Thứ Tư | 03/12/2014 15:21

Malaysia đối mặt với rủi ro do giá dầu giảm

Trái ngược với nhiều nền kinh tế châu Á, Malaysia đang phải đối đầu với những rủi ro do đà lao dốc thảm hại của giá dầu.

Nguyên nhân đơn giản vì kinh tế Malaysia phụ thuộc rất lớn vào tập đoàn dầu khí quốc doanh Petronas.

Từ mức 115 USD/thùng, đến nay, giá dầu Brent đã giảm khoảng 1/3. Nhu cầu giảm, USD tăng giá trong khi hoạt động sản xuất dầu tại Mỹ lại phát triển mạnh mẽ là 3 nguyên nhân chính khiến giá dầu thế giới lao dốc nhanh chóng trong thời gian gần đây, theo nhận định của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA).

Credit Suisse ước tính, nếu giá dầu giảm 10% thì GDP của Malaysia có thể giảm khoảng 0,2 điểm %. Nếu giá dầu dao động quanh mức 70 USD/thùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ đạt 4,4%, thấp hơn mức dự báo 5,2% trước đó.

Ngoài ra, Credit Suisse cũng hạ dự báo về tỷ giá ringgit/USD. Theo đó, 1 USD có thể sẽ đổi được 3,49 ringgit trong 3 tháng tới và 3,53 ringgit trong 12 tháng tới.

Trong khi đó, tất cả các loại trái phiếu của Malaysia đều được xếp hạng tín nhiệm AAA vì đều được đảm bảo bằng doanh thu từ dầu. Khi Petronas cho biết sẽ trả cổ tức thấp hơn, giới đầu tư bắt đầu nghi ngờ về khả năng thanh toán nợ của chính phủ Malaysia, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu liên tục lao dốc gần đây. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/12, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên 3,92% - mức cao nhất kể từ tháng 9/2014, theo số liệu của Reuters.

Giám đốc đầu tư Jalil Rasheed tại Invesco lưu ý rằng, hệ số nợ/GDP của Malaysia có thể tăng lên 75%, nếu tính cả các khoản nợ tiềm tàng. Kết quả là, Invesco đã giảm 1/2 nắm giữ trái phiếu của Malaysia xuống còn khoảng 15% trong danh mục đầu tư vào Đông Nam Á năm 2014, ông Rasheed cho biết.

Petronas cắt giảm chi tiêu

 

Ngày 28/11, Tập đoàn dầu khí quốc doanh Petronas của Malaysia cho biết, sẽ cắt giảm 15% - 20% chi tiêu ngân sách trong năm tới và cổ tức trả cho chính phủ sẽ giảm 37% nếu giá dầu duy trì ở mức thấp như hiện tại. Lợi nhuận ròng quý III của Petronas đã giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm ngoái dù sản lượng dầu vẫn tăng.

Petronas dự kiến, năm 2015 tập đoàn sẽ trả khoảng 43 tỷ ringgit (12,56 tỷ USD) cho chính phủ với chi tiêu dự kiến cho cả năm là 273,9 tỷ ringgit (khoảng 80 tỷ USD).

Nguồn tài chính công của Malaysia

Tuy nhiên vẫn có nhiều tranh luận xung quanh tác động của giá dầu đến nguồn tài chính công của Malaysia.

Mới đây trước đà lao dốc tự do của giá dầu, chính phủ Malaysia đã nhanh chóng đi đến quyết định loại bỏ các khoản trợ cấp giá nhiên liệu - chiếm 9,3% tổng chi tiêu ngân sách năm 2013 của Malaysia. Nói cách khác, chính phủ Malaysia từng phải chi trả rất nhiều cho lĩnh vực năng lượng so với lĩnh vực giáo dục hay y tế. Việc cắt giảm trợ cấp này sẽ giúp chính phủ thu hẹp thâm hụt ngân sách trong thời gian tới.

Ngoài ra, Malaysia cũng được hưởng một số lợi ích khi giá dầu xuống thấp, bởi Malaysia là nước nhập khẩu ròng dầu, theo nhận định của Citigroup.

Lo ngại giá cả các hàng hóa khác

Theo Citigroup, điều mà Malaysia nên lo lắng là tác động của giá dầu đến giá cả của các mặt hàng khác, đặc biệt là dầu cọ thô. Giống như dầu và khí đốt, dầu cọ thô cũng đóng góp một phần vào GDP của Malaysia. Tỷ lệ này dự báo sẽ tăng dần lên khi thế giới có xu hướng tiêu thụ dầu cọ thô nhiều hơn để sản xuất dầu diesel sinh học.

Bank of America Merrill Lynch dự báo, giá dầu cọ thô năm 2015 sẽ giảm xuống còn 2.300 ringgit/tấn với khoảng 15% lượng dầu cọ được tiêu thụ trên toàn cầu.

Nguồn DVO/ CNBC