Nhiều người tiêu dùng và công nhân Nhật Bản tại các công ty nhỏ vẫn chưa thấy được lợi ích thực tế từ loạt tin tức kinh tế tốt gần đây của Nhật Bản. Ảnh: Reuters.

 
Mỹ Quyên Chủ Nhật | 31/03/2024 21:39

Lương và chứng khoán tăng nhưng nhiều người Nhật vẫn không hưởng lợi, vì sao?

Nhiều người Nhật, đặc biệt là những người không sống tại các thành phố lớn, không cảm nhận được sự thay đổi nhờ những động lực mới của nền kinh tế.

Trong một thông báo tuần trước, BOJ nhấn mạnh rằng mức lạm phát 2% ổn định và bền vững mà cơ quan này chờ đợi cuối cùng đã ở trong tầm tay.

Ông Yue Bamba, người đứng đầu bộ phận đầu tư tích cực tại BlackRock Nhật Bản, cho biết: “Chúng tôi khá lạc quan về chỉ số Nikkei 225 và chứng khoán Nhật Bản nói chung”. 

Cũng trong tháng 3, liên đoàn lao động tại các tập đoàn lớn nhất Nhật Bản đã ăn mừng đợt tăng lương lớn nhất trong hơn ba thập kỷ. Thế nhưng, ông Masuo Ueda lại đang bận rộn hỗ trợ các nhà làm phim khác đang gặp khó khăn tại chính quốc gia này, những người làm việc cực nhọc nhiều giờ với mức lương thấp hơn mức tối thiểu để giúp ngành công nghiệp anime trị giá 19 tỉ USD có thể tiếp tục phát triển.

Ông Ueda, giám đốc đại diện của Hiệp hội Văn hóa Phim & Anime Nippon, chia sẻ: “Chúng tôi không biết chỉ số Nikkei Stock Average cao vượt mức mọi thời đại vào tháng trước thật sự có ý nghĩa gì, nhưng điều đó hoàn toàn không liên quan đến ngành hoạt hình" vì nhiều nhà làm phim hoạt hình làm việc tự do hoặc tự kinh doanh.

Ông Ueda chia sẻ: “Vẫn còn nhiều người trong ngành hoạt hình làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hơn tôi tưởng”.

“Vấn đề là một số họa sĩ hoạt hình bắt đầu sự nghiệp của họ với mức lương thấp và vẫn ở mức thấp ngay cả sau nhiều năm làm việc,” ông nói. Điều này đang xảy ra ngay cả trong một ngành đã chứng kiến ​​doanh thu tăng gấp đôi trong 10 năm qua khi anime thu hút lượng khán giả nước ngoài ngày càng lớn hơn nhờ các nền tảng phát trực tuyến như Netflix.

Cuộc sống khó khăn của giới họa sĩ cho thấy con đường hướng tới mục tiêu “đầu tư vào con người” của Chính phủ Nhật vẫn còn nhiều chông gai. Kể từ khi trở thành Thủ tướng Nhật vào năm 2021, ông Fumio Kishida luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng lương – một trong những yếu tố quan trọng trong cam kết về “chủ nghĩa tư bản mới” của ông.

Trải qua hơn 2 năm trong nhiệm kỳ của ông Kishida, Nhật Bản dường như đang trỗi dậy trở lại vị thế siêu cường kinh tế. Giá đất trên khắp nước này đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1991, trong khi giá chung cư cũng đang ở mức cao kỷ lục. Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng ở mức hơn 2% trong hai năm. Trong khi đó, các công đoàn Nhật vừa đạt được thỏa thuận với giới chủ về mức tăng lương cho người lao động lớn nhất trong 33 năm.

Tuy nhiên, nhiều người Nhật, đặc biệt là những người không sống tại các thành phố lớn, không cảm nhận được sự thay đổi nhờ những động lực mới của nền kinh tế.

“Tôi cố gắng kiềm chế bản thân và không chi tiêu quá tay”, cô Emi Kanai, 37 tuổi, một nhân viên bệnh viện, sống tại thị trấn Nagareyama thuọc tỉnh Chiba.

Kanai là một trong nhiều người Nhật vẫn chưa được tăng lương bất chấp lạm phát gia tăng thời gian qua. Trên thực tế, số liệu chính thức cho thấy chỉ 16% người lao động tại Nhật tham gia công đoàn. Theo kết quả khảo sát thực hiện từ ngày 22-24/3 của Nikkei Asia, 77% người Nhật tham gia nhận định thỏa thuận tăng lương mà các công đoàn vừa đạt được không giúp cuộc sống của họ tốt hơn, ít nhất tới mùa hè năm nay.

Giống nhiều người tiêu dùng khác ở Nhật, cô Kanai đã cảm thấy áp lực của lạm phát trong cuộc sống hàng ngày.

Các vấn đề kjinh tế vẫn là nỗi lo hàng đầu của một bộ phận người Nhật được khảo sát. Ảnh: Nikkei Asia.
Các vấn đề kinh tế vẫn là nỗi lo hàng đầu của một bộ phận người Nhật được khảo sát. Ảnh: Nikkei Asia.

Trong khi đó, ngân hàng trung ương nước này cũng đang hành động thận trọng. Sau quyết định tăng lãi suất hôm 19/3, khi được hỏi liệu Nhật Bản đã thoát khỏi ba “thập kỷ lạc lối”, Thống đốc BOJ Kazuo Ueda nói rằng “vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng. Mục tiêu đó hiện mới chỉ ở trong tầm tay thôi”.  

Mục tiêu dài hạn của BOJ không phải là tăng lạm phát mà là thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của đất nước trong bối cảnh tăng trưởng GDP của nước này ở mức dưới 0,5% trong phần lớn thời gian của thập kỷ qua. Các biện pháp để đạt mục tiêu này gồm thúc đẩy đầu tư nội địa, tăng năng suất lao động, đẩy mạnh xuất khẩu, từ đó tiền lương tiếp tục tăng lên và người tiêu dùng có thể chi tiêu nhiều hơn.

Các chuyên gia cho biết, để thoát khỏi tình trạng giảm phát và khiến các nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước, hào hứng với đất nước này về lâu dài, Nhật Bản cần tiếp thêm sinh lực cho ngành sản xuất, cải cách quản trị doanh nghiệp và quốc tế hóa các tập đoàn của mình.

 

Điều này xảy ra trong bối cảnh Nhật đang trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Quốc gia châu Á hiện là nền kinh tế lớn già nhất thế giới. Tỷ lệ phụ thuộc của nước này 54,5%, tức là mỗi 100 người lao động phải hỗ trợ 55 người đã về hưu. Đây là tỷ lệ cao nhất và vượt xa mức bình quân 33% của các nước OECD.

Bà Mayumi Suzuki, 75 tuổi, sống tại Nagareyama, cho biết bà “cá nhân không cảm nhận được lợi ích từ việc thị trường chứng khoán lập đỉnh”.

Bà Suzuki, hiện sống chủ yếu nhờ lương hưu, có thói quen tới siêu thị vào buổi tối để mua đồ ăn sẵn hạ giá.

“Cuộc sống rất khó khăn khi giá cả hàng hóa tăng lên trong khi tôi phải sống nhờ lương hưu”, bà Suzuki chia sẻ và nói rằng chính sách tiền tệ của BOJ “quá khó hiểu”.

Như nhiều người cùng thế hệ, bà Suzuki luôn hoài niệm về thời kỳ tăng trưởng nhanh của Nhật thời hậu chiến.

“Đó là những ngày tuyệt vời nhất. Giờ đây cuộc sống càng ngày càng khó khăn hơn”, bà chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm: Người già sẽ là động lực tiêu dùng chính của Nhật Bản

Nguồn Nikkei Asia