đào Nha lại phải tuân thủ các điều khoản riêng biệt để làm việc ở những nơi khác trong các 27 nước còn lại trong EU. Tiêu chuẩn này đã trở thành trở ngại đối với sự di chuyển cần thiết của lực lượng lao động, bằng cách buộc người lao động không thuộc EU phải chịu đựng thủ tục hành chính tốn kém và không hiệu quả.

Những điều cần lưu ý đối với các nước đang phát triển

Ngoài ra, có một điểm nữa cần chú ý chính là Nguyên tắc tối hệ quốc (MFN) của WTO không điều chỉnh trong các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Vì vậy, nếu khối cường quốc bên bờ Đại Tây Dương được liên kết với nhau trong đầu tư và thương mại, dành những thuận lợi đáng kể cho nhau thì khó khăn lại đặt ra đối với những nước còn lại, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Nhiều thách thức đặt ra cho các nước không tham gia TTIP, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.
Nhiều thách thức đặt ra cho các nước không tham gia TTIP, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển.

Mặc dù thiếu những quy định quốc tế, EU và Mỹ nên xem xéthạiloại giải pháp sau đây để đảm bảo rằng TTIP sẽ không mang đến những hậu quả không hay cho những nước đang phát triển.

Thứ nhất,EU và Mỹcó thể cho phép tất cả các nước hưởng những đặc ân của một thị trường song phương công nhận lẫn nhau bằng cách không áp đăt những quy định hạn chế đến từ nguồn gốc sản phẩm.

Thứ hai, nếu muốn áp dụng những tiêu chuẩn theo cách hài hòa, EU và Mỹ có thể "chiếu cố" cho những tiêu chuẩn đặc biệt và khác biệt, trừ khi có một bằng chứng đáng tin cậy chứng minh được rằng,điềuđó không cho phép đạt được mục tiêu hài hòa như mong muốn. Điều này giống như những gì mà WTO đã làm để xây dựng một bộ tiêu chuẩn quốc tế trên toàn cầu.
Bài học cho những bên đứng ngoài lề FTA

Thách thức lớn đặt ra cho các nước đang phát triển khi TTIP được ký kết cũng giống như những gì EU đã từng trải qua trong suốt 20 năm tồn tại của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Hiệp định liên kết giữa Mỹ, Canada và Mexico đã thực sự gây bất lợi cho các nước thành viên của EU. Mức thuế nhập khẩu EU áp cho các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ thấp hơn mức thuế nhập khẩu của Mỹ. Chẳng hạn, đối với phương tiện gắn máy, mức thuế nhập khẩu của Mỹ cao gấp 8 lần EU hay thuế nhập khẩu thực phẩm là 14,6% tại Mỹ, so với 3,3% tại EU.

Quay về khuôn khổi Hiệp địnhh TTIP,trong trường hợp phảiđứng ngoài lề, các nước đang phát triển vốn đã có xuất phát điểm thấp, giờcòn phảichịu thua thiệt trên những thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ.Trường hợp còn lại,nếu tham gia điều đó sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cách thức áp dụng của TTIP, mà người quyết định không phải ai khác ngoài EU và Mỹ.

Có nghĩa rằng, bên cạnh hai bên tham gia chắc chắn được hưởng lợi, thì các nước còn lại hãy chuẩn bị tinh thần cho cuộc chiến ngày càng khốc liệt sắp tới. Bởi lẽ, phần thắng khó có thể dành cho tất cả, trong niềm hân hoan của hiệp định thương mại tự do song phương lớn nhất thế giới, vẫn cần có những bất bình đẳng cần phải tính đến nếu không muốn chứng kiến một thế giới ngày càng phân mảnh và chênh lệch.

Nguồn Tâm Vũ/Dân Việt


Sự kiện