Không rút QE: Fed mang chiến tranh tiền tệ quay trở lại
Quyết định gây sốc của Fed (không cắt giảm gói nới lỏng định lượng QE3) trái ngược với kỳ vọng giảm tốc độ mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp từ 10-20 tỷ USD hàng tháng, đã khơi lại những tranh luận về chiến tranh tiền tệ trên toàn cầu.
Rủi ro đặt trên vai các tiền tệ như đô-la Australia (AUD), đồng euro (EUR) và bảng Anh (GBP) đang tăng mạnh sau quyết định của Fed, ngược lại đồng bạc xanh của Mỹ tiếp tục giảm giá.
Áp lực tăng giá khiến cho AUD tăng giá, lên mức 0,95 USD/AUD trên thị trường châu Á hôm nay 19/9. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 6/2013. Trong khi đó, đồng bảng Anh cũng tăng giá lên giao dịch tại 1,62 USD/GBP, mức cao nhất kể từ tháng 1/2013. Tương tự, đồng euro lên cao nhất 7 tháng, giao dịch tại 1,35 USD/EUR.
Ngay sau quyết định khẳng định chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed vẫn tiếp tục được duy trì trong tháng tới, ngay lập tức đã khơi lại cuộc chiến tranh tiền tệ. US dollar Index (USDX), chỉ số đo lường giá trị của đồng USD so với các đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống mức thấp kỷ lục kể từ tháng 2/2013, xuống còn 80,06 điểm.
Hiện tại, một số nhà phân tích cho rằng, quyết định của Fed có thể khiến khuyến khích các ngân hàng trung ương khác phải phá giá đồng tiền tệ nhằm nỗ lực giữ lại lợi thế cạnh tranh.
Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành Quỹ quản lý tài sản BK đưa ra nhận định: "Chúng ta đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh tiền tệ, đặc biệt nếu Fed không rút dần nới lỏng định lượng vào tháng 10 hoặc tháng 12 tới".
Nhóm 10 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất sẽ phải phản ứng lại và điều duy nhất họ có thể làm là ban hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa, để cân bằng những khác biệt về tiền tệ.
Còn nhớ vào khoảng đầu năm nay, những suy đoán về sự bắt đầu của một cuộc chiến tranh tiền tệ mới trên toàn cầu đã lên đến đỉnh điểm, khi mũi tên thứ hai trong chính sách phục hưng kinh tế của thủ tướng Shinzo Abe đã khiến cho đồng yên (JPY) giảm mạnh kỷ lục và đem đến lợi thế không công bằng cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản. Tuy nhiên, những chỉ trích có vẻ lắng dịu trong tháng 4 vừa rồi, khi các nhà lãnh đạo tại cuộc họp G20 tiếp tục ủng hộ chính sách Abenomics của thủ tướng Nhật Bản.
Evan Lucas, nhà chiến lược tại IG Market, Melbourne, Australia kỳ vọng rằng, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) sẽ tiến tới việc cắt giảm lãi suất một lần nữa vào cuối năm nay.
Ông Schlossberg cũng dự báo, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và đặc biệt, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ sớm có những hành động phản ứng.
Việc đồng yên không tăng giá nhiều so với USD, chứng tỏ dấu hiệu cho thấy thị trường dự đoán BOJ sẽ là Ngân hàng Trung ương đầu tiên có động thái can thiệp.
JPY đã tăng mạnh lên 97,75 JPY/USD ngay sau kết quả cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) được công bố, nhưng đã suy yếu trở lại xuống giao dịch tại 98,10 JPY/USD tại thị trường tiền tệ châu Á.
Đồng thời, ông Schlossberg cũng nhấn mạnh khả năng can thiệp của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE).
Có thể thấy, Nhật Bản, Anh, Australia sẽ là những quốc gia tiên phong chống lại chính sách tiền tệ giá rẻ của Mỹ. Quyết định giữ nguyên tốc độ mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp 85 tỷ USD/tháng của Mỹ được đưa ra một cách bất ngờ nhưng nguy cơ chiến tranh tiền tệ thì không, thực chất các cuộc chạy đua phá giá tiền tệ đã được diễn ra từ lâu và các quốc gia phát triển sẽ vin vào cớ sự kiện lần này của Fed để công khai hành động của mình, dưới bộ lốt bảo vệ sức cạnh tranh trong nước.
Và dĩ nhiên, họ có quyền làm vậy bởi xưa nay, các ngân hàng trung ương luôn tìm cách tìm kiếm lợi ích lớn nhất của quốc gia mình. Chẳng phải Fed cũng giữ nguyên QE vì mục đích của riêng họ hay sao?
Nguồn Dân Việt