Singapore cho thấy tiềm năng trở thành thị trường hàng đầu về kinh tế bạc trong số 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: CNBC.

 
Lam Ngọc Thứ Bảy | 10/02/2024 17:56

Già hóa dân số ở Singapore thúc đẩy nền “kinh tế bạc” phát triển

Khi độ tuổi dân số trung bình tăng lên, cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore cung cấp các sản phẩm và dịch cho người cao tuổi cũng tăng theo.

Theo báo cáo năm 2023 của chính phủ Singapore, công dân từ 65 tuổi trở lên chiếm gần 1/5 dân số nước này, tăng 11,7% so với một thập kỷ trước. Tỉ lệ này đang tăng với tốc độ nhanh hơn và dự kiến sẽ đạt 1/4 dân số vào năm 2030.

Khi độ tuổi dân số trung bình tăng lên, cơ hội cho các doanh nghiệp Singapore cung cấp các sản phẩm và dịch cho người cao tuổi cũng tăng theo.

Thị trường tiềm năng

Từ các startup về chăm sóc sức khoẻ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để điều trị cho bệnh nhân cao tuổi cho đến các nền tảng quản lý hàng hóa phục vụ cho nhu cầu của họ, nền kinh tế bạc của Singapore đang bùng nổ và rất nhiều công ty muốn giành lấy thị phần.

Theo Chỉ số nền kinh tế bạc của người cao tuổi ở châu Á năm 2020, Singapore cho thấy tiềm năng trở thành thị trường hàng đầu về kinh tế bạc trong số 15 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, nền kinh tế bạc của đảo quốc sư tử dự kiến sẽ đạt giá trị 72,4 tỉ USD vào năm 2025, theo Aging Asia.

Bà Janice Chia, sáng lập Aging Asia, nhận định thế hệ baby boomer hiện vẫn là phân khúc thị trường mục tiêu chính của các doanh nghiệp bạc trong một hoặc hai thập kỷ tới.

“Thói quen tiêu dùng của người lớn tuổi sẽ quyết định sự thành bại của các doanh nghiệp trên thị trường bạc. Họ đã đầu tư nhiều cho con cái hơn so với các thế hệ trước và sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho bản thân cũng như những trải nghiệm mới”, bà Janice nói.

Báo cáo từ Citibank chỉ ra người tiêu dùng từ 65 tuổi trở lên có tốc độ tăng trưởng chi tiêu nhanh nhất trong số các nhóm tuổi ở nền kinh tế phát triển như Singapore.

Các cơ hội kinh tế phục vụ người lớn tuổi cho các công ty trải rộng ở nhiều lĩnh vực từ dịch vụ y tế đến các khu nhà ở hoặc các làng, khu dân cư dành cho người lớn tuổi. Giới chuyên gia cho biết thế hệ lớn tuổi ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc duy trì sức khỏe tốt về mặt thể chất lẫn tinh thần, có xu hướng tiếp tục làm việc, gắn bó với cộng đồng trong tuổi già.

Bà Vanessa Keng, đồng sáng lập The Golden Concepts, nền tảng thương mại điện tử chuyên về các sản phẩm chăm sóc người cao tuổi, cho biết thị trường công nghệ phục vụ cho người lớn tuổi đang phát triển ổn định và ngày càng có nhiều người tham gia vào thị trường với đa dạng sản phẩm có tính chuyên môn hơn.

Trên thực tế, sự tăng trưởng này là một điều tích cực, bởi các khách hàng lớn tuổi sẽ có thể tìm được giải pháp phù để đáp ứng nhu cầu của họ. Nhiều công ty thiết kế các sản phẩm giúp người lớn tuổi sống độc lập. Các thiết bị như bấm móng tay có kính lúp, móc khóa kéo và thìa uốn cong giúp người lớn tuổi tự mặc quần áo và tự ăn.

Bà Keng cho biết những năm gần đây, Golden Concepts đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng khách mua các thiết bị hỗ trợ di chuyển giai đoạn đầu, chẳng hạn như gậy đi bộ, xe tập đi, thay vì các thiết bị hỗ trợ giai đoạn cuối như xe lăn.

Ngay cả ngành công nghiệp thực phẩm cũng cho thấy tiềm năng phát triển trong nền kinh tế bạc. Các startup thực phẩm mềm, nhuyễn, ngon miệng liên tục xuất hiện để đáp ứng nhu cầu cho một thị trường đang phát triển. The Gentle Group chẳng hạn, đã phát triển dòng thực phẩm xay nhuyễn được tạo thành các hình thức ăn quen thuộc dành cho những người mắc chứng khó nuốt.

Chăm sóc sức khỏe cũng là một cơ hội đẩy triển vọng. Dịch vụ kỹ thuật số và cơ sở hạ tầng cũng là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp muốn nắm bắt, bao gồm phát triển các giải pháp hỗ trợ sinh hoạt, công nghệ chăm sóc sức khỏe và thể dục, thông tin liên lạc hướng đến người lớn tuổi.

Dữ liệu từ Bộ Y tế Singapore cho biết có khoảng 100.000 người lớn tuổi sẽ cần được hỗ trợ trong ít nhất một hoạt động sinh hoạt hàng ngày vào năm 2030. Các startup Singapore như SmartPeep và SoundEye đều đang phát triển công nghệ phát hiện khi người lớn tuổi ngã, đưa ra cảnh báo yêu cầu trợ giúp khi bệnh nhân gặp nguy hiểm. Trong khi đó, Tetsuyu tập trung phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc theo dõi vết thương và dấu hiệu bệnh lý của bệnh nhân cao tuổi từ bất kỳ thiết bị internet nào.

Cơ hội kinh tế khác

Mặc dù đã có sự tham gia từ nhiều bên trong thị trường chăm sóc người lớn tuổi, các doanh nghiệp vẫn có cơ hội kinh tế từ nhu cầu nhà ở và hỗ trợ sinh hoạt từ nhóm đối tượng này. 

Bộ Y tế Singapore và cơ quan quy hoạch đô thị đã hợp tác nhằm tạo triển khai dự án thí điểm hỗ trợ sinh hoạt tư nhân, hợp tác cùng các doanh nghiệp trong ngành. Điều này cho thấy sự quan tâm và nỗ lực của chính phủ và các tổ chức liên quan đối với việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lớn tuổi.

Cho đến thời điểm hiện tại, lựa chọn về hỗ trợ sinh hoạt ở Singapore vẫn còn hạn chế và chủ yếu tập trung vào phân khúc cao cấp, đặt ra vấn đề quan trọng cần được giải quyết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chăm sóc dài hạn trong bối cảnh già hoá dân số tăng nhanh.

Có thể bạn quan tâm:

Nền kinh tế du lịch Trung Quốc đang trở lại

Nguồn CNBC