Một lý do khiến các công ty khai thác không muốn nới lỏng hầu bao là vì họ vẫn đang cố gắng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Năm | 29/02/2024 20:00

Nhà đầu tư đang "thận trọng" với các công ty khai khoáng toàn cầu?

Thế nhưng các nhà đầu tư thận trọng không hẳn là nguyên nhân chính khiến ngành trì trệ trong việc thay đổi.

Hiếm khi "lọt vào mắt xanh" của nhà đầu tư

Phần lớn thập kỷ vừa qua, các công ty khai khoáng hiếm khi "lọt vào mắt xanh" của nhà đầu tư. Trong suốt những năm 2000 và đầu những năm 2010, một ngành vốn được cho rằng sẽ gia tăng vượt bậc nhờ sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc, lại phung phí vào đầu tư và gánh những khoản nợ khổng lồ. Theo công ty tư vấn PWC, ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năm 2013, tổng chi tiêu vốn của 40 công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường đã lên tới 130 tỉ USD, gần 4/5 thu nhập của họ trước lãi vay, thuế, khấu hao và tổn thất giá trị (EBITDA). Việc chi tiêu quá mức đó khiến các chủ doanh nghiệp phải "tái mặt" khi tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc chậm lại, khiến giá hàng hóa và lợi nhuận của ngành giảm mạnh.

Theo đó ngành đã phải dành nhiều năm tiếp theo để dọn dẹp đống hỗn độn. Với phần lớn giá trị của các tài sản bị bút toán giảm và tiền mặt được sử đụng để trả nợ thay vì tài trợ cho các dự án mới.

Kể từ đó, lợi nhuận và giá cả hàng hóa đã phục hồi, nhưng đầu tư thì không. Vào năm 2022, 40 công ty khai thác lớn nhất đã cùng nhau đầu tư 75 tỉ USD, tương đương chỉ 1/4 EBITDA. Các nhà phân tích cho rằng, tập đoàn khai khoáng lớn nhất thế giới BHP  đã đầu tư khoảng 7 tỉ USD vào năm ngoái, bằng một phần ba số tiền đã chi vào năm 2013.

 

Và con số này là cả một vấn đề. Theo Ủy ban Chuyển đổi Năng lượng, một tổ chức tư vấn, việc khử carbon trong nền kinh tế toàn cầu sẽ cần 6,5 tỉ tấn kim loại từ nay đến năm 2050. Bên cạnh lithium và niken cần thiết cho pin, sẽ cần tới 170 triệu tấn thép mỗi năm, bao gồm chủ yếu là quặng sắt, để sản xuất mọi thứ từ tua-bin gió đến xe điện (EV) gấp hơn 10 lần sản lượng toàn cầu hiện nay. Không chỉ vậy, sẽ cần một lượng lớn đồng để mở rộng và nâng cấp lưới điện. Nhu cầu về nhôm, coban, than chì và bạch kim cũng sẽ tăng đáng kể. Điều đó sẽ đòi hỏi phải nổ mìn và khoan rất nhiều, phải bắt đầu ngay bây giờ. Vậy tại sao nó vẫn chưa xảy ra?.

Một lý do khiến các công ty khai thác không muốn nới lỏng hầu bao là vì họ vẫn đang cố gắng lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Chỉ số khai thác và kim loại thế giới MSCI, theo dõi giá cổ phiếu trong ngành, đã tăng khoảng 10% trong thập kỷ qua, so với mức tăng gấp đôi của toàn bộ thị trường chứng khoán thế giới. Còn lợi nhuận từ các dự án mới trong ngành hiện ở mức khoảng 7%. Số liệu kém hấp dẫn khi trái phiếu doanh nghiệp cấp đầu tư ở Mỹ đã cao hơn 5%.

Theo nhà cung cấp dữ liệu S&P Global, các công ty khai thác mỏ cũng đang trả lại nhiều tiền mặt hơn cho các cổ đông thông qua cổ tức và tích cực thu mua nhiều nhất kể từ năm 2007.

 Nhà đầu tư thận trọng không hẳn là nguyên nhân chính

Thế nhưng các nhà đầu tư thận trọng không hẳn là nguyên nhân chính khiến ngành trì trệ trong việc thay đổi. Ông Mike Henry, Giám đốc Điều hành của BHP, lưu ý rằng việc kinh doanh đã trở nên khó khăn và tốn kém hơn trong những năm gần đây. Ông Jonathan Price, ông chủ của Teck Resources, một gã khổng lồ khai thác mỏ ở Canada, cho biết chi phí lao động và thiết bị tăng cao đã làm giảm lợi nhuận. Theo đó việc phát triển mỏ đồng Quebrada Blanca 2 khai trương năm ngoái ở Chile đã tiêu tốn gần 9 tỉ USD, gần gấp đôi so với ước tính của họ vào năm 2019.

Ông James Whiteside của Wood Mackenzie, một công ty nghiên cứu cho biết, phạm vi dự kiến ​để giảm thiểu tác động môi trường của các địa điểm cũng đã mở rộng đáng kể. Các công ty không còn có thể chỉ dựa vào máy phát điện diesel để cung cấp năng lượng nữa. Họ được yêu cầu kết nối với lưới điện hoặc lắp đặt các nguồn năng lượng tái tạo như tấm pin mặt trời. Ngoài ra các công ty khai thác cũng phải xây dựng các nhà máy khử muối để bảo vệ nguồn nước. Những hoạt động đều đè nặng lên chi phí.

Trước bối cảnh đó, các công ty khai thác đã tạm dừng hoặc thậm chí là huỷ bỏ các dự án mới nhằm tránh ảnh hưởng đến doanh số, làm phật lòng các nhà đầu tư. Ông Jakob Stausholm, ông chủ của Rio Tinto, công ty khai thác mỏ có giá trị lớn thứ hai thế giới, cho biết: “Bạn thực sự phải có can đảm để suy nghĩ lâu dài”. Điều đó không phải lúc nào cũng dễ dàng. Vào ngày 15/ 2, BHP cho biết họ sẽ giảm 2,5 tỉ USD giá trị hoạt động kinh doanh niken ở Tây Úc do chi phí cao hơn và giá kim loại sụt giảm do nguồn cung của Indonesia mở rộng.

Bên cạnh đó quy trình cấp phép kéo dài cũng khiến các dự án bị trì hoãn. Ở Mỹ, việc xin giấy phép thường mất từ ​​bảy đến mười năm, các công ty phải tham khảo ý kiến ​​của nhiều cơ quan chính phủ và các bên liên quan khác. Ở một số quốc gia, những lo ngại về môi trường đã dẫn đến việc rút lại các phê duyệt. Chính phủ Serbia đã thu hồi giấy phép của Rio Tinto, một công ty khai thác lớn, đối với mỏ lithium trị giá 2,4 tỉ USD sau khi các cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra vào năm 2022.

 

Một vấn đề nhức nhối khác là việc tiếp cận vùng đất tổ tiên của người dân bản địa. Ở Mỹ, phần lớn tài nguyên – 97% niken, 89% đồng và 79% lithium – đều nằm trong khu bảo tồn của người Mỹ bản địa hoặc trong phạm vi 35 dặm (56km) cách đó. Năm 2020, cựu giám đốc điều hành của Rio Tinto buộc phải từ chức sau khi công ty này cho nổ tung hai hầm trú ẩn bằng đá cổ của thổ dân ở Úc, khiến dư luận phẫn nộ. Chủ tịch cũng từ chức vào năm tiếp theo.

Rất ít chủ doanh nghiệp muốn chịu số phận tương tự; những người khác cũng gặp khó khăn khi chi tiêu ở các khu vực pháp lý xa xôi, nơi quản lý kém, vì sợ làm phiền các nhà đầu tư có tư duy bền vững.

Tuy nhiên, mối đe dọa lớn hơn đối với các công ty khai thác mỏ phương Tây lại đến từ Trung Quốc. Trong nửa đầu năm 2023, các công ty của nước này đã đầu tư 10 tỉ USD ra nước ngoài vào khai thác mỏ, nhiều hơn 130% so với sáu tháng đầu năm trước, với 9 trong số 40 công ty khai khoáng niêm yết có giá trị nhất thế giới hiện nay là của Trung Quốc. Nhiều công ty trong số này được hỗ trợ bởi các ngân hàng nhà nước hoặc quỹ đầu tư. So với các công ty lớn ở phương Tây, họ phải đối mặt với ít áp lực hơn từ các cổ đông trong việc hạn chế chi tiêu.

Có thể bạn quan tâm:

 Đông Nam Á già hoá đối mặt mạng lưới an sinh mỏng manh

Nguồn The Economist