Chủ Nhật | 03/06/2012 12:53

Hàng hiệu Pháp đối mặt với làn sóng hàng giả

Theo nhóm Colbert Comite, hàng giả khiến nền kinh tế mất 30.000 việc làm và thiệt hại 6 tỷ euro doanh thu mỗi năm.
Thị trường hàng nhái các thương hiệu cao cấp đã thực sự bùng bổ trong thời gian qua, với sự tiếp sức của châu Á, nơi 85% số hàng nhái hàng hiệu được sản xuất và vận chuyển tới châu Âu. Bên cạnh đó, sự phổ biến của các cửa hàng đồ hiệu trực tuyến khiến người mua có cảm giác không an tâm và chùn tay trước những sản phẩm cao cấp.

Để chiến đấu chống lại làn sóng này, nhóm Colbert Comite bao gồm 75 nhà sản xuất hàng hiệu trên toàn nước pháp như Dior, Cartier hay Remy Martin đã phát động chiến dịch cổ động và dán áp phích tại các sân bay lớn của nước Pháp vào thời điểm trước mùa hè để cảnh báo khách du lịch khỏi mua nhầm hàng giả.

Người đứng đầu nhóm Comite Colbert, Elisabeth Ponsolle des Portes cho biết Pháp có luật chống hàng giả thuộc loại khắt khe nhất thế giới và việc làm giả bị coi là tội ác kể từ năm 1994.

Nhóm Colbert Comite tổ chức các chiến dịch định kỳ 2 năm một lần kể từ năm 1995. Trong thời gian gần đây, nhóm đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia như Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Romania và Croatia. Các nhân viên hải quan được phát miễn phí các áp phích cổ động.

Làn sóng hàng giả tăng gấp đôi tại châu Âu trong giai đoạn từ năm 2009 và 2010, với khoảng 103 triệu sản phẩm nhái có giá trị lên tới 1,1 tỷ euro (1,37 tỷ USD). Các mặt hàng này được làm giả tinh vi tới mức các nhân viên hải quan không thể phân biệt được.

Theo số liệu thống kê của Eurobarometer, tính đến năm 2009, 22% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã vô tình mua phải hàng giả. Các thương hiệu sang trọng nhất của thế giới đặc biệt dễ bị làm giả nhất.

Nguồn Perthnow/DVT


Sự kiện