Thứ Hai | 18/06/2012 14:56

Sữa Trung Quốc dần mất thị trường nội địa do vấn đề an toàn thực phẩm

Người dân Trung Quốc chuộng sữa ngoại hơn do lo ngại các vụ bê bối an toàn của sữa nội.
Sau vụ bê bối sữa bột cho trẻ em bị nhiễm độc cách đây 4 năm, các công ty sản xuất sữa và lương thực toàn cầu đã chớp lấy thời cơ nhảy vào khu vực sản xuất sữa đang tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc bằng cách tung ra những sản phẩm an toàn hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các công ty sữa thế giới đổ xô vào Trung Quốc là do bị hấp dẫn bởi tốc độ tăng trưởng dự báo 10% mỗi năm của khu vực sản xuất sữa Trung Quốc. Bên cạnh đó, người dân Trung Quốc sẵn sàng trả tiền thêm tiền để mua các loại sữa có thương hiệu của nước ngoài do lo ngại về mức độ an toàn của các nhà sản xuất sữa bột nội địa.

Sữa và các tiêu chuẩn an toàn đã trở thành mối quan tâm sâu sắc của các bậc cha mẹ Trung Quốc sau vụ bê bối năm 2008, trong đó ít nhất 6 trẻ em bị thiệt mạng và 300.000 trẻ em khác bị nhiễm bệnh do uống phải các loại sữa nội địa nhiễm melamine, một hóa chất được sử dụng trong phân bón và nhựa.

Công ty sữa nước ngoài đầu tư mạnh nhất vào Trung Quốc là công ty sản xuất sữa Arla, liên doanh của Đan Mạch và Thụy Điển. Công ty này cho biết đang có kế hoạch mua 6% cổ phẩn từ Mengniu Dairy, đối thủ cạnh tranh của công ty sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc Inner Mongolia Yili Industrial.

Nhà phân tích về các sản phẩm từ sữa từ Hà Lan, Kevin Bellamy nhận định: "Nếu đó là một thương hiệu quốc tế, người dân Trung Quốc sẵn sàng chi tiền cho bạn, vì an toàn thực phẩm hiện là mối quan tâm lớn tại Trung Quốc."

Ước tính trong năm 2008, năm công ty sữa nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc, bao gồm Meadjohnson, Wyeth, Abbott, Dumex và Nestle có doanh thu vượt quá 12 tỷ USD. Năm thương hiệu lớn này cũng chiếm hơn một nửa thị phần của Trung Quốc. Ước tính từ đầu năm 2008 đến cuối năm 2008, thị phần của các các công ty sữa bột nước ngoài đã tăng từ 70% lên 85%.

Tuy nhiên, đầu tư vào Trung Quốc cũng tiềm ẩn khá nhiều rủi ro với các công ty sữa quốc tế có danh tiếng. Rủi ro lớn nhất là chất lượng và danh tiếng của các đối tác Trung Quốc với thị trường. Trong năm 2008, công ty sữa Arla, liên doanh với Mengniu, phải trấn an các khách hàng quốc tế rằng công ty không bán các phẩm do Trung Quốc sản xuất ra nước ngoài sau khi hoạt động sản xuất bị đình chỉ sau vụ bê bối sữa nhiễm melamine.

Công ty Mengniu trong năm ngoái cũng phải hủy hàng tấn sữa nghi nhiễm độc aflatoxin, một loại mốc gây ung thư được tìm thấy trong các loại ngô trồng ở vùng khí hậu ẩm ướt.

Để tiếp tục tăng trưởng, các công ty sữa đa quốc gia đang tìm cách mở rộng sản xuất tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngoài rủi ro về chất lượng, các công ty cũng phải vật lộn để kiểm soát chuỗi cung ứng sữa tươi.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện