Ảnh: Dan Kitwood / Getty

 
Phong Việt Thứ Ba | 07/11/2023 14:00

Đối phó với kỷ nguyên “đun sôi toàn cầu”

Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các nước có nguy cơ cao nhất bị hạ bậc tín nhiệm do biến đổi khí hậu.

Cuối tháng 7, hơn 19.000 người buộc phải sơ tán khỏi Rhodes, hòn đảo nổi tiếng của Hy Lạp trong khi điểm đến tuần trăng mật Maui (thuộc Hawaii) cũng chìm trong bão lửa. Thiên tai gây thiệt hại không nhỏ cho nền kinh tế Hy Lạp khi ngành du lịch chiếm tới 14,9% GDP nước này (năm 2021), đồng thời góp thêm lần lượt 9,1% và 8,5% vào nền kinh tế Ý và Tây Ban Nha... Ở Úc, lượng du khách bị giảm do hiện tượng tẩy trắng san hô.

 

Tại Đông Nam Á, “nhiệt độ tăng lên và khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ có thể gây tổn thất 6,5-11% GDP khu vực”, Fabby Tumiwa, Giám đốc Viện Cải cách Các dịch vụ thiết yếu (IESR), nhận định. “Indonesia cần phải tăng GDP ít nhất 6% hằng năm mới có thể thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình vào năm 2045. Nhưng điều đó khó đạt được khi hạn hán, mùa màng thất bát... cứ diễn ra”, Tumiwa dẫn chứng về thách thức biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

Các trận lũ lụt lịch sử quét qua miền Bắc Trung Quốc cho đến cháy rừng bùng phát ở Canada, châu Âu... trong thời gian qua là lời cảnh tỉnh rằng thế giới đang đối mặt với thách thức cực kỳ cam go do biến đổi khí hậu. Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres cảnh báo: “Kỷ nguyên nóng lên toàn cầu đã kết thúc mà bây giờ là kỷ nguyên đun sôi toàn cầu”.

Nông nghiệp là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất, đe dọa an ninh lương thực. Morgan Stanley ước tính ít nhất 44% sản xuất lúa mì, 43% gạo, 32% bắp và 17% đậu nành đến từ các lĩnh vực gặp rủi ro. Các thảm họa do biến đổi khí hậu khiến cho ít nhất 314 tỉ USD sản xuất hằng năm bị lâm nguy. Giá cả hàng hóa tăng cao cũng sẽ trở thành chuyện thường ngày. Unilever ước tính hiện tượng khí hậu cực đoan có thể làm tăng giá dầu cọ tới 12-18% vào năm 2050, hàng hóa và lương thực khác tăng 14-21%.

Mất an ninh lương thực càng trở nên trầm trọng do thiếu nước. Có tới 2 tỉ người bị thiếu nước sạch và an toàn. Đến năm 2030, nhu cầu nước ngọt dự kiến vượt cung tới 40%. Các khu vực từng dồi dào nguồn nước sẽ rơi vào tình trạng thiếu thốn. “Tại châu Âu, khan hiếm nước từng là câu chuyện chỉ xảy ra với những người khác, nhưng nay chính chúng tôi rơi vào tình trạng này”, Vincent Caillaud, CEO bộ phận các công nghệ nước tại Veolia (Pháp), nhận xét.

Ngành công nghiệp cũng phụ thuộc vào tài nguyên nước đang cạn kiệt. Moody’s ước tính có tới phân nửa tài sản toàn cầu trong ngành hóa chất sẽ bị căng thẳng nguồn nước. Một ví dụ là mực nước thấp năm 2018 đã cắt giảm lợi nhuận tại tập đoàn hóa chất BASF tới 250 triệu EUR.

Quá nhiều nước cũng gây đau đầu không khác gì việc khan hiếm nước. Khoảng 1/5 các nhà máy máy tính và điện tử tại châu Á nằm trong vùng dễ ngập lụt, theo Moody’s. ON Semiconductors đã phải đóng cửa một cơ sở sản xuất sau trận lũ lụt lịch sử năm 2011 ở Thái Lan do chi phí tái xây dựng quá cao. Để phòng chống rủi ro này, nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC đã phải nâng nền của các nhà máy mới xây dựng ở Đài Loan thêm 2 m.

Đáng nói các rủi ro khí hậu lại chưa được tính vào. Báo cáo gần đây cho thấy bất động sản dân cư dễ ngập lụt tại Mỹ thậm chí bị định giá cao tới 121-237 tỉ USD. Một khi lốc xoáy và các rủi ro khác như hạn hán, sóng nhiệt và nước biển dâng được tính vào thì San Francisco (Mỹ) sẽ trở thành một trong những khu vực bị thiệt hại kinh tế nặng nhất, theo tính toán của Moody’s. 

Nhưng các nhà đầu tư vào trái phiếu chính phủ đã bắt đầu tính đến rủi ro này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết nhà đầu tư trái phiếu tính cả rủi ro khí hậu vì các tài sản hạ tầng vật chất của các quốc gia vay nợ có xu hướng bị tác động trực tiếp nhiều hơn. Mô phỏng tác động của biến đổi khí hậu đối với xếp hạng tín nhiệm quốc gia tại 109 nước cho thấy việc hạ bậc tín nhiệm do biến đổi khí hậu có thể xảy ra sớm vào năm 2030, theo nghiên cứu mới của các chuyên gia kinh tế từ UEA và Đại học Cambridge. Trung Quốc và Ấn Độ nằm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm.

Một cách giảm thiệt hại là phòng vệ trước biến đổi khí hậu. Chi ra 50 tỉ USD mỗi năm vào hệ thống phòng vệ ở các thành phố ven biển có thể giảm mức tổn thất dự kiến từ 1.000 tỉ USD xuống còn khoảng 60 tỉ USD vào năm 2050. Nơi nào càng giàu thì càng có cơ hội xây dựng hệ thống phòng vệ hoàn thiện. Chẳng hạn, S&P gần đây đã nâng trái phiếu của Miami lên mức AA vì lý do trên, mặc dù thành phố này dự kiến mực nước biển sẽ tăng tới 53 cm vào năm 2070.

Các nhà khởi nghiệp và nhà đầu tư “nhạy cảm” với biến đổi khí hậu đã nhìn thấy cơ hội khi thế giới đang tìm cách thích ứng với kỷ nguyên đun sôi toàn cầu. Trong đó, những cải tiến nhằm xử lý tình trạng khan hiếm nước đang được quan tâm. Đó là lý do Gradient - doanh nghiệp đã đưa ra các phương pháp mới để xử lý nước thải công nghiệp - đã trở thành startup công nghệ nước đầu tiên được định giá 1 tỉ USD năm nay.

Đáng chú ý là công nghệ khử muối khi thị trường này được dự báo tăng trưởng gần 9%/năm giai đoạn 2022-2027, theo Technovia.  “Nước trở nên khan hiếm và thách thức biến đổi khí hậu đã trở nên rõ ràng trong vài năm nay, thúc đẩy việc triển khai các công nghệ này”, José Díaz-Caneja, CEO mảng nước của Acciona, nhận xét.

Khoa học cây trồng cũng thu hút nhiều sự quan tâm. Các nước châu Âu trước đây còn hoài nghi giờ đã bắt đầu tiếp nhận các giống biến đổi gen, vốn có khả năng chịu được nhiệt độ cực đoan và hạn hán. Một ví dụ là loại bắp ngắn cần ít nước hơn mà Bayer (Đức) kỳ vọng sẽ ra mắt các thị trường trong đó có Mỹ ở thập kỷ này.

Ngay cả ngành dịch vụ cũng phải thích ứng, khi tại đảo Maldives, một điểm du lịch nổi tiếng, nhiệt độ toàn cầu tăng lên đang là rủi ro hiện hữu hay nhiệt độ quá cao vào mùa hè được dự báo sẽ dẫn đến việc ghi giảm giá trị tài sản của các khách sạn và khu du lịch tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Ý, Cyprus, Bồ Đào Nha, Pháp và Hy Lạp.

 

Mark Campanale, sáng lập Carbon Tracker, cho rằng sự điều chỉnh giảm đột ngột giá trị tài sản hoàn toàn có thể xảy ra một khi các thị trường “đính chính lại” các tác động của biến đổi khí hậu. Những tác động này sẽ rất khốc liệt, buộc thế giới phải nhanh chóng hành động vì như lời của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres, “chúng ta đã không còn thời gian để chần chờ, do dự”.