Lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn có thể khiến chi phí sở hữu nhà vượt quá khả năng chi trả của nhiều người Mỹ. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Tư | 17/04/2024 17:49

Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế Mỹ nếu lãi suất không giảm trong năm nay?

Thị trường, doanh nghiệp và Nhà Trắng đều tập trung vào thời điểm và số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, tuy nhiên triển vọng đang dần vụt tắt.

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang đã nói trong nhiều tháng rằng, họ cần có thêm dữ liệu thuyết phục chứng minh rằng lạm phát đang trên đà bền vững ở mức 2% trước khi có thể thoải mái cắt giảm lãi suất. Thế nhưng, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao trong tháng trước đã phản ánh điều ngược lại. Đó là lý do tại sao Chủ tịch FED, ông Powell đã thông báo hôm 16/4, rằng Ngân hàng Trung ương sẽ không sớm cắt giảm lãi suất.

“Dữ liệu gần đây rõ ràng không mang lại cho chúng tôi niềm tin lớn hơn mà thay vào đó chỉ ra rằng, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến ​​để đạt được lạm phát 2%”, ông Powell cho biết trong cuộc thảo luận với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada Tiff Macklem. Chứng khoán Mỹ ban đầu giảm sau tín hiệu của ông rằng lãi suất sẽ ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, trong khi đó lãi suất trái phiếu kho bạc tăng lên mức cao mới trong năm trước khi giảm trở lại.

Các thị trường, doanh nghiệp và Nhà Trắng đều đang tập trung vào thời điểm và số lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, tuy nhiên triển vọng dường như đang dần vụt tắt. Nền kinh tế Mỹ sẽ xử lý thế nào sau nhiều tháng lãi suất cao ngất ngưởng?.

Nhà đầu tư chờ đợi

Khi các quan chức FED lần đầu tiên đưa ra ba đợt cắt giảm lãi suất vào cuối năm ngoái, thị trường đã đạt được những đỉnh cao mới. Vào thời điểm đó, đợt cắt giảm đầu tiên được kỳ vọng sẽ diễn ra sớm nhất là vào tháng 3. Các nhà đầu tư có xu hướng thích lãi suất thấp hơn vì điều đó làm giảm chi phí vay, từ đó có thể giúp tăng lợi nhuận. Đồng thời, nhà đầu tư có nhiều tiền hơn để đổ vào thị trường.

Trong cuộc họp tháng trước, khi giới chức duy trì dự báo ba đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, các chỉ số chính của Mỹ đã đạt được nhiều kỷ lục mới. Tuy nhiên, đà đó đang mất dần. Sau dữ liệu lạm phát "nóng" hơn dự kiến ​​vào tuần trước, chỉ số Dow, S&P 500 và Nasdaq Composite đều giảm khoảng 2% giá trị.

Ông Itay Goldstein, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh doanh Wharton của Đại học Pennsylvania, cho biết ngay cả với đợt bán tháo gần đây, giá thị trường chứng khoán vẫn phản ánh kỳ vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay. “Có nguy cơ là nếu FED không giảm lãi suất, giá thị trường sẽ tiếp tục giảm”, ông nói.

Ông cho biết sẽ có tác động lan tỏa đến nền kinh tế tổng thể, bởi vì thị trường chứng khoán sụt giảm có thể khiến các công ty trì hoãn đầu tư hoặc cắt giảm chi phí. Chẳng hạn như Tesla tuyên bố sẽ cắt giảm 10% lực lượng lao động do cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện này đã giảm mạnh trong năm nay.

Ông nói thêm, sự sụt giảm của thị trường cũng có thể khiến các hộ gia đình “cảm thấy không giàu có”, khiến họ cắt giảm chi tiêu tiêu dùng.

Tỉ lệ suy thoái tăng cao

Kể từ khi FED giữ lãi suất ổn định vào năm ngoái, sau 11 lần tăng liên tiếp đưa lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ, cơ quan này vẫn luôn giữ quan điểm rằng lãi suất sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn.

Tuy nhiên, ông Goldstein cho biết, FED càng để lãi suất cao hơn lâu đồng nghĩa với việc các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể phải gánh chịu nhiều tổn thất hơn.

Mặc dù cho đến nay, điều đó vẫn chưa hoàn toàn đúng, đặc biệt khi xem xét báo cáo doanh số bán lẻ mới nhất cho thấy người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu bất chấp lạm phát và lãi suất cao nhất trong hai thập kỷ. Ông nói: "Rủi ro đó sẽ tăng cao nếu FED không cắt giảm lãi suất trong năm nay".

Hiện tại, kỳ vọng rằng FED sẽ giữ lãi suất cao hơn đã đẩy lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng đáng kể. Theo đó, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 2 năm đã nhanh chóng chạm mức 5% sau bài phát biểu hôm 16/4 của ông Powell. Điều đó đang thúc đẩy lãi suất thế chấp cao hơn nữa.

 

Cuối cùng, lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn “sẽ làm tăng chi phí đi vay trên toàn nền kinh tế, điều này có thể có tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng, đầu tư kinh doanh và thị trường nhà ở”, ông Brian Rose, Nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại UBS Global, cho biết.

Nhưng không phải ai cũng nghĩ rằng vết nứt trong nền kinh tế sẽ lan rộng nếu FED không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Ông David Mericle, nhà kinh tế Hoa Kỳ tại Goldman Sachs, cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng nền kinh tế đủ mạnh và có thể tránh suy thoái mà không cần cắt giảm lãi suất."

Có thể bạn quan tâm:

 Cuộc đua mở rộng cảng của các quốc gia Đông Nam Á

Nguồn CNN