Thứ Hai | 22/06/2015 13:00

Quỹ đầu tư tư nhân đổi hướng sang quản lý tài sản

Quản lý tài sản cá nhân cho giới nhà giàu là một thị trường cực kỳ hấp dẫn, nhưng lại không hề dễ tiếp cận chút nào.

Matthew McCarthy, nhà điều hành tại Rockside Capital Partners, thường không muốn dính dáng gì đến Phố Wall, nhưng lời mời từ tập đoàn đầu tư tư nhân KKR quá hấp dẫn, khó có thể từ chối. KKR đã mời McCarthy bay sang New York từ Ohio, nơi ông đang quản lý tiền cho các nhà sáng lập của một công ty hàng tiêu dùng. Đầu tiên, ông có buổi ăn tối cùng với tỉ phú Henry Kravis, đồng sáng lập KKR, tại một nhà hàng. Sáng hôm sau, ông gặp David Petraeus, cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là Chủ tịch KKR Global Institute, tại trụ sở của tập đoàn đầu tư tư nhân này.

McCarthy là đối tượng nhà đầu tư mà KKR và các đối thủ cạnh tranh trong ngành đầu tư tư nhân trong đó có Blackstone Group và Carlyle Group đang muốn chiêu dụ. Các công ty quản lý tài sản gia đình và các chuyên gia cố vấn của các công ty này như McCarthy hiện đang quản lý ước tính 4.000 tỉ USD giá trị tài sản, trong đó có tài sản của giới người giàu mới lên ở Thung lũng Silicon và Trung Quốc, châu Âu và những thị trường khác.

Các công ty đầu tư tư nhân đang nhắm đến tầng lớp người giàu này. Và họ đã và đang tăng thêm số nhân viên, tổ chức các hội nghị, hội thảo và tung ra các chiêu bài mời gọi như giảm mức thu phí đối với các khoản đầu tư. Năm ngoái, Blackstone đã bắt đầu tiếp cận trực tiếp các công ty quản lý tài sản và tổ chức các hội nghị đầu tư cho các công ty này. Kết quả là trong số 310 tỉ USD giá trị tài sản Blackstone đang quản lý, có tới 43 tỉ USD đến từ các gia đình và cá nhân giàu có, cao hơn gấp 3 lần so với cách đây 5 năm. Tính cả ngành đầu tư tư nhân, các công ty quản lý tài sản gia đình chiếm khoảng 6% vốn, tăng từ mức 4% năm 2010, theo hãng nghiên cứu Preqin.

Các nhà điều hành trong ngành cho rằng tỉ lệ này còn cao hơn. “Quản lý tài sản cá nhân là một phân khúc chưa được khai thác đúng mức”, Brendan Boyle, Giám đốc điều hành cấp cao của mảng quản lý tài sản cá nhân thuộc Blackstone, nhận xét.

Các công ty đầu tư tư nhân đang tìm kiếm các nguồn vốn mới để giảm sự phụ thuộc vào các quỹ hưu bổng nhà nước và doanh nghiệp. Họ cũng đang vươn ra ngành tài sản cá nhân đúng vào một thời điểm thuận lợi. Cụ thể, các công ty đầu tư tư nhân trên toàn cầu đã thu về số tiền kỷ lục 428 tỉ USD sau khi bán đi các khoản đầu tư nắm giữ vào năm ngoái, tăng 30% so với năm 2013, theo Preqin. Đây là một yếu tố hấp dẫn các gia đình giàu có rót vốn vào đây.

Thế nhưng, muốn tiếp cận mạng lưới các gia đình giàu có là không hề dễ dàng, vì các gia đình này thực sự không cần tìm kiếm các khoản đầu tư mới, theo Lawrence Calcano, đối tác điều hành tại iCapital Network, một thị trường trực tuyến dành cho các quỹ đầu tư tư nhân.

“Các công ty quản lý tài sản gia đình không bị áp lực về kết quả kinh doanh giống như các quỹ lương hưu, vốn buộc phải đạt được chỉ tiêu lợi nhuận cụ thể mỗi năm để có tiền chi trả cho người về hưu”, Calcano nói.

Thực ra, các công ty đầu tư tư nhân muốn tiếp cận các gia đình giàu có không đơn giản chỉ vì tiền của các gia đình này. Các công ty quản lý tài sản gia đình mang đến sự chuyên nghiệp trong hoạt động mua lại các công ty, thường ít chịu ràng buộc về các quy định pháp lý hơn và có thể chấp nhận rủi ro cao hơn so với quỹ lương hưu hoặc quỹ hiến tặng, theo Michael Arpey, một giám đốc điều hành tại Carlyle, đang giám sát hoạt động huy động vốn.

William Heitin, Giám đốc Đầu tư của Windrose Advisors, cho biết nhiều khách hàng của ông là các doanh nhân khởi nghiệp - những người đã xây dựng và bán đi doanh nghiệp do chính họ dựng nên. Vì thế, họ có thể giúp các nhà quản lý quỹ đầu tư tư nhân thẩm định các thương vụ.

“Chúng tôi có một khách hàng mà người này đã từng thành lập một công ty lương thực lớn rồi bán nó đi. Nếu công ty đầu tư tư nhân đang tìm kiếm một thương vụ với một công ty lương thực, chúng tôi sẽ cho họ gặp gỡ nhau. Và không chừng họ sẽ cùng hợp tác đầu tư vào một thương vụ nào đó”, Heitin cho biết. Heitin hiện đang quản lý tài sản cho nhiều gia đình giàu có trong đó có quản lý tài sản của các nhà sáng lập công ty sản xuất giày, trang phục và phụ kiện thể thao Reebok International Ltd. và Stacy’s Pita Chip Co.

Dẫu vậy, các công ty đầu tư tư nhân đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc thu hút các công ty quản lý tài sản gia đình. BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, đã ra sức chiêu dụ bằng cách tổ chức các cuộc họp, hội thảo mà diễn giả thuyết trình có cả Tổng Giám đốc Larry Fink. Công ty có hơn 20 người làm việc với họ tại Mỹ và đã tăng cường thêm nhân viên ở London, Hồng Kông và Úc, theo Brian Feurtado, đứng đầu nhóm này tại Mỹ. “Các công ty quản lý tài sản gia đình đang bùng nổ. Đó là một ngành đang tăng trưởng rất mạnh và sôi động”, ông nói.

Kayne Anderson Capital Advisors thì gần đây cho biết đã huy động được 1 tỉ USD cho quỹ bất động sản lớn nhất của mình. Trong đó, phân nửa số tiền là đến từ các công ty quản lý tài sản gia đình và các nhà đầu tư có giá trị tài sản ròng cao.

Theo hãng nghiên cứu Campden Wealth, ước tính có 4.000 công ty quản lý tài sản gia đình trên toàn cầu. Và con số này vẫn đang gia tăng. Đầu tháng 6, Doug Ostover, đồng sáng lập chi nhánh GSO Capital Partners thuộc Blackstone, cho biết ông sẽ rời khỏi Blackstone, để bắt đầu thành lập một công ty của riêng mình.

Tuy nhiên, không dễ kêu gọi các công ty quản lý tài sản gia đình rót tiền vào. Theo Heitin của Windrose, năm ngoái ông đã gặp gỡ hơn 400 nhà quản lý tài chính và cuối cùng thực hiện được chỉ 5 khoản đầu tư. Còn McCarthy của Rockside thì quyết định không đầu tư vào KKR một phần vì gia đình mà ông đang làm việc có thể sẽ kết hợp với các nhà đầu tư giàu có khác để tự bỏ tiền ra thâu tóm doanh nghiệp.

Một số quỹ đầu tư tư nhân đang chiêu dụ các công ty quản lý tài sản gia đình rót vốn bằng cách hứa sẽ mời họ cùng tham gia các thương vụ đầu tư. Theo cách này, các gia đình giàu có sẽ đầu tư song song với các công ty, hơn là thông qua một cỗ máy đầu tư chung và phí quản lý sẽ thấp hơn hoặc không phải mất phí. Mặc dù cách làm này có vẻ thu hút các nhà đầu tư mà coi trọng vấn đề chi phí, nhưng có thể sẽ không mang lại mức lợi nhuận tốt hơn, theo một cuộc khảo sát năm 2015 do các giáo sư Josh Lerner và Victoria Ivashina của Trường Kinh doanh Harvard và Lily Fang của INSEAD thực hiện.

Đối với Jim Burns, vốn đang đứng đầu mảng nhà đầu tư cá nhân của KKR, muốn mời gọi các công ty quản lý tài sản gia đình, cần phải đi gõ cửa trực tiếp. KKR đã thuê Burns cách đây 4 năm từ bộ phận quản lý tài sản cá nhân của Morgan Stanley nhằm xây dựng được một nhóm chuyên tập trung vào đối tượng người giàu có. Burns đã thuê 2 người trong vòng 6 tháng qua để tiếp cận nhiều công ty quản lý tài sản gia đình hơn tại châu Âu và Mỹ Latinh, ông cho biết. “Bạn phải gõ cửa tận nơi. Hầu hết các công ty tài sản gia đình thực sự không muốn bị “phát hiện”, ông nói.

Ngô Ngọc Châu

Nguồn Bloomberg