Động thái của Microsoft minh họa cho cuộc tranh giành nhân tài AI giữa các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty Images.

 
Gia Khánh Thứ Năm | 04/04/2024 19:00

"Cuộc chiến" nhân tài ngành AI

Nền kinh tế AI có thể sẽ bị thống trị bởi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ với nguồn tiền, vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng dồi dào.

Có một cách mà các công ty công nghệ thường sử dụng để chiêu mộ đội ngũ nhân tài, đó là tiến hành mua lại các startup. "Bí quyết" này cũng được ông Satya Nadella, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Microsoft, sử dụng. Thậm chí có người đã đặt tên cho cách thức này là "Biến thể Nadella".

Tuần này, Microsoft thông báo đã tuyển dụng hai trong số ba nhà sáng lập của Inflection, từng là một trong những công ty khởi nghiệp AI nổi tiếng nhất ở Mỹ, cũng như nhiều trong số 70 nhân viên của công ty. Theo đó, ông Mustafa Suleyman và ông Karén Simonyan hiện sẽ giám sát Microsoft AI.

Đợt tuyển dụng mới nhất của Microsoft, sau khoản đầu tư 13 tỉ USD vào OpenAI và mối quan hệ hợp tác gần đây hơn với Mistral AI của Pháp, nêu bật ý định của công ty trong việc liên minh với các startup AI đầy tham vọng và thống trị thị trường. 

Động thái của Microsoft minh họa cho cuộc tranh giành nhân tài AI giữa các công ty công nghệ lớn nhất thế giới.

Ngay cả những kỹ sư tương đối trẻ tại các công ty nghiên cứu hàng đầu đang phát triển các mô hình nền tảng AI, bao gồm OpenAI, DeepMind và Anthropic, cũng có thể yêu cầu mức lương 7 chữ số và nhận được rất nhiều lời mời làm việc bất cứ khi nào họ đăng nhập vào LinkedIn. Nhiều kỹ sư cao cấp hơn có thể kiếm tới 10 triệu USD.

Thị trường tất bật

Ông Jordan Jacobs, đối tác quản lý của Radical Ventures có trụ sở tại Toronto, công ty đã đầu tư vào khoảng 50 công ty khởi nghiệp AI trên toàn cầu, cho biết: “Một cuộc chiến nhân tài khổng lồ đang diễn ra. Trên đỉnh kim tự tháp là những người có thể xây dựng các mô hình nền tảng và tạo tiếng vang. Có rất ít người có thể làm điều đó một cách hiệu quả và có những tổ chức sẽ trả cho họ rất nhiều tiền để làm điều đó.”

 

Nhưng đó cũng là một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế AI mới nổi có thể sẽ bị thống trị bởi những gã khổng lồ công nghệ Mỹ với nguồn tiền, vốn nhân lực và cơ sở hạ tầng điện toán đám mây cần thiết để đào tạo các mô hình nền tảng hiện đại, như GPT-4 của OpenAI và Gemini của Google.

Cách đây không lâu, các công ty công nghệ lớn đã có thể mua đứt một startup như Inflection, nhưng ngày nay theo chính sách chống độc quyền, họ phải miễn cưỡng thực hiện các cuộc đấu thầu tiếp quản.

Đối với những nhà đầu tư tích cực nhất vào các startup AI, như Microsoft, Google, Nvidia và Amazon, họ thường trao đổi những tài nguyên có sẵn để đổi lấy cổ phần tài chính trong các công ty nhỏ này.

Sự xuất hiện của mạng lưới kết nối giữa các công ty và startup này đã thu hút sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý. Vào tháng 1, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã mở cuộc điều tra 5 công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực này. Chủ tịch FTC Lina Khan cho biết: “Cuộc điều tra của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ liệu các khoản đầu tư và quan hệ đối tác mà các công ty lớn đang theo đuổi có nguy cơ bóp méo sự đổi mới và làm suy yếu sự cạnh tranh công bằng hay không”.

Một số nhà đầu tư có thể thất vọng khi không thể thoái vốn thông qua các thương vụ mua lại như trước đây. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn vui vẻ tài trợ cho các startup ngành AI. Trong khi các công ty AI lớn tập trung xây dựng các mô hình nền tảng đa năng, các công ty khởi nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu kinh doanh quy mô nhỏ hơn của khách hàng. Song sự cạnh tranh về mặt nhân sự lại rất khốc liệt.

Cuộc chiến giành người tài

Sự cạnh tranh ở cấp độ tài năng này rất khốc liệt. Quỹ nghiên cứu Jacobs đang xây dựng một đội ngũ nội bộ để "săn lùng" các chuyên gia AI, để những nhân tài này tham gia vào các công ty trong danh mục đầu tư của quỹ. Một số quốc gia, bao gồm Canada, Singapore và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, cũng đang nhắm đến các công ty khởi nghiệp AI đầy triển vọng ở châu Âu và lôi kéo họ chuyển địa điểm.

Tuy nhiên, mặc dù năm công ty công nghệ giàu có của Mỹ – Amazon, Apple, Google, Meta và Microsoft, dường như đang ở vị thế tốt nhất để thu hút tài năng hàng đầu, nhưng không phải ai cũng muốn làm việc cho một doanh nghiệp khổng lồ phương Tây, hay có thể hiểu "Biến thể Nadella" không dễ lây lan đến vậy.

Công ty nghiên cứu Zeki, nơi theo dõi 140.000 nhà khoa học và kỹ sư AI hàng đầu tại 20.000 doanh nghiệp ở hơn 90 quốc gia, đã nhận thấy mong muốn làm việc bên ngoài nước Mỹ ngày càng tăng. Những nhân sự này dường như bị thu hút hơn bởi các công ty trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, sản xuất hoặc muốn tham gia các startup.

 

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ả Rập Saudi, một số quốc gia Bắc Âu và Hàn Quốc đang ngày càng được biết đến với vai trò "nhà nhập khẩu ròng" các nhà khoa học AI, khi ngày càng nhiều tài năng chuyển đến những quốc gia này để làm việc. Một số công ty công nghiệp hàng đầu quốc gia, bao gồm Siemens ở Đức, Samsung ở Hàn Quốc và ASML ở Hà Lan cũng đã trở thành những nhà tuyển dụng chuyên săn đón kỹ sư AI.

Nhìn chung, 10.000 công ty nhỏ, trong cơ sở dữ liệu của Zeki, đã thuê nhiều nhân tài AI hàng đầu hơn cả 5 công ty công nghệ lớn nhất thế giới cộng lại.

Mặc dù hiện đã chuyển sang làm việc cho hai công ty công nghệ lớn sau khi đồng sáng lập hai công ty khởi nghiệp về AI, ông Suleyman cho rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các công ty nhỏ có thể đi cực nhanh, sáng tạo và phát minh ra những thứ mà các công ty lớn hơn không bao giờ có được.

Có thể bạn quan tâm: 

Người trẻ Ấn Độ đối mặt rủi ro thất nghiệp nhiều hơn khi học vấn cao hơn

Nguồn FT