Thứ Năm | 15/08/2013 09:26

Sự thật vụ Trung Quốc phạt công ty sữa, dược nước ngoài

Trung Quốc đang nhắm vào các doanh nghiệp ngoại để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Hàng loạt công ty dược phẩm và sữa bột trẻ em đã bị nhà chức trách Trung Quốc điều tra trong vài tuần trở lại đây, nhưng các nhà phân tích nói họ chỉ là những kẻ phải giơ đầu chịu báng trước cơn giận của người tiêu dùng vì giá cả tăng và các vấn đề an toàn thực phẩm.

Các công ty nội địa là những kẻ có lỗi chính trong hàng loạt vụ bê bối liên quan tới thị trường khổng lồ và béo bở này. Đây là các công ty hoặc thuộc sở hữu nhà nước hoặc có mối quan hệ tốt với nhà chức trách, theo lời các nhà phân tích.

"Họ điều tra những công ty nước ngoài nổi tiếng vì đó là các mục tiêu dễ hơn," Shaun Rein, giám đốc điều hành của China Market Research Group (Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc) ở Thượng Hải, nói với AFP.

Cuộc điều tra được biết tới nhiều nhất là với công ty dược phẩm Anh GlaxoSmithKline (GSK), đã dẫn tới việc bắt giữ ít nhất 20 người kể từ đầu tháng 7.

Công ty Pháp Sanofi cũng đã bị điều tra bởi các thông tin họ đã hối lộ hơn 500 bác sĩ, theo truyền thông nhà nước, trong khi danh sách các công ty nước ngoài liên quan tới cuộc điều tra nâng giá giống như danh sách các công ty dược phẩm hàng đầu thế giới.

Danh sách bao gồm những công ty nước ngoài hoặc liên doanh như Merck và Boehringer Ingelheim của Đức, Novartis của Thụy Sĩ, và Baxter của Mỹ. Công ty Đan Mạch Novo Nordisk, nhà sản xuất insulin lớn nhất thế giới, cũng đã bị các quan chức ghé thăm trong cuộc điều tra với GSK trong tuần trước.

Cũng tuần rồi, Trung Quốc đã phạt sáu nhà sản xuất sữa bột số tiền hơn 100 triệu USD vì thông đồng nâng giá, trong đó có công ty New Zealand Fonterra, công ty sản xuất các sản phẩm từ sữa lớn nhất thế giới và là hãng bị tình nghi liên quan tới một vụ sữa nhiễm khuẩn nghiêm trọng trong tháng này.

Gian hàng Fonterra tại một hội chợ sữa tại Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Gian hàng Fonterra tại một hội chợ sữa tại Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Những công ty khác bị phạt là Mead Johnson và Abbott của Mỹ; Dumex, một chi nhánh của công ty Pháp Danone; chi nhánh ở Trung Quốc của công ty Hà Lan Royal FrieslandCampina; và công ty Trung Quốc Biostime.

Chiến dịch truy quét này là để đáp lại sự tức giận của dư luận trước việc những sản phẩm nước ngoài có giá quá cao, nhưng lại được người tiêu dùng Trung Quốc tin tưởng hơn các sản phẩm địa phương, Rein nói.

"Trước hết, họ nhắm vào các ngành nghề," ông nói. "Trong lĩnh vực dược phẩm và sữa bột trẻ em, giá đã quá cao trong nhiều năm."

Nhưng nhà chức trách tỏ ra miễn cưỡng trong việc xử lý với các nhà kinh doanh nội địa, vốn có tiếng xấu về vệ sinh an toàn thực phẩm với các vụ bê bối lớn như vụ sữa bột nhiễm melamine năm 2008 đã khiến sáu trẻ thiệt mạng và 300.000 người khác bị ảnh hưởng.

Nhu cầu cho các sản phẩm sữa bột trong nước đặc biệt cao nên đã xuất hiện một mạng lưới các nhà nhập khẩu không chính thức mua sữa từ các cửa hàng tại Anh và Australia để tuồn về trong nước. Dù đã có những cải cách thị trường trong vài thập kỷ qua, khiến nhu cầu trong nước tăng mạnh, chính quyền vẫn sở hữu nhiều công ty Trung Quốc lớn, hoặc có cổ phần cao trong đó.

Ngay cả trong lĩnh vực tư nhân, các công ty vẫn thường có liên hệ với quan chức chính quyền cả ở cấp quốc gia và địa phương.

"Điều tra các công ty Trung Quốc sẽ rủi ro hơn nhiều, nhất là các công ty nhà nước, họ có thể có quyền lực lớn và quan hệ rộng," Patrick Chovanec, chiến lược gia trưởng của Silvercrest Asset Management, bình luận.

Nhưng ông nói nhắm vào các công ty nước ngoài với cáo buộc nâng giá, nhà chức trách đang đuổi đuổi theo những mục tiêu không đúng và không thể giải quyết các vụ bê bối an toàn thực phẩm và quan ngại của người tiêu dùng.

"Trung Quốc có một câu thành ngữ: Giết gà dọa khỉ, nhưng vấn đề là khỉ thì không phải gà và chắc chắn là trong trường hợp này khỉ chẳng sợ chút nào," ông nói. "Nếu bạn là một công ty Trung Quốc và thấy điều này, bạn thật ra sẽ hưởng lợi từ việc truy quét các công ty nước ngoài."

Trụ sở công ty dược GSK tại Trung Quốc (Nguồn: AFP)
Trụ sở công ty dược GSK tại Trung Quốc (Nguồn: AFP)

Trong những cáo buộc với GSK, bao gồm chi tiền bất hợp pháp cho các bác sĩ, bệnh viện và giám đốc để tăng doanh số, Chovanec bình luận: "Những kẻ vi phạm lớn nhất chắc chắn là các công ty Trung Quốc."

Theo phó giáo sư sư Đại học kinh doanh và kinh tế quốc tế ở Bắc Kinh, John Gong, chỉ trích nhắm vào sữa trẻ em nhập khẩu, đôi khi đắt gấp đôi ở thị trường nội địa, không phải là vô cớ. Nhưng ông đặt câu hỏi về việc liệu các công ty sữa bị Ủy ban cải cách và phát triển kinh tế (NDRC) phạt có đủ thị phần để thực sự thao túng thị trường.

Nguồn Vietnam+


Sự kiện