Du khách đi bộ ở phố cổ Hội An, Việt Nam. Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến đối với du khách Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Sáu | 16/06/2023 14:13

Du khách Ấn Độ sẽ là "mỏ vàng" mới trong làng du lịch

Du khách Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến ​tăng ít nhất 1.000% so với mức trước đại dịch.

Vừa trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, Ấn Độ đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về việc liệu nước này có tiếp tục vượt qua Trung Quốc trên các đấu trường khác hay không.

Mọi con mắt đang đổ dồn vào ảnh hưởng ngày càng tăng của siêu cường Nam Á trên trường quốc tế. Và ngành du lịch cũng không ngoại lệ.

Theo các báo cáo gần đây, đến năm 2024, người Ấn Độ dự kiến ​​chi hơn 42 tỉ USD mỗi năm cho các chuyến du lịch nước ngoài.

Ấn Độ đang trải qua điều mà ông Omri Morgenshtern, Giám đốc Điều hành của Agoda, gọi là “sự bùng nổ” du lịch và hiện là “điểm đến du lịch nước ngoài đang phát triển mạnh nhất”. 
 
Không chỉ là về số lượng người đi du lịch, Ấn Độ cũng đang tiếp tục rót hàng tỉ USD vào việc phát triển ngành hàng không và củng cố vị thế là một trung tâm du lịch.

Hàng loạt khoản đầu tư táo bạo

 

Các chuyên gia cho biết phần lớn quỹ đạo tăng trưởng ra nước ngoài của Ấn Độ đang được thúc đẩy bởi những cải thiện về cơ sở hạ tầng và sự mở rộng trong lĩnh vực hàng không.

Chính phủ Ấn Độ năm nay công bố kế hoạch chi 980 tỉ rupee (11,9 tỉ USD) vào năm 2025 để xây dựng và hiện đại hóa các sân bay trong nước, theo Reuters.

Trong số này có sân bay quốc tế Noida, ở thành phố Jewar thuộc bang Uttar Pradesh. Theo Times of India, sân bay này được khai trương vào năm 2024, sẵn sàng trở thành sân bay lớn nhất châu Á và sẽ tăng cường khả năng kết nối đến và đi từ Vùng thủ đô Delhi và Tây Uttar Pradesh.

Ông Gary Bowerman, người sáng lập Check-in Asia, một công ty nghiên cứu và tiếp thị du lịch, cho biết “công việc mà Ấn Độ đang làm đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Đất nước có nhiều sân bay hơn, nhiều nhà ga hơn, nhiều cơ sở hạ tầng hơn so với một thập kỷ trước”.

Kể từ năm 2017, ít nhất 73 sân bay đã được đưa vào hoạt động theo kế hoạch kết nối khu vực của Ấn Độ. Trong khi đó, Sân bay Quốc tế Indira Gandhi của Delhi lần đầu tiên lọt vào danh sách 10 sân bay quốc tế bận rộn nhất thế giới trong năm nay, với 59,5 triệu lượt hành khách vào năm 2022. Trong khi đó, Trung Quốc phần lớn vẫn đóng cửa đối với thế giới do đại dịch cho đến đầu năm 2023.

Ông Morgenshtern cho biết, sự gia tăng du khách Ấn Độ ra nước ngoài là kết quả đầu tư không chỉ của chính phủ mà còn của các hãng hàng không tư nhân.

Sân bay quốc tế Indira Gandhi của New Delhi là sân bay bận rộn nhất của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.
Sân bay Quốc tế Indira Gandhi của New Delhi là sân bay bận rộn nhất của Ấn Độ. Ảnh: Getty Images.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, Ấn Độ cũng đã mở rộng chương trình cho thuê máy bay cho cả các tuyến nội địa và quốc tế, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Jyotiraditya Scindia phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hàng không Ấn Độ CAPA vào tháng 3.

Bộ trưởng Morgenshtern đồng thời đề nghị các quốc gia cần giảm bớt các hạn chế về thị thực và tăng số chuyến bay từ Ấn Độ để thu hút được nhiều du khách Ấn Độ hơn. “Khi 2 điều đó xảy ra, thì điều kỳ diệu sẽ xảy ra ở một thị trường đang phát triển như Ấn Độ”, ông nói.

Ai hưởng lợi?

Dựa trên dữ liệu do Agoda thu thập, người Ấn Độ đang đi du lịch đến nhiều quốc gia khác nhau hơn. Năm 2019, 3 điểm đến phổ biến nhất của người Ấn Độ là Thái Lan, Malaysia và Indonesia.

 

Khi nói đến Đông Nam Á, các quốc gia hàng đầu mà người Ấn Độ thường lui tới hiện nay gần giống như cách đây 5 năm, nhưng số lượng khách du lịch đã tăng lên.

“Chúng tôi thấy ngày càng có nhiều người Ấn Độ đến Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia. Tất cả các nước này đều có du khách Ấn Độ trước đây nhưng không nhiều như ở thời điểm hiện tại”, ông Morgenshtern nói.

Chẳng hạn, du khách Ấn Độ đến Việt Nam dự kiến ​​tăng ít nhất 1.000% so với mức trước đại dịch, theo ông Morgenshtern.

Đông Nam Á nói chung rõ ràng là điểm đến hàng đầu của du khách Ấn Độ.

Ngược lại, dựa trên dữ liệu của Agoda, không có nhiều người Ấn Độ đi du lịch đến Nhật, Hàn Quốc hoặc Đài Loan (Trung Quốc). Giám đốc Điều hành của Agoda cho rằng một phần là do các địa điểm này ở xa Ấn Độ.

Ấn Độ và Trung Quốc

Trong khi thị trường du lịch nước ngoài của du khách Trung Quốc tăng vọt trong 2 thập kỷ qua, thì sự bùng nổ của Ấn Độ đến muộn hơn một chút. Ông Bowerman nói rằng, nguyên nhân một phần là do sự khác biệt trong lĩnh vực hàng không của 2 quốc gia này.

 

Ở Ấn Độ, ngành hàng không hiện nay chủ yếu bao gồm các hãng hàng không tư nhân, thường cạnh tranh với nhau. Trong khi đó, Trung Quốc có 3 nhóm hãng hàng không chính do Chính phủ phát triển và hợp nhất, mỗi nhóm hoạt động ở các khu vực cụ thể: Air China có trụ sở tại Bắc Kinh, China Eastern có trụ sở tại Thượng Hải và China Southern có trụ sở tại Quảng Châu. 3 nhóm này không cạnh tranh với nhau.

Trước đại dịch, Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất ở Đông Nam Á. Năm 2019, các quốc gia Đông Nam Á đã đón 32,3 triệu lượt du khách Trung Quốc, nhưng chỉ có 5,3 triệu lượt du khách Ấn Độ.

“Có rất nhiều việc phải làm. Nhưng vẫn có tin tốt cho Ấn Độ. Hiện có động thái giữa các Tổng cục Du lịch ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa thị trường không chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc”, ông Bowerman nói.

Tuy nhiên, ông Bowerman cho rằng, Ấn Độ có thể phải mất “2 thập kỷ” để vượt qua Trung Quốc trong lĩnh vực du lịch nước ngoài. “Bạn không thể bắt kịp khoảng cách đó trong một khoảng thời gian ngắn”, ông nói.
 

Có thể bạn quan tâm: 

Điện tái tạo "tắc nghẽn" toàn cầu, chờ được hòa vào lưới điện

Nguồn CNN