Nhà máy nội thất Kuka Home tại Khu công nghiệp Hofusan là một trong nhiều công ty Trung Quốc đầu tư vào Mexico để rút ngắn chuỗi cung ứng. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Hai | 29/04/2024 20:14

Quốc gia nào hưởng lợi khi chuỗi cung ứng toàn cầu tái định hình?

Theo Morgan Stanley, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ vào năm 2023.

Sản xuất ở Mexico rất hấp dẫn đối với các công ty gặp phải những khó khăn trong chuỗi cung ứng thời đại dịch hoặc muốn giảm sự phụ thuộc vào thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong bối cảnh bất ổn địa chính trị.

Đó được gọi là hoạt động gần bờ (onshore), tức là khi các công ty đưa cơ sở sản xuất đến gần thị trường nội địa hơn.

Theo ông Alberto Ramos, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Mỹ Latinh tại Goldman Sachs, khi hoạt động gần bờ tiếp tục diễn ra và chuỗi cung ứng toàn cầu được tổ chức lại, lĩnh vực sản xuất của Mexico có cơ hội thành công lâu dài.

Ông Ramos cho biết Mexico và Trung Quốc đã cạnh tranh để giành thị trường sản xuất của Mỹ trong nhiều năm, nhưng trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ-Trung đang thay đổi, Mexico có vẻ đã sẵn sàng để vượt lên.

Theo Morgan Stanley, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng đầu sang Mỹ vào năm 2023. Những hoạt động xuất khẩu đó được thúc đẩy bởi ngành sản xuất, vốn chiếm 40% nền kinh tế Mexico.

Nhập khẩu của Mỹ từ Mexico tiếp tục tăng trong tháng 2, theo dữ liệu thương mại ngày 4/4 do Bộ Thương mại công bố. Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ năm 2023 giảm 20%  so với năm 2022.

 

Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho rằng chuỗi cung ứng đã khiến nền kinh tế Mỹ phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế Trung Quốc trong quá khứ.

“Thách thức là làm cách nào để tạo ra khả năng phục hồi tốt hơn cho nền kinh tế và thương mại. Bởi vì hiện tại, cách thức vận hành thương mại, chuỗi cung ứng của chúng ta quá phức tạp và phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc”, bà Tai nói.

Trong bối cảnh địa chính trị và cạnh tranh đang thay đổi, các công ty Mỹ và Trung Quốc đều nhìn thấy tiềm năng trong sản xuất của Mexico: Chi phí lao động thấp, vị trí địa lý gần với thị trường Mỹ và thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) - một hiệp định thương mại tự do được thành lập vào năm 2020 giúp thương mại ở Bắc Mỹ trở nên dễ dàng hơn. Nước Mỹ có thể tiết kiệm chi phí và thương mại hiệu quả hơn - đều là những yếu tố góp phần tạo nên sự bùng nổ tiềm năng.

Sản xuất ở đâu?

Trong khi chính sách của Mỹ có ý định giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và “tạo ra khả năng phục hồi tốt hơn” trong thương mại, thì việc di chuyển chuỗi cung ứng có thể khó khăn.

Trên thực tế, nỗ lực rút lui khỏi nền kinh tế Trung Quốc của Mỹ có thể giúp Trung Quốc tiếp cận các thị trường mới và tránh thuế quan của Mỹ.

Trong khi đó, ô tô là mặt hàng xuất khẩu chính của Mexico và chúng minh họa phần lớn những gì đang xảy ra. Mexico là trung tâm toàn cầu của các nhà máy ô tô, có nhà máy của các công ty lớn hoạt động tại Mỹ, bao gồm General Motors, Ford, Stellantis và gần chục công ty khác. Hầu như mọi nhà sản xuất ô tô của Mỹ đều phụ thuộc vào các bộ phận từ Mexico để chế tạo ô tô hoặc xe tải của mình, bởi vì những bộ phận đó có thể rẻ hơn đáng kể so với những bộ phận được sản xuất tại Mỹ.

Các hiệp định thương mại tự do như USMCA có nghĩa là các công ty ở Mỹ, Mexico và Canada phải đối mặt với ít rào cản hơn trong việc di chuyển, bán và mua các bộ phận trên khắp Bắc Mỹ.

Một sự chuyển hướng khỏi thương mại tự do là chính sách thuế quan: Năm 2018, Mỹ đã tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến hàng hóa Trung Quốc vào thị trường Mỹ trở nên đắt đỏ hơn và ngăn cản các công ty phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc.

Ô tô cần hàng chục nghìn bộ phận, có thể được sản xuất ở bất kỳ nơi nào. Và trong khi lĩnh vực sản xuất của Mexico đang tăng xuất khẩu sang Mỹ, các công ty Trung Quốc có thể sử dụng Mexico như một con đường để tránh thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc, theo Xeneta, một nền tảng thông tin thị trường và định chuẩn cước vận tải đường biển.

 

Những lo ngại về việc trốn thuế đang thu hút phản ứng từ Tổng thống Mỹ - và sẽ tiếp tục kéo dài sau cuộc bầu cử vào tháng 11. USMCA dự kiến ​​sẽ được xem xét lại vào năm 2026.

Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump, đều tán thành mục tiêu phát triển sản xuất trong nước, nhưng họ bất đồng về cách thực hiện điều đó.

Ông Biden gần đây đã nói với các công nhân thép ở Pittsburgh rằng chính phủ Mỹ nên xem xét tăng gấp 3 mức thuế đối với thép Trung Quốc. Và ông Trump đề xuất mức thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu ông trở lại chức tổng thống.

Dần dần thay đổi

Trong khi chuỗi cung ứng đang dịch chuyển, việc di chuyển nhà máy không phải lúc nào cũng đơn giản. Nó có thể cần sự đầu tư đáng kể, từ thời gian đến tiền bạc cho con người. Tuy nhiên, các công ty đang tiến lên đang tạo ra những cơ hội lâu dài cho ngành sản xuất Mexico.

Các nhà phân tích tại Morgan Stanley nhận thấy giá trị xuất khẩu của Mexico sang Mỹ sẽ tăng từ 455 tỉ USD lên khoảng 609 tỉ USD trong 5 năm tới.

Điều đó cũng khiến Mexico trở thành điểm đến hấp dẫn đối với nhiều công ty Trung Quốc. Nhà sản xuất xe điện BYD, đối thủ cạnh tranh toàn cầu với Tesla, đã công bố kế hoạch mở rộng quy mô lớn ở Mexico vào tháng 2 vừa qua.

Mặc dù BYD hiện không bán ô tô tại thị trường Mỹ nhưng việc chuyển sang Mexico sẽ giúp công ty tiếp cận thị trường Mexico tốt hơn đồng thời chuẩn bị cho công ty có khả năng chuyển sang Mỹ.

Có thể bạn quan tâm: 

Tình trạng "lãng phí chất xám" tại phương Tây

Nguồn CNN