Tình trạng dư thừa rượu vang đã đẩy giá rượu sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh: FT.

 
Khánh Tú Thứ Năm | 31/08/2023 15:40

Pháp chi 200 triệu Euro tiêu huỷ rượu vang dư thừa

Ngành công nghiệp rượu vang ở Pháp và châu Âu đang đối mặt với tình trạng chênh lệch cung cầu trong bối cảnh nhu cầu thị trường suy giảm.

Nhu cầu rượu vang giảm suy giảm trong khi sản xuất dư thừa thời gian gần đây đã khiến giá rượu vang Pháp giảm mạnh. Các nhà sản xuất rượu vì vậy mà lâm vào tình trạng khó khăn tài chính. Do đó, mới đây, chính phủ Pháp đã công bố kế hoạch chi thêm 40 triệu Euro, nâng khoản ngân sách để nông dân tiêu huỷ lượng rượu vang dư thừa lên 200 triệu Euro.

Khoản ngân sách sẽ được rót vào những khu vực sản xuất rượu vang ở Pháp, đặc biệt là Bordeaux và Languedoc, hai vùng trồng nho và ủ rượu bậc nhất của Pháp. Đây cũng là 2 khu vực đang chịu thiệt hại bởi người tiêu dùng thay đổi thói quen chi tiêu, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, hậu COVID-19 và doanh số suy giảm tại thị trường Trung Quốc. Theo kế hoạch, rượu vang dư thừa sẽ được chưng cất thành ethanol, nhằm cho các mục đích công nghiệp như sản xuất nước hoa hoặc chế tạo gel hydroalcoholic.

 

Động thái của chính phủ Pháp nhằm ngăn chặn giá rượu vang tiếp tục sụt giảm và giúp các nhà sản xuất rượu tìm lại nguồn doanh thu như trước đây. Song, Bộ Nông nghiệp Pháp cũng lưu ý rằng nông dân cần thích nghi với những thay đổi trong thói quen tiêu dùng và điều chỉnh số lượng sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Ngành công nghiệp rượu vang Pháp ước tính sẽ dư thừa khoảng 300 triệu lít rượu trong năm 2023, tương đương 7% sản lượng của toàn ngành trong năm 2022 là 4.200 triệu lít. Không chỉ ở Pháp, việc nhu cầu sụt giảm dẫn đến phải tiêu thụ rượu vang dư thừa cũng đang diễn ra ở các quốc gia châu Âu khác. Trong đó, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những khu vực sản xuất rượu vang đỏ và vang hồng tại Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Ngoài kế hoạch hỗ trợ chưng cất rượu thành ethanol, chính phủ Pháp còn đề xuất chương trình bồi thường cho những nông trại rượu vang đồng ý từ bỏ việc trồng nho để sản xuất rượu và chuyển sang trồng cây lấy gỗ hoặc để đất trống. Đã có khoảng 1.000 nông dân ở Bordeaux nộp hồ sơ xin trợ cấp theo chương trình này, với tổng diện tích đất trồng nho là 9.200 hecta, tương đương 8% tổng diện tích đất trồng nho của khu vực. Trong khi đó, các nhà sản xuất rượu vang chọn cách tách cồn ra khỏi rượu rồi bán cho các công ty làm nước rửa tay, chất tẩy rửa và chế tạo nước hoa để thu hồi vốn.

Bởi vì áp dụng các chương trình hỗ trợ, triển vọng sản lượng nho ở Pháp trong năm nay đã xuất hiện dấu hiệu chênh lệch giữa các vùng. Bên cạnh đó, một số vùng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thời tiết khắc nghiệt như Languedoc-Roussillon và những trang trại nho ở phía Tây Nam cũng cho thấy dấu hiệu suy giảm trong sản lượng. Tuy nhiên, vùng Champagne được dự báo có hiệu suất tốt hơn, và tổng sản lượng nho được kỳ vọng tăng trưởng ổn định hơn so với năm 2022.

Theo số liệu của Uỷ ban châu Âu, mức tiêu thụ rượu vang trong năm 2023 của các quốc gia châu Âu ước tính đi theo xu hướng giảm. Cụ thể, 15% ở Pháp, 7% ở Ý, 10% ở Tây Ban Nha, 22% ở Đức và 34% ở Bồ Đào Nha. Dự báo cũng cho biết mức giảm mạnh nhất diễn ra ở người tiêu dùng trẻ tuổi, nhóm người từng ưa chuộng rượu mạnh và bia nhất.

Nông dân được khuyến kích trồng các loại cây khác như ô liu thay vì nho. Ảnh: Forbes.
Nông dân được khuyến kích trồng các loại cây khác như ô liu thay vì nho. Ảnh: Forbes.

Rượu vang và rượu mạnh là hai trong số những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Pháp, với kim ngạch 17,2 tỉ Euro trong năm 2022, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một loạt vấn đề diễn ra đã khiến nhu cầu rượu vang giảm, cùng việc sản xuất quá mức dẫn đến tình trạng thừa cung thiếu cầu, từ đó đẩy giá rượu giảm mạnh, gây khó khăn lớn cho khoảng 1/3 các nhà sản xuất rượu trên khắp châu Âu. 

Hàng năm, Liên minh châu Âu (EU) vẫn chi hơn 1 tỉ Euro để ngăn chặn tình trạng sản xuất quá mức rượu vang. Những nông dân được khuyến khích chuyển sang trồng các loại cây khác ô liu thay vì nho như lúc trước. Lần gần nhất, châu Âu trải qua tình trạng như hiện tại là vào giữa những năm 2000. Khi đó, EU buộc phải cải cách chính sách nông nghiệp để cắt giảm sản lượng rượu vang dư thừa.

Có thể bạn quan tâm:

Trung Quốc triển khai nghĩa trang kỹ thuật số để tiết kiệm không gian