Người dân tập trung trên ban công của tòa nhà bị lấn chiếm ở Johannesburg. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Năm | 11/01/2024 17:32

Nghịch cảnh thiếu nhà tại thành phố giàu nhất Châu Phi

Johannesburg đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở chưa từng có, với 400.000 hộ gia đình nằm trong danh sách chờ cấp nhà kéo dài hàng thập kỷ.

Bên trong những bức tường ẩm ướt, ố màu tại số 44 phố Nugget, khu nội thành Johannesburg, người dân đã quen với việc di chuyển trong bóng tối liên tục bằng đèn pin từ điện thoại. Khoảng 500 người sống ở đây cũng đã học được cách sống mà không có nước sinh hoạt và nhà vệ sinh.

“Không người bình thường nào lại muốn sống như thế này, nhưng có thể làm gì khác khi ví tiền không cho phép?”, ông Mlungisi Mthimkulu, một người thất nghiệp 54 tuổi sống bất hợp pháp trong tòa nhà ba tầng kể từ năm 2008, cho biết. “Chúng tôi mong mỏi có những nơi tốt hơn để sống”.

Johannesburg đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhà ở chưa từng có, với 400.000 hộ gia đình nằm trong danh sách chờ cấp nhà kéo dài hàng thập kỷ. Việc thành phố không có khả năng cung cấp nhà ở cho người thu nhập thấp đã buộc hàng chục nghìn người như ông Mthimkulu phải vào cư trú bất hợp pháp tại hơn 600 tòa nhà ở trung tâm thành phố, từ những tòa nhà cao tầng, văn phòng cho đến nhà máy bị bỏ hoang, và họ phải trả phí "bảo kê".

Ông Charles Cilliers, một quan chức nhà ở của thành phố, nhận xét: “Chúng tôi rất lo ngại về điều kiện hiện tại." Ông cho biết, số lượng cư trú bất hợp pháp được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu nhà ở, tuy nhiên một điều đáng chú ý khác là hoạt động kinh doanh trục lợi trên xu hướng cư trú này.

Nhà ở là một thách thức quốc gia đối với một nước phát triển nhất châu Phi, hơn 3,4 triệu người đang chờ được hỗ trợ. Tỉnh Gauteng, có nhu cầu nhà ở lớn nhất nhưng vẫn tồn tại chính sách “quy hoạch không gian” của chính phủ Apartheid, nơi người lao động da màu bị buộc phải sống ở ngoại ô thành phố.

Trung tâm thành phố Johannesburg từng thịnh vượng ngày nay là một khu nhà ở tạm bợ được dựng từ các tấm kẽm và bạt nhựa. Nhiều gia đình phải thuê từng phòng vì không đủ tiền thuê "cả căn".

Một người phụ nữ đứng trước cửa căn phòng mà cô ấy ở chung với 5 người khác bên trong tòa nhà bị cướp ở Johannesburg
Một người phụ nữ đứng trước cửa căn phòng mà cô ở chung với 5 người khác, bên trong tòa nhà bỏ hoang ở Johannesburg. Ảnh: Getty Images.

Bên trong các tòa nhà bị xâm chiếm như ở Phố Nugget, người dân dựng lên những cánh cửa làm từ pallet gỗ cũ hoặc hộp các tông và tấm kẽm, rồi lén nối điện vào lưới điện của thành phố (nguyên nhân gây ra nhiều vụ cháy gần đây).

Ông Siya Mahlangu, Tổng thư ký của Liên đoàn Nội thành, một nhóm vận động làm việc với các Ủy ban xây dựng, cho biết: “Rõ ràng là nếu có một giải pháp thay thế, một nơi nào khác để gọi là nhà, thì người dân đã không sống như vậy. Không ai muốn sống ở nơi không có điện."

Sự xuất hiện của hàng ngàn người di cư đến thành phố mỗi tháng khiến vấn đề càng trở nên phức tạp hơn. Năm 2017, nhu cầu nhà ở ở mức khoảng 300.000 căn, nhưng thành phố chỉ đủ khả năng xây dựng 2.000 căn.

Nhiều người sống trong các tòa nhà kể trên là người di cư. Từ năm 2016 đến năm 2021, hơn một triệu người đã di cư đến Nam Phi, phần lớn từ Zimbabwe và Mozambique, với khoảng 47% định cư ở tỉnh Gauteng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, làn sóng đó đã gây ra sự phẫn nộ ở một quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp là 32,9%, một trong những mức cao nhất trên toàn cầu.

Song, thành phố này vẫn chưa có một chiến lược thống nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng nhà ở, nhưng ông Cilliers lập luận rằng đất nước phải có một cách tiếp cận rộng rãi hơn, giải quyết tình trạng nhập cư bất hợp pháp nhưng cũng tân trang lại các tòa nhà bị xâm chiếm để chúng có thể ở được và được bảo trợ bởi nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm:

Châu Á có thể giảm phụ thuộc vào đồng USD hay không?

Nguồn Bloomberg