Trên toàn cầu, nhu cầu về dầu sẽ đạt đỉnh trong những thập kỷ tới, khi các giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn trở nên thịnh hành. Ảnh: Getty Images.

 
Nguyên Hồ Thứ Sáu | 28/07/2023 15:42

Mỹ Latinh: "Thế lực" mới trong ngành dầu mỏ

Vận may của Guyana đang hồi sinh ngành sản xuất dầu của Mỹ Latinh.

Ở vùng nước xanh thẳm ngoài khơi bờ biển Guyana, những con tàu khổng lồ đang hút dầu từ các hồ chứa sâu 3 km. Những cỗ máy này đang thay đổi vận mệnh của một trong những quốc gia nhỏ nhất và nghèo nhất Nam Mỹ.

Vào năm 2015, ExxonMobil, một gã khổng lồ dầu mỏ của Mỹ, đã tìm thấy một mỏ dầu tương ứng với trữ lượng dầu thô hiện nay là 11 tỉ thùng, tương đương khoảng 0,6% tổng trữ lượng của thế giới. Quá trình sản xuất đã bắt đầu từ 3 năm trước và hiện đang tăng tốc. Đến năm 2027, mỏ này có thể cung cấp hơn 1 triệu thùng mỗi ngày, tốc độ sẽ đưa Guyana trở thành 1 trong 20 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới. Đó là vận may tuyệt vời đối với một quốc gia chỉ có 800.000 cư dân. Các chính trị gia nước ngoài đã quan tâm đến Guyana nhiều hơn. Ngày 6/7, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã đến thăm nước này.

 

Vận may của Guyana đang hồi sinh ngành sản xuất dầu của Mỹ Latinh. Theo một báo cáo gần đây của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, sản lượng dầu toàn cầu sẽ tăng 5,8 triệu thùng từ nay đến năm 2028. Khoảng 1/4 nguồn cung gia tăng sẽ đến từ Mỹ Latinh. Sau một thập kỷ giảm sút, sản xuất dầu mỏ ở đây đang có xu hướng tăng. Brazil, Guyana và Argentina sẽ tăng trưởng sản lượng nhưng các nước khác giảm đi.

Trên toàn cầu, nhu cầu về dầu sẽ đạt đỉnh trong những thập kỷ tới, khi các giải pháp thay thế năng lượng sạch hơn trở nên thịnh hành. Mặc dù dầu vẫn sẽ cần thiết trong suốt quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng phải được sản xuất với giá rẻ và lượng khí thải carbon thấp để duy trì tính cạnh tranh.

Trong bối cảnh đó, Brazil và Guyana có thể sẽ được hưởng lợi nhiều hơn hầu hết các nước xuất khẩu. Ở Guyana, ExxonMobil và các đối tác đang nhanh chóng tung dầu ra thị trường. Bà Meghan Macdonald, phát ngôn viên của Công ty cho biết: “Mục tiêu của cả chính phủ và chúng tôi là phát triển các nguồn tài nguyên ở đây càng nhanh càng tốt. Một phần là để tối đa hóa lợi nhuận trong khi giá dầu cao".

"Một bước lên tiên"

Ở Brazil, sự bùng nổ đã nhen nhóm từ nhiều thập kỷ trước. Năm 2006, các kỹ sư tại Petrobras, công ty dầu khí nhà nước của Brazil, đã có một khám phá chấn động. Ngoài khơi bờ biển São Paulo, dưới 3 km nước và thêm 5 km đá, muối, là một trong những mỏ dầu ngoài khơi lớn nhất thế giới.

Với Tổng thống lúc bấy giờ là ông Luiz Inácio Lula da Silva, phát hiện này đã giúp Brazil “một bước lên tiên". Những mỏ dầu tiền muối hay dầu pre-salt (tức dầu dưới lớp đá muối sâu ở đáy biển) được cho là vô tận. Đã có hơn 100 giếng khoan được lắp đặt, và mỗi giếng đều phun ra một lượng dầu khổng lồ. Sản xuất từ các mỏ dầu pre-salt tăng từ 41.000 thùng mỗi ngày vào năm 2010 lên đến 2,2 triệu thùng mỗi ngày năm ngoái.

Các mỏ dầu pre-salt đã đưa Brazil từ một nước sản xuất dầu nhỏ thành nước lớn thứ 8 thế giới. Địa chất cùng với các khoản đầu tư của Petrobras vào công nghệ ngoài khơi mới nhất, giúp cho việc khai thác trở nên đặc biệt hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Nắm bắt cơ hội

Thế nhưng, chỉ riêng tài nguyên thiên nhiên của Brazil sẽ không dẫn đến vận may của Petrobras. Nơi đây có trữ lượng dầu đã được chứng minh lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Đông, nhưng các công ty nhà nước của họ đã nhiều lần bỏ lỡ cơ hội, theo The Economist. Không giống như hầu hết quốc gia vùng Vịnh, các chính phủ trong khu vực nói chung đã thất bại trong việc thành lập các quỹ đầu tư quốc gia để chuyển doanh thu từ dầu mỏ vào các khoản đầu tư dài hạn.

 

Thay vào đó, họ trở nên phụ thuộc vào dầu mỏ như một nguồn thu ngoại tệ và thu ngân sách. Trong đó, Chính phủ Ecuador phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở Mỹ Latinh (không tính Venezuela).

Nhiều nhà sản xuất dầu mỏ truyền thống của Mỹ Latinh cũng ngày càng tụt hậu. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1998, Tập đoàn PDVSA của Venezuela chiếm 5% nguồn cung toàn cầu, với sản lượng 3,4 triệu thùng mỗi ngày. Tuy nhiên, sau các biến động địa chính trị, sản lượng của họ giờ chỉ còn 700.000 thùng mỗi ngày. Từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2023, họ chỉ nhận được 4 tỉ USD thanh toán, mặc dù xuất khẩu dầu trị giá 25 tỉ USD, do chịu các lệnh trừng phạt.

Trường hợp của Venezuela là cực đoan, nhưng quản lý yếu kém và bất ổn chính sách là điều bình thường tại Mỹ Latinh. Ông Francisco Monaldi, chuyên gia của Đại học Rice (Houston, Mỹ), cho biết nếu tất cả dầu của khu vực được khai thác với cùng chuyên môn và trong một môi trường pháp lý tương tự như ở Texas thì Mỹ Latinh sẽ sản xuất nhiều dầu hơn Mỹ, thay vì chỉ bằng một nửa như hiện tại. Mexico, Colombia và Ecuador chỉ sản xuất 3,8% sản lượng toàn cầu vào năm 2021.

Trên khắp khu vực, sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ (IDB) tính toán nếu thế giới hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C thì doanh thu ở Mỹ Latinh có thể giảm dần xuống còn khoảng 1.300-2.600 tỉ USD vào năm 2035.

Có thể bạn quan tâm:

 Ngành hàng xa xỉ bất an vì Trung Quốc

Nguồn The Economist