Ảnh: Getty Images.

 
Việt Phong Thứ Năm | 24/08/2023 07:30

Sóng di chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc

Chuyển một phần chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc là chủ đề thảo luận chính trong phòng họp ban quản trị của các doanh nghiệp trong thập kỷ này.

HP đang làm việc với các nhà cung ứng nhằm chuyển sản xuất hàng triệu chiếc máy tính từ Trung Quốc sang Thái Lan và Mexico trong năm nay. Hãng máy tính Mỹ này cũng dự định sẽ chuyển một phần sản xuất laptop sang Việt Nam bắt đầu vào năm 2024, theo chia sẻ của một nhà cung ứng cho HP. Dell cũng cho biết sẽ sản xuất ít nhất 20% tổng số laptop tại Việt Nam trong năm nay, theo một nguồn tin trả lời cho Nikkei.

“Mục đích chính của việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng là để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến căng thẳng Mỹ - Trung và để tận dụng cơ hội từ các trung tâm sản xuất đang lên tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác”, Kieren Jessop, chuyên gia phân tích tại Canalys, nhận xét.

 
 

Môi trường kinh tế khó khăn (kinh tế Trung Quốc rơi vào giảm phát), rủi ro địa chính trị và chi phí tăng cao tại Trung Quốc thậm chí buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển một phần sản xuất ra khỏi nước họ. “Chúng tôi chứng kiến nhiều nhà sản xuất Trung Quốc đang tìm kiếm nơi xây cơ sở sản xuất ở nước ngoài trước những thách thức chuỗi cung ứng và rủi ro chính trị”, Shay Luo thuộc hãng tư vấn Kearney cho biết.

Hãng xe Nhật Mazda đang chuyển một phần sản xuất trở lại Nhật. “Không còn là một thời đại mà chi phí là yếu tố quyết định”, ông Masahiro Moro, một nhà điều hành cấp cao tại Mazda, đánh giá. Đồng quan điểm, Ted Cannis, nhà điều hành cấp cao tại Ford (Mỹ), cho biết toàn ngành chuỗi cung ứng ô tô đang cân nhắc vẽ lại mạng lưới logistics trên quy mô lớn. Chuỗi cung ứng sẽ là chủ đề chính của thập kỷ này”, Cannis nói.

Economist Intelligence Unit (EIU) cũng cho rằng việc chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sẽ là vấn đề nổi cộm được đem ra thảo luận tại các cuộc họp ban quản trị doanh nghiệp trong suốt những năm còn lại của thập niên 2020. Căng thẳng Mỹ - Trung, đà phục hồi kinh tế ì ạch của Trung Quốc từ sau đại dịch cùng dự báo về tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục chậm lại trong thập kỷ này càng gia tăng tính cấp bách phải “di cư” khỏi Trung Quốc. Môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng kém hấp dẫn ở nước này đang tạo các cơ hội mới cho châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á. Việc châu Á được dự báo sẽ là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong suốt thập niên 2020 càng củng cố thêm quyết định tranh thủ “giành chỗ” ở châu Á của các doanh nghiệp.

Những động thái của Mỹ, EU và một số nước khác cũng khiến doanh nghiệp phải đẩy nhanh quá trình ra quyết định. Sức ép phải tuân thủ quy định của chính phủ liên quan đến các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, lệnh trừng phạt, lệnh cấm nhập khẩu, hàng rào thuế quan và các quy định hạn chế giao thương khác có thể đẩy cao chi phí và khiến sản xuất càng kém hiệu quả. Chẳng hạn, trước lệnh cấm nhập khẩu bông Tân Cương của Mỹ, một số nhà sản xuất may mặc phải dựng lên chuỗi cung ứng kép, gồm chuỗi cung ứng cho những sản phẩm bán vào thị trường Trung Quốc và chuỗi cung ứng cho những sản phẩm bán bên ngoài thị trường Trung Quốc. Áp lực này thấy rõ ở các doanh nghiệp phương Tây và sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền sang các công ty đến từ những quốc gia có liên minh với Mỹ như Úc, Nhật, Hàn Quốc...

Một số thị trường Đông Nam Á đã thắng đậm trong cuộc đua thu hút FDI trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng. EIU cho rằng Việt Nam, Malaysia và Thái Lan sẽ là những quốc gia hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này.