Các lĩnh vực có liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như sản xuất ô tô và chăm sóc sức khỏe, cũng có kết quả vượt trội. Ảnh: Getty Images..

 
Hải Miên Thứ Tư | 21/02/2024 17:50

Cổ phiếu xa xỉ: Nơi trú ẩn mới của nhà đầu tư

Đợt bán tháo trị giá gần 2 nghìn tỉ USD trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phản ánh tính rủi ro quá cao để có thể đầu tư.

Các nhà đầu tư đang đổ xô vào cổ phiếu hàng xa xỉ của châu Âu và các lĩnh vực khác có liên quan đến Trung Quốc, thay vì trực tiếp đầu tư vào thị trường chứng khoán "ốm yếu" của quốc gia này.

Chỉ số Stoxx Luxury 10 (với khoảng 26% doanh thu đến từ Trung Quốc) đã tăng 9,3% trong năm nay, vượt xa mức tăng 0,8% của Stoxx Europe 600, thước đo thị trường chứng khoán châu Âu. Các lĩnh vực có liên quan đến Trung Quốc, chẳng hạn như sản xuất ô tô và chăm sóc sức khỏe, cũng có kết quả vượt trội.

Tuy các chiến lược gia vẫn tỏ ra lạc quan và kỳ vọng vào sự phục hồi của Trung Quốc, song đợt bán tháo trị giá gần 2 nghìn tỉ USD trên thị trường chứng khoán của nước này đã phản ánh tính rủi ro quá cao để có thể đầu tư.

Ông Florian Ielpo, người đứng đầu bộ phận vĩ mô tại Lombard Odier Investment Managers, cho biết trong bối cảnh đó chứng khoán châu Âu là một giải pháp an toàn hơn. 

Các cổ phiếu châu Âu liên quan đến Trung Quốc đang tăng trở lại (% thay đổi). Ảnh: FT.
Các cổ phiếu châu Âu liên quan đến Trung Quốc đang tăng trở lại (% thay đổi). Ảnh: FT.

Ngân hàng Lombard Odier là một trong những đơn vị có cổ phiếu châu Âu chiếm phần lớn danh mục đầu tư. Ông Ielpo cho biết, cổ phiếu hàng xa xỉ là nơi “hiển nhiên” để đầu tư, cùng với đó là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, sản xuất ô tô và công nghiệp.

Cổ phiếu hàng xa xỉ ở châu Âu đã tăng giá trong những tuần gần đây nhờ thu nhập từ các đối thủ nặng ký như LVMH và Hermès vượt dự báo của các nhà phân tích. Cổ phiếu LVMH đã tăng 9,2% trong năm nay, trong khi Hermès tăng 11,8%.

Giám đốc điều hành Hermès Axel Dumas đã gạt bỏ lo ngại về  người tiêu dùng Trung Quốc vào tuần trước. Mặc dù ông nhận thấy lưu lượng khách đến trung tâm mua sắm thấp hơn trong chuyến thăm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới gần đây, nhưng điều này không đáng kể để đưa vào số liệu quý IV của công ty.

Ông Emmanuel Cau, người đứng đầu chiến lược vốn cổ phần châu Âu tại Barclays, cho biết: “Trong một số trường hợp, tâm lý tiêu cực đối với Trung Quốc có phần hơi thái quá”. Công ty này đã “bắt đầu tăng cường tiếp xúc với Trung Quốc một cách có chọn lọc”, đặc biệt là trong các lĩnh vực như hàng xa xỉ.

Theo ước tính của Barclays, Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô Mercedes-Benz và Volkswagen, cả hai đều thu được hơn 30% lợi nhuận từ Trung Quốc, đã tăng lần lượt 6,9% và 14% kể từ đầu năm.

Theo số liệu chính thức từ Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 5,2% trong năm ngoái, cao hơn một chút so với mục tiêu nhưng vẫn là một trong những tốc độ chậm nhất trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, có những dấu hiệu ban đầu cho thấy hoạt động kinh tế có thể đang khởi sắc, một số chiến lược gia cho biết.

Dữ liệu cho thấy các lĩnh vực dịch vụ và xây dựng của Trung Quốc tăng trưởng trong tháng 1, với chỉ số quản lý mua hàng phi sản xuất tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9. Hoạt động sản xuất tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn so với tháng trước.

Các nhà chức trách gần đây cũng đã tăng cường nỗ lực nhằm nâng cao niềm tin của thị trường, với các tổ chức tài chính trực thuộc nhà nước đổ tiền vào thị trường và thắt chặt các hạn chế đối với việc bán khống.

 

Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã giảm 43% so với mức cao nhất mọi thời đại ba năm trước, nhưng gần đây đã bắt đầu phục hồi sau những can thiệp từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, các nhà đầu tư quốc tế vẫn hết sức thận trọng.

Các nhà phân tích cho biết, các lĩnh vực châu Âu tiếp xúc nhiều nhất với Trung Quốc, bao gồm hàng xa xỉ và công nghiệp, cũng có thể được hưởng lợi từ sự tăng trưởng ở các khu vực khác, đặc biệt là ở Mỹ, qua đó bảo vệ các nhà đầu tư trước những tổn thất nặng nề nếu nền kinh tế Trung Quốc xấu đi.

Ông Tomasz Wieladek, Nhà kinh tế tại nhà đầu tư T Rowe Price, cho biết: “Sự phục hồi của chứng khoán châu Âu là một sự đặt cược đa dạng hơn” so với đầu tư trực tiếp vào Trung Quốc.

Đặt cược gián tiếp vào sự phục hồi của Trung Quốc cũng có thể giúp các nhà đầu tư tránh bị cuốn vào mối quan hệ ngoại giao đang rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington, theo Financial Times.

Có thể bạn quan tâm:

Việc cải tổ ngành bất động sản Trung Quốc bị thách thức bởi các khu phố cổ

Nguồn FT