Các căn hộ đang được xây dựng ở Thâm Quyến vào năm 2021. Ảnh: Reuters.

 
Nguyên Hồ Thứ Năm | 13/07/2023 11:17

Trung Quốc đang rơi vào bẫy giảm phát

Cho đến hiện tại, việc Trung Quốc mở cửa đã gây không ít thất vọng khi chỉ phục hồi tương đối tốt trong quý đầu tiên của năm 2023.

Theo Nikkei Asia, Trung Quốc ngày càng có nguy cơ rơi vào giảm phát. Để thoát khỏi kịch bản giảm phát nghiêm trọng như Nhật đã trải qua trong những năm 1990, Bắc Kinh sẽ phải tái thiết chính sách một cách mạnh mẽ, chẳng hạn như đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nợ, thanh toán thu nhập trực tiếp hoặc hỗ trợ tiêu dùng cho các hộ gia đình.

Cho đến hiện tại, việc Trung Quốc mở cửa đã gây không ít thất vọng khi chỉ phục hồi tương đối tốt trong quý đầu tiên của năm 2023, các chỉ số hoạt động đều chậm lại đáng kể ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ, cho thấy sự yếu kém của nhu cầu trong nước.

Tồi tệ hơn, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực bất động sản có thể gặp nguy cơ suy thoái kép. Trong khi đó, áp lực lạm phát gần đây không rõ rệt với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 ngang bằng với một năm trước đó và chỉ số giá sản xuất giảm 5,4%.

Phục hồi chậm chạp

Có 2 lý do chính cho sự phục hồi trì trệ này.

Đầu tiên, các công ty và hộ gia đình Trung Quốc vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch kéo dài 3 năm. Lĩnh vực dịch vụ chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và cá nhân có doanh thu bị giảm sút. Họ vẫn thận trọng trong việc tuyển dụng và mở rộng kể từ khi các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ.

Đối với các hộ gia đình, không nhận được hỗ trợ trực tiếp như ở các nền kinh tế phương Tây, họ vẫn thận trọng trong việc chi tiêu và đang tích lũy các khoản tiết kiệm đề phòng. 

Doanh số bán lẻ vẫn thấp hơn 10% so với mức xu hướng trước COVID-19 trong khi tỉ lệ tiết kiệm hộ gia đình vẫn cao hơn 3 điểm phần trăm so với mức của năm 2019.

Quan trọng hơn, những điều chỉnh cơ cấu trong lĩnh vực bất động sản đang làm tổn hại niềm tin và khiến các hộ gia đình phải giảm quy mô đòn bẩy tài chính. Theo chiến dịch của chính phủ nhằm hạn chế đầu cơ, giá nhà năm ngoái đã điều chỉnh nhiều nhất kể từ năm 2015.

Với việc áp dụng thuế bất động sản, niềm tin lâu nay của các hộ gia đình rằng giá nhà sẽ tiếp tục tăng dường như đã tan biến. Một số đã bắt đầu trả trước khoản thế chấp hoặc bán căn hộ đã mua trước đó để đầu tư.

 

Do đó, nợ hộ gia đình đã ổn định ở mức 60% tổng sản phẩm quốc nội kể từ năm 2020 sau khi tăng gấp đôi trong thập kỷ trước. Nếu giá nhà không ổn định, quy mô sử dụng đòn bẩy tài chính sẽ ngày càng thu hẹp. Điều này, cùng với triển vọng thu nhập mờ nhạt, sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của người tiêu dùng và gây áp lực lên giá cả.

Nguy cơ giảm phát càng trầm trọng hơn do Trung Quốc đầu tư quá mức vào cơ sở hạ tầng truyền thống. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, vốn của chính phủ Trung Quốc trên mỗi lao động đã đạt mức tương đương với các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế vào năm 2018.

Vấn đề đầu tư quá mức đã thể hiện ở sự suy giảm dài hạn về khả năng sinh lời của các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV). Khoản nợ mà các thực thể này mang lại chiếm gần một nửa GDP hàng năm của Trung Quốc. Nghiên cứu của IMF cho thấy tài sản gắn liền với khoảng 40% khoản nợ LGFV không tạo ra đủ thu nhập để trang trải chi phí lãi vay trong 3 năm cho đến năm 2020.

Do tình hình tài chính của các chính quyền địa phương của Trung Quốc suy yếu đáng kể trong bối cảnh đại dịch và tình trạng bất động sản suy thoái, những lo ngại về khả năng trả nợ của các LGFV ngày càng gia tăng.

Trong khi đó, tăng trưởng thu nhập chậm hơn sẽ làm suy yếu tổng cầu, khiến việc duy trì các tài sản phi sản xuất trở nên khó khăn hơn. Quá trình tái cấu trúc các khoản nợ LGFV càng mất nhiều thời gian thì vòng xoáy đi xuống này có thể kéo dài càng lâu và tình trạng giảm phát càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Bài học từ người đi trước

Vị thế kinh tế của Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng với Nhật 3 thập kỷ trước, bao gồm bong bóng nhà đất, nợ xấu và dân số già. Bài học quan trọng từ Nhật là ngoài sách lược kích thích kinh tế thông thường như nới lỏng tiền tệ và chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, có lẽ sẽ hợp lý hơn nếu các nhà hoạch định chính sách tăng tốc độ tái cơ cấu nợ và hỗ trợ thu nhập, tiêu dùng trực tiếp cho các hộ gia đình để vực dậy niềm tin.

Hội chợ việc làm năm 2018 tại Thạch Gia Trang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Hội chợ việc làm năm 2018 tại Thạch Gia Trang, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Nhiều quốc gia đã hỗ trợ như vậy trong thời kỳ đại dịch nhưng Trung Quốc đã do dự do lo ngại về tính bền vững của nợ tài khóa. Nếu chi phí của các biện pháp kích thích trên diện rộng quá khó khăn, viện trợ có thể được rót vào các nhóm thu nhập thấp, những người có xu hướng chi tiêu cao hơn và chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch do tiết kiệm hạn chế.

Trước tình trạng thanh niên thất nghiệp cao, chính phủ có thể khuyến khích tuyển dụng bằng cách cho các công ty giảm thuế phúc lợi xã hội và giảm bớt áp lực pháp lý đối với một số lĩnh vực dịch vụ.

Đồng thời Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nợ của chính quyền địa phương, khi mà gánh nặng nợ nần của các chính quyền địa phương đang kìm hãm khả năng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và phúc lợi xã hội của nước này.

Có thể bạn quan tâm: 

Ngư nghiệp Nhật gặp khó vì kế hoạch xả nước phóng xạ

Nguồn Nikkei Asia