Myanmar - Chiến trường mới của các đại gia?
Tuy nhiên, dù lớn đến như vậy, song với số lượng ngày càng đông, các tập đoàn đến lúc phải tự đặt câu hỏi: "Liệu Myanmar có đủ lớn cho tất cả chúng ta?"
Có thể nói, các ông lớn đang đổ xô tới Myanmar không lạ gì nhau, bởi họ từng không ít lần đối đầu nhau ở các thị trường khác trên thế giới. Điều này cũng có nghĩa, họ đang phải đối đầu với những đối thủ cạnh tranh sừng sỏ nhất thế giới.
"Tình hình ở Myanmar lúc này cũng giống Trung Quốc cách đây 20 năm. Áp lực cạnh tranh ngày một gia tăng. Hiện tại những quốc gia như Myanmar không còn nhiều, do đó các công ty đa quốc gia phải nhanh chân tới đó trước tiên", hiệu trưởng trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc - châu Âu, ông Hellmut Schutte nhận định.
Mặc dù thị trường thẻ tín dụng ở Myanmar rất lớn và tiềm năng do đa số người dân nước này chưa có cơ hội sở hữu thẻ tín dụng, song khi cả 2 ông lớn MasterCarrd và Visa cùng nhảy vào hòng chiếm lĩnh thị trường, thì cuộc cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt, chủ tịch MasterCard khu vực Đông Nam Á Matthew Driver cho biết.
Cả 2 cũng không ngừng thúc đẩy các hoạt động quảng bá thương hiệu. Ở Naypyitaw, MasterCard đã nhanh chân đặt một biển quảng cáo lớn quảng bá cho dịch vụ và thương hiệu, dù người dân địa phương vẫn chưa thể tiếp cận loại hình dịch vụ này.
Một trận chiến khác cũng không kém phần khốc liệt là cuộc đối đầu giữa 2 ông lớn của làng giải khát thế giới, Coca-Cola và Pepsi. Tuần này, Coca-Cola tuyên bố đầu tư 200 triệu USD cho Myanmar trong thời gian 5 năm, và trở thành thương hiệu Mỹ đầu tiên bắt đầu sản xuất sản phẩm ngay tại địa phương. Coca-Cola thậm chí còn mời cựu ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright và nhiều ca sĩ địa phương tới tham dự sự kiện quảng bá của mình.
Mặc dù chưa sản xuất tại Myanmar, song Pepsi cũng nhanh tay hợp tác với một đối tác địa phương để phân phối sản phẩm.
Bên cạnh việc phải cạnh tranh lẫn nhau, các thương hiệu phương Tây khi đặt chân tới Myanmar cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu địa phương và một số thương hiệu đến từ các nước như Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan.
Ngoài ra, hàng hóa tiêu dùng không phải là lĩnh vực duy nhất các công ty châu phải đối đầu nhau. Mới đây, 4 tập đoàn kế toán lớn là PricewaterhouseCoopers, Deloitte, Ernst & Young và KPMG cũng đổ xô tới Myanmar hòng chiếm lĩnh thị trường. Tất cả 4 tập đoàn này đều xây dựng sự hiện diện tại Myanmar, trong đó KPMG đã nhanh chân thiết lập một văn phòng ở Yangon hồi tháng 9 năm ngoái. Công ty hiện có tất cả 15 nhân viên, trong đó có 12 người là dân địa phương.
Hầu hết các giám đốc điều hành thừa nhận rằng mặc dù phải đối đầu với nhau, song sự tăng trưởng của kinh tế Myanmar trong thời gian dài sẽ tạo ra cơ hội cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, một loạt công ty công nghệ Mỹ như Google, Intel, HP, HPQ và Microsoft hay Cisco đã cùng nhau tới Myanmar trong một sứ mệnh chung hồi đầu năm nay. Tất cả đều chung ý tưởng hợp tác, bổ trợ lẫn nhau để phát triển ngành công nghệ thông tin lạc hậu của Myanmar và cùng nhau gặt hái lợi nhuận.
Chủ tịch Microsoft phụ trách các thị trường mới nổi Jamie Harper cũng lên tiếng ủng hộ việc các công ty công nghệ cùng nhau hợp tác để cùng hưởng lợi từ sự phát triển cơ sở hạ tầng thông tin ở Myanmar.
Tương tự, giám đốc điều hành của Visa và MasterCard cũng nhận định rằng sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán điện tử ở Myanmar đều tạo ra cơ hội cho cả 2.
Nguồn WSJ/Dân Việt