Chủ Nhật | 17/02/2013 09:01

Kỷ nguyên gia công và thuê ngoài đến hồi kết (Phần 7)

Để hồi hương công việc, nước giàu phải chứng minh rằng họ vẫn có những ưu thế về tiến bộ kỹ thuật.
Phương Tây giờ đây bị ám ảnh về tình trạng mất việc làm do toàn cầu hóa nhiều đến mức mối lo ngại này hiện trở thành chủ đề của nhiều trò đùa cợt. Onion, trang web trào phúng, mới đây đã ra thông báo rằng nhiều ông bố bà mẹ đang thuê ngoài dịch vụ chăm sóc con cái tại Ấn Độ và Sri Lanka, sử dụng hộp các-tông để vận chuyển con cái của họ bằng đường biển.

Tỷ lệ thất nghiệp của một nước được xác định bằng nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô; thương mại và thuê ngoài tác động đến mối quan hệ việc làm và mức lương. Trong các ngành đặc biệt, gia công và thuê ngoài là những kết cục rắc rối nhất của toàn cầu hóa.

Mối nguy mất việc làm vào tay các nước đang phát triển đã làm giảm thu nhập của tầng lớp trung lưu tại các nước giàu. Nhưng bất chấp mối lo ngại và sợ hãi về tình trạng mất việc làm ở phương Tây, xu hướng thuê ngoài đang chậm lại và sẽ sớm yếu dần.

Những năm gần đây, mối lo ngại chính là sự di cư của công việc lao động trí óc, vốn chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động tại các nước giàu. Nhưng thuê ngoài tác động xấu đến công việc dịch vụ ít hơn nhiều so với những lo sợ ban đầu, và trong lĩnh vực sản xuất, việc hồi hương có thể mang lại sự hồi sinh.

Ông Blinder của Đại học Princeton là một trong những nhà kinh tế học lỗi lạc nhất sớm đưa ra cảnh báo về tác động của thuê ngoài công việc dịch vụ. Trong bài báo đăng trên Foreign Affairs năm 2006, ông này viết, 42 triệu việc làm dịch vụ của người Mỹ cuối cùng có thể bị mất; sự thay đổi này có thể thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần 3.

Rõ ràng, người ta vẫn chưa nhận thức rõ những mối lo sợ nhất. Không ai biết chính xác thuê ngoài đã tác động thế nào đến tình hình việc làm ở Mỹ từ năm 2006, nhưng theo ước tính của nhiều hãng tư vấn như Hackett Group, dựa vào dữ liệu bí mật từ các khách hàng doanh nghiệp, con số đưa ra tương đối thấp. Theo Hackett, giai đoạn 2002-2016, các công ty lớn của Mỹ và châu Âu bị mất khoảng 3,7 triệu công việc dịch vụ-kinh doanh, thuê ngoài chiếm 2,1 triệu việc. Như vậy, thuê ngoài làm mất đi 150.000 việc làm/năm.

Ước tính mới đây của Hackett về số việc làm bị mất và điều gì sẽ đến rất sát với dự báo của Forrester Research đưa ra năm 2004 rằng 3,4 triệu việc làm dịch vụ của Mỹ sẽ được thuê ngoài vào năm 2015, hoặc khoảng 300.000 việc làm/năm.

McKinsey lạc quan hơn nhiều so với ông Blinder khi tuyên bố năm 2006 rằng về lý thuyết, 11% việc làm dịch vụ trên thế giới có thể được thực hiện “từ xa”. Thực tế, theo suy nghĩ của McKinsey, chỉ khoảng 650.000 việc làm/năm sẽ bị ảnh hưởng. Đến nay, những người lạc quan đã được chứng minh là đúng.

Những năm gần đây, kẻ hủy diệt việc làm số 1 ở Mỹ là suy thoái. Ông Blinder cho biết: “Mô hình thuê ngoài chỉ lấy đi một tỷ lệ rất nhỏ việc làm”. Ông này cho rằng động thái hồi hương một số việc làm trong ngành sản xuất là quan trọng.

Tuy nhiên, theo ông, làn sóng thuê ngoài dịch vụ có thể chưa tác động đến các nước phương Tây. Lý do chính là những tiến bộ về công nghệ thông tin và viễn thông có thể cho phép thuê ngoài những công việc cao cấp hơn và lành nghề hơn. Mức lương trả cho nhân viên lành nghề nói tiếng Anh tại các nước đang phát triển – những người có thể cung cấp dịch vụ - đang tăng nhanh. Các công ty ngày càng lo ngại rằng thuê ngoài dịch vụ có thể gây thiệt hại trong dài hạn.

Lý lẽ tốt nhất cho việc gia công thuê ngoài ngày nay là tiến gần các thị trường mới đang tăng trưởng nhanh, và lý lẽ này ngày càng mạnh mẽ hơn. McKinsey ước tính, đến năm 2015, các nước đang phát triển sẽ chiếm gần 70% nhu cầu hàng hóa sản xuất. Trong khi đó, trước kia các công ty coi thị trường đang phát triển như nguồn cung cấp lao động giá rẻ thì hiện giờ lại đang cố gắng thâm nhập sâu rộng hơn vào các thị trường này.

Ví dụ, ABB đã dịch chuyển từ cái gọi là chiến lược “chênh lệch chi phí” đối với các nước như Trung Quốc sang phương thức “có mặt ở đất này để phục vụ đất nước này” (in country for country).Nghĩa là ABB không chỉ muốn chỉ sản xuất mà còn thực hiện luôn các chức năng khác như quản lý sản phẩm và R&D tại Trung Quốc.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nước mới nổi cũng sẽ thúc đẩy các công ty đa quốc gia mới thành lập của họ trở thành “bản địa” tại phương Tây. Công ty tư vấn Rhodium cho biết, đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ đã tạo ra gần 30.000 việc làm tại đây, và rằng đến cuối thập kỷ này các công ty của Trung Quốc sẽ tuyển dụng 400.000 người Mỹ.

Liệu việc hồi hương và việc công ty đa quốc gia của các nước đang phát triển thâm nhập thị trường phương Tây có tạo ra thêm nhiều việc làm mới tại thế giới giàu có hay không? Tổ chức tư vấn Boston Consulting Group cho rằng, đến năm 2020, riêng việc hồi hương có thể tạo ra 2-3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất, trong đó có đến 1 triệu việc làm trực tiếp từ công việc trong nhà máy và phần còn lại từ lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ như xây dựng, vận tải và bán lẻ.

Nhỏ giọt chứ không phải ồ ạt

Nhưng điều quan trọng là không nên đánh giá quá cao tác động của việc hồi hương đối với việc làm. Hoạt động sản xuất thường quay trở lại khi chúng được tự động hóa, toàn bộ hoặc một phần, do vậy, số việc làm hồi hương sẽ ít hơn số thuê ngoài ban đầu.

Theo ông Sirkin từ BCG, hầu hết các công ty mà gần đây xây dựng thêm các cơ sở mới hoặc mở rộng các cơ sở hiện có tại Mỹ đã đưa thêm ứng dụng tự động hóa. Ví dụ, NatLabs, nhà sản xuất răng nhân tạo trụ sở tại Florida, đã hồi hương rất nhiều hoạt động sản xuất từ Trung Quốc cũng nhờ tự động hóa nhiều hoạt động.

Michel Janssen từ Hackett cho biết, điều tốt nhất có thể hy vọng không phải là hàng triệu việc làm thu nhập cao sẽ hồi hương và mọi chuyện sẽ trở lại như xưa mà là “sự dịch chuyển việc làm ra khỏi nước Mỹ sẽ dừng lại. Tính sẵn có về công nhân lành nghề sẽ tác động ngày càng lớn lên quyết định của các công ty về địa điểm đặt cơ sở sản xuất”.

Chính phủ các nước trên thế giới đã sử dụng nhiều khuyến khích tài chính nhằm thu hút các công ty đến nước họ. Khuyến khích này có thể là nguồn tiền mặt ổn định và những ưu đãi về thuế doanh nghiệp cho đến các khoản tín dụng giá rẻ.

Ví dụ, trở lại năm 2005, Dell đã được bang North Carolina và thành phố Winston-Salem hứa hẹn bằng nhiều khuyến thích trị giá lên đến 280 triệu USD để mở thêm nhà máy tại các khu vực này. Khi Dell rút khỏi vào năm 2009, hãng này đã phải trả lại 24 triệu USD đã nhận. Năm 2007 North Carolina trao cho Google một gói kích thích 260 triệu USD để mở rộng cơ sở đặt máy chủ gần Blue Ridge Mountains – tuy nhiên, Google cuối cùng cũng từ chối.

Các công ty ngày càng hoài nghi hơn về những kích thích ngắn hạn, và chính phủ các nước sẽ phải làm nhiều hơn nữa để đưa ra hình thức khuyến khích hữu ích nhất và lâu dài nhất: môi trường kinh doanh. Những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách có thể chỉ rõ chênh lệch chi phí lao động là lý do rõ ràng và mạnh mẽ giải thích tại sao các hãng/công ty thuê ngoài. Khi khảo sát các công ty đang chuyển các hoạt động sản xuất ra khỏi nước Mỹ, trường Kinh doanh Harvard nhận thấy, mức lương thấp hơn là động lực chính của 70% số công ty. Nhưng 1/3 cũng cho biết họ thuê ngoài để tiếp cận tốt hơn nguồn lao động lành nghề.

Khi khoảng cách về mức lương trên thế giới ngày càng thu hẹp, rõ ràng các yếu tố khác như kỹ năng, luật lao động, cụm công nghiệp, cơ sở hạ tầng, thuế suất và quy định đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết khi các công ty quyết định nơi nào sẽ đặt hoạt động sản xuất. Hiện nhiều công ty đang có cái nhìn khác về chính sách gia công và thuê ngoài của họ, do vậy, chính phủ các nước cần cho họ một lý do hợp lý để quay lại. Ông Porter cho biết “nếu các công ty đang thuê ngoài vì các vấn đề chính sách trong nước có thể giải quyết được, điều đó là không thể tha thứ”.
Không thể tuyển dụng nhân viên

s

Trong báo cáo gần đây về hoạt động sản xuất toàn cầu, McKinsey cho biết, trong tương lai gần, thế giới có thể có quá ít công nhân lành nghề và không đủ việc làm cho công nhân kỹ năng thấp. Quyết định của các công ty về nơi đặt cơ sở sản xuất ngày càng hướng đến nơi họ có thể tìm được công nhân lành nghề theo yêu cầu.

Năm 2011, cuộc khảo sát 2.000 công ty của Mỹ nhận thấy, 43% hãng sản xuất mất hơn 6 tháng để tìm lấp đủ một số vị trí trống. Mỹ gặp vấn đề nghiêm trọng vì nước này sản xuất ra quá ít sinh viên tốt nghiệp đại học và quá nhiều học sinh cấp ba bỏ học giữa chừng. Tại Nhật Bản, 3/4 số công ty gặp vấn đề trong việc tìm kiếm nhân viên kỹ thuật và kỹ sư. Kết quả là nhiều công ty không thể hồi hương việc làm vì họ không thể tìm được công nhân có kỹ năng cần thiết.

Một vấn đề khác là tính linh hoạt của lao động, rất khác biệt giữa các nước. Tại Anh, theo Hans Leentjes, chủ tịch phụ trách khu vực Bắc Âu của Manpower, người sử dụng lao động có thể sa thải người lao động nhưng phải tuân thủ đúng quy trình và thanh toán tiền trợ cấp thôi việc cho mỗi năm làm việc.

Trái lại, tại Đức, các công ty phải đàm phán số tiền thanh toán và trả 1-2 tháng lương cho mỗi năm làm việc. Người lao động Đức có thể vẫn đến tòa án và công ty có thể phải tuyển dụng lại họ. Ông Leentjes cho biết “Trong một nền kinh tế toàn cầu nơi các công ty có thể đi đến nơi nào họ muốn, thì những khác biệt vừa nêu có tác động rõ rệt”.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy lao động tại các nước giàu đang ngày càng linh hoạt hơn khi công nhân tại châu Á từng bước có được thêm quyền lợi. Các công ty đa quốc gia hiện thừa nhận lực lượng lao động linh hoạt và chi phí thấp của Mỹ có tính hấp dẫn quan trọng. Chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đồng euro, Tây Ban Nha và Italia phải tiến hành cải cách thị trường lao động.

Một dấu hiệu khác là công nhân sản xuất xe hơi phương Tây lại sẵn sàng làm ca đêm. Tháng 8 năm ngoái, Jaguar Land Rover, thuộc sở hữu của Tata, thông báo áp dụng lại ca đêm tại nhà máy gần Liverpool, và 3 ông lớn ngành ô-tô của Mỹ đang thúc đẩy làm việc 24/24. Trong khi đó, công nhân sản xuất xe hơi tại Hàn Quốc, lại thành công trong việc bãi bỏ ca làm đêm tại hai hãng lớn Hyundai và Kia.

Nhưng có lẽ chỉ ở Mỹ và Anh, lực lượng lao động đủ linh hoạt để có cơ hội thuyết phục các công ty hồi hương hoạt động sản xuất. Ở đầu kia là Pháp, nơi Arnaud Monterbourg, bộ trưởng được bổ nhiệm để xây dựng lại ngành công nghiệp nước này, cuối năm ngoái đã nói với Lakshmi Mittal, ông trùm thép Ấn Độ, rằng ông không được mong đợi tại Pháp sau khi công ty của ông, ArceloMittal, cố gắng đóng cửa các lò luyện kim.

Và nơi nào các công ty có thể duy trì hoạt động sản xuất ở nước ngoài, thông thường nhờ vào công nhân nhập cư. Jenlo Apparal Manufacturing dựa vào công nhân có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam ở Montreal, và ET Water Systems đưa hoạt động sản xuất về trao cho nhà thầu có trụ sở tại San Jose đang tuyển dụng công nhân có nguồn gốc Đông Nam Á. Một yếu tố quan trọng về bậc lương thấp trong lao động của Mỹ là sự nhập cư, cả hợp pháp và phi pháp, từ Mexico. Darryl Green, một trong những chủ tịch của Manpower, cho biết “lao động càng được tự do di chuyển bao nhiêu thì càng ít công ty cần thuê ngoài bấy nhiêu”.

Các hãng môi giới đang cung cấp nhân viên tạm thời như Manpower đóng vai trò nhất định, cho phép các công ty đối xử với công nhân như một nguồn lực linh hoạt chứ không phải là chi phí cố định. Không có gì là ngẫu nhiên khi thị trường lớn nhất của Manpower là Pháp.

Tại Nhật Bản, thị trường lao động cũng rất cứng nhắc. Năm 2007, Fujio Mitarai, giám đốc điều hành Canon, cho biết, các hãng môi giới tạm thời đã giúp nhiều hãng sản xuất tránh được “hố lõm” của ngành. Nhưng hiện nay chính phủ đã hạn chế việc sử dụng công nhân tạm thời. Hiroyuki Izutsu từ Manpower, cho biết, cùng với việc đồng yên tăng giá, việc này đang thúc đẩy các công ty Nhật Bản đẩy mạnh hoạt động thuê ngoài.

Trụ sở North Carolina của Lenovo, thừa hưởng từ IBM, nằm tại trung tâm Research Triangle Park, nơi quy tụ rất nhiều trường đại học và doanh nghiệp công nghệ cao. Đây là một ví dụ về hệ sinh thái doanh nghiệp có khả năng thut hút đầu tư của các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới. Khu vực này có chi phí cạnh tranh, công nhân lành nghề, mối quan hệ đối tác chặt chẽ với các trường đại học trong vùng và môi trường thân thiện với doanh nghiệp. Không giống Dell, Lenovo không nhận đồng nào từ chính quyền bang khi khởi động sản xuất tại Whitsett.

Trong nước, các nhà máy của hãng cạnh tranh gay gắt với nhau về chi phí, sản lượng và chất lượng. Sẽ rõ ràng nếu “Made in America” là hàng xa xỉ hoặc liệu nó có tạo ra giá trị bền vững cho hãng hay không. Tony Pulice, giám đốc nhà máy tại North Carolina, sẵn sàng cho thấy những gì Trung Quốc có thể làm.


Báo cáo đặc biệt của Economist về ngành gia công thuê ngoài:
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 1)
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 2)
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 3)
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 4)
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 5)
Kỷ nguyên gia công đến hồi kết thúc (phần 6)


Nguồn Economis/Khampha


Sự kiện