Tổng chưởng lý Bang Missouri, ông Eric Schmitt đòi Trung Quốc bổi thường thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD. Ảnh: Getty

 
Thứ Tư | 29/04/2020 09:08

Các nước bị thiệt hại vì virus có thể kiện Trung Quốc ra tòa?

Ngày càng nhiều chính phủ và các tổ chức quốc tế lên tiếng về khả năng kiện Trung Quốc và đòi bồi thường.

Nhiều tiếng nói đòi bồi thường

Trong bối cảnh khủng hoảng Covid-19 xuất phát từ Trung Quốc và thái độ thiếu minh bạch của Bắc Kinh gây căng thẳng trong quan hệ quốc tế. Trong văn kiện ngày 20/4, ở trang đầu, các nhà ngoại giao Châu Âu tố cáo "Trung Quốc tiếp tục tổ chức một chiến dịch bóp méo thông tin trên toàn cầu, để chuyển hướng công luận vốn đang công kích Trung Quốc về việc làm lây lan đại dịch, và cũng để đánh bóng hình ảnh trên trường quốc tế qua các hành động công khai và thủ đoạn mờ ám". 

Sự thiếu minh bạch này là cơ sở để nhiều tổ chức, chính phủ lên tiếng về khả năng kiện Trung Quốc và đòi nước này phải bồi thường thiệt hại. Theo tờ Tapei Times thì tổng số tiền mà các nước đòi Trung Quốc phải bồi thường cho đến thời điểm hiện tại đã lên đến 42.719 tỷ USD.

Chẳng hạn, Tổng chưởng lý Bang Missouri, ông Eric Schmitt đòi Trung Quốc bồi thường thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD.  Một công ty luật ở Florida gần đây đã đệ đơn kiện tập thể chống lại Trung Quốc. Số lượng người tham gia đã vượt quá 10.000 và tổng số tiền khiếu nại là khoảng 6.000 tỷ USD.

Tại Anh, Hội Henry Jackson mới đây đã công bố một báo cáo, nói rằng có bằng chứng cho thấy Trung Quốc vi phạm trực tiếp luật pháp quốc tế, gây thiệt hại đáng kể cho Vương quốc Anh, rằng chính phủ Anh nên yêu cầu Trung Quốc bồi thường 6.500 tỷ USD... Dự kiến nhiều con đường thông qua tư pháp để yêu cầu Trung Quốc bồi thường thiệt hại. Hội cho rằng các nước G7 có thể kiện Trung Quốc, đòi bồi thường ít nhất 6.500 tỷ USD do để Covid-19 lây lan.

"Nếu Trung Quốc cung cấp thông tin chính xác trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này", Henry Jackson Society viết trong báo cáo "Bồi thường virus corona?". Tài liệu cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 10 điều luật, trong đó có Quy định Sức khỏe Quốc tế (IHR) vốn được siết chặt sau đại dịch SARS năm 2003. HJS khẳng định nỗ lực che giấu bệnh dịch của Bắc Kinh đã khiến Covid-19 lan khắp thế giới, khiến hơn 3 triệu người nhiễm, hơn 100.000 người chết và làm thiệt hại hàng nghìn tỷ USD. 

Theo Le Figaro dẫn nhiều lập luận của các luật sư cho rằng, về mặt luật pháp, việc kiện Chính phủ Trung Quốc không hề dễ dàng. Công cụ đầu tiên mà các Nhà nước có được là quy định về vệ sinh dịch tễ quốc tế, đó là Điều lệ Y tế Thế giới. Các nhà nước có nhiệm vụ phải hành động để phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây lan. Việc báo cáo đại dịch phải được nhanh chóng tiến hành, trên cơ sở các thông tin cụ thể và hoàn chỉnh. 

Thị trường chứng khoán toàn cầu thiệt hại vì dịch bệnh.
Thị trường chứng khoán toàn cầu thiệt hại vì dịch bệnh.

Thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc đã vi phạm các điều 6 và 7 của quy định này, vì đã không thông báo các dữ liệu cho thấy bằng chứng virus corona lây từ người sang người, đợi tới ba tuần lễ sau mới báo. Tuy nhiên trong IHR (International Health Regulations – Điều lệ Y tế Thế giới) không dự trù các biện pháp trừng phạt đối với các Nhà nước không tôn trọng quy định này. 

Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), cơ quan tư pháp chính của Liên Hiệp Quốc, có thể vào cuộc. Tuy nhiên, chỉ có những nhà nước tự nguyện chấp nhận quyền xét xử của cơ quan này mới phải tôn trọng phán quyết. Nói cách khác, khó thể có việc Trung Quốc chấp nhận thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế, trước nguy cơ bị kết án, và như vậy các bản án của tòa không thể thực hiện. 

Về phần Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) thì có thẩm quyền xét xử tội ác chống nhân loại. Hiện nay tòa đang thụ lý hai đơn kiện của các nhà nước thành viên có liên quan đến Covid-19. Một đơn nhắm vào các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đơn kia vào Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Các đơn này dựa vào điều 7 của Hiệp ước Roma, định nghĩa tội ác chống nhân loại là "một cuộc tấn công toàn diện hoặc có hệ thống vào thường dân", hay "các hành động vô nhân đạo"...

Người dân Thượng Hải đeo khẩu trang ra đường.
Người dân Thượng Hải đeo khẩu trang ra đường.

Tuy không thể khởi kiện ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế với tư cách pháp nhân (dành riêng cho các nhà nước), nhưng ngược lại các thể nhân vẫn có thể cung cấp thông tin cho tòa. Nếu công tố viên nhận định là nghiêm túc, thì tòa có thể mở điều tra trên cơ sở này.

Dù sao đi nữa, Bắc Kinh sẽ tìm mọi cách để trốn tránh trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật. Chẳng hạn, trước các đơn kiện từ Mỹ, trong cuộc họp báo ngày 22-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh các vụ kiện tập thể ở Mỹ là "phi lý" và "không có căn cứ pháp lý". "Những gì chính quyền Mỹ nên làm là bác bỏ và từ chối tiếp nhận các vụ kiện kiểu này", đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc chốt vấn đề.

Tuy nhiên, theo Le Figaro, các nước vẫn có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế và thuế quan. Bên cạnh đó là tấn công ngoại giao, và gây áp lực thường xuyên về mặt đạo đức, để buộc Trung Quốc phải trả giá cho hành động của mình đối với cộng đồng quốc tế.

Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton chia sẻ với kênh Fox ngày 20.4 rằng ông đang đề xuất dự luật cho phép tất cả nạn nhân của virus có thể kiện Chính phủ Trung Quốc và áp đặt biện pháp trừng phạt với những người che đậy thông tin. Nhận định về những biện pháp Mỹ có thể thực hiện để buộc Trung Quốc phải có trách nhiệm liên quan tới hậu quả của Covid-19, hai chuyên gia đến từ Trung tâm Nghiên cứu châu Á là ông Riley Walters và Dean Cheng chia sẻ trong bài viết trên trang web của tổ chức The Heritage.org rằng: Hành động pháp lý có lẽ là động thái nên thực hiện nhất dù kết quả có thể sẽ đến sau rất nhiều năm và chỉ khi có sự kết hợp của các hoạt động ngoại giao cẩn trọng. Bởi “đối đầu với Trung Quốc đã và luôn là thách thức lớn dai dẳng, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất trong chính sách ngoại giao của Mỹ trong hàng chục thập kỷ tới”, hai học giả nói thêm.