Toyota đã cân nhắc việc bán các danh mục đầu tư từ năm 2016. Ảnh: FT.

 
Khánh Tú Thứ Tư | 13/12/2023 08:00

Toyota bán 2 tỉ USD cổ phần nhằm cải thiện quản trị doanh nghiệp tại Nhật Bản

Một số nhà đầu tư hy vọng sự thay đổi chiến lược của Toyota có thể là cánh mở cửa đường cho những doanh nghiệp khác.

Cải thiện quản trị doanh nghiệp

Toyota đã quyết định bán một phần trong danh mục cổ phần trị giá 40 tỉ USD của mình ở các công ty con. Giới chuyên môn nhận định, động thái này là một phần trong việc giải quyết vấn đề sở hữu chéo phức tạp, đồng thời cải thiện quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản.

Một số nhà đầu tư hy vọng, sự thay đổi chiến lược của Toyota có thể là cánh mở cửa đường cho những doanh nghiệp khác đi theo và tạo nên những thay đổi lớn trong bối cảnh các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn giữ quan điểm bảo vệ việc sở hữu chéo cổ phiếu như một cách củng cố các mối quan hệ kinh doanh.

 

Công ty có ảnh hưởng nhất nước Nhật đã cân nhắc việc bán các danh mục đầu tư từ năm 2016, nhưng Denso là trường hợp bán cổ phần lớn nhất cho đến thời điểm hiện tại. Hồi tháng 7, Toyota cho biết đã huy động được gần 250 tỉ yen (1,7 tỉ USD) thông qua bán một số cổ phần đang nắm giữ trong Tập đoàn Viễn thông Nhật Bản KDDI.

“Chúng tôi muốn ưu tiên đầu tư vào tăng trưởng cho Tập đoàn Toyota. Những danh mục tài sản mà công ty đang nắm giữ sẽ được điều chỉnh giảm xuống mức vừa phải. Hiện tại, công ty đang tập trung đầu tư vào ngành công nghiệp xe điện và hydro”, ông Masahiro Yamamoto, người đứng đầu bộ phận kế toán của Toyota, cho biết.

Mặc dù phủ nhận động thái bán cổ phần ở Denso là nhằm xoa dịu áp lực quản trị, nhưng quyết định này của Toyota lại trùng hợp với những tín hiệu ngày càng cứng rắn của các nhà đầu tư Nhật Bản. Chẳng hạn như việc các quỹ đầu tư trong và ngoài nước có biện pháp trừng phạt những tổ chức chậm trễ trong quản trị và các công ty có lợi nhuận trên vốn cổ phần thấp bằng cách bỏ phiếu chống lại ban quản trị tại các cuộc họp cổ đông thường niên.

“Việc các CEO của một số công ty nổi tiếng bị sụt giảm xếp hạng tín nhiệm trong mùa đại hội cổ đông đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều công ty hiện nay. Qua đó có thể nhìn thấy mối tương quan giữa việc quản lý chịu áp lực và sẵn sàng giải quyết các vấn đề trong phân bổ vốn và quản trị”, ông Bruce Kirk, Chiến lược gia Nhật Bản của Goldman Sachs, nhận định.

Điển hình như Toyota, tại cuộc họp thường niên của công ty hồi tháng 6, tỉ lệ tán thành dành cho Chủ tịch Akio Toyoda đã giảm 11 điểm phần trăm so với năm 2022, xuống mức chưa từng có là 84%.

Thay đổi mang tính bước ngoặt

Chính phủ Nhật Bản khuyến khích các doanh nghiệp giảm bớt sở hữu chéo. Kể từ khi Bộ quy tắc quản trị công ty được biên soạn vào năm 2015, các cơ quan quản lý đã yêu cầu các công ty niêm yết phải có lời giải thích cho các nhà đầu tư nếu không giảm tỉ lệ sở hữu. 

 

Theo đó, tỉ lệ sở hữu chéo của Toyota đã giảm xuống còn 10,97%, tính từ cuối tháng 3 năm nay, từ mức 11,5% vào cùng thời điểm trong năm 2022.

“Sự thay đổi này của Toyota không phải là hoàn hảo tuyệt đối, nhưng đó là một bước tiến mới có khả năng tạo làn sóng tiên phong cho các công ty khác”, bà Naoko Ueno, Giám đốc Glass Lewis, cho biết. 

Hiện tại, Toyota vẫn duy trì mối quan hệ vốn với các đối tác và nhà cung cấp. Mặc dù nhiều cổ phần lớn đã có tuổi đời hàng chục năm, nhưng gần đây công ty đã mua lại những cổ phần nhỏ ở các công ty đối thủ có quy mô nhỏ hơn như Suzuki, Mazda và Subaru. Những công ty này kết nối quan hệ vốn với mục đích tồn tại trong quá trình chuyển đổi sang xe điện.

Thông qua việc này, Toyota sẽ “chạm” đến cốt lõi thực sự trong mạng lưới cổ phần mà công ty đang nắm giữ. Hiện tại, Toyota đang nắm giữ 24,8% cổ phần trong Aisin, nhà cung cấp phụ tùng, và 31% tại Toyota Boshoku, tính đến cuối tháng 3/2023.

Song, một số nhà quản lý quỹ cho rằng, công ty lớn nhất Nhật Bản sẽ cần phải bán mạnh hơn nữa các danh mục đầu tư của mình để có thể chứng minh động thái của mình mang tính bước ngoặt. Một số ý kiến khác lại tin rằng, Toyota sẽ kịp thời cắt giảm số lượng cổ phần ở các công ty cốt lõi.

“Tôi muốn nhìn thấy một dấu hiệu rõ ràng hơn về việc Toyota sẽ từ bỏ cổ phần của mình ở những công ty cốt lõi. Đó sẽ là cơ sở để tôi có thể tin rằng đây là bước khởi đầu của cuộc cách mạng vĩ đại”, ông Zuhair Khan, Chuyên gia quản lý quỹ Dài và Ngắn hạn Quản trị Doanh nghiệp Nhật Bản, cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

Robot và A.I sẽ thay thế 30% lực lao động ngành xe điện Trung Quốc

Nguồn FT