GDP của Ấn Độ dự kiến tăng 6,2-6,3% trong năm tài chính hiện tại. Ảnh: The Economic Times.

 
Lam Ngọc Thứ Ba | 31/10/2023 19:00

Ấn Độ sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030

S&P Global dự đoán kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản và Đức trong năm 2030 bằng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng.

Ấn Độ được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2030, xếp sau Mỹ và Trung Quốc. Hiện quốc gia này đang là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. Sau 2 năm liên tiếp (2021và 2022) có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, Ấn Độ đang tiếp tục cho thấy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ được duy trì trong năm 2023. Theo đó, công ty Dịch vụ Tài chính S&P Global cho rằng kinh tế Ấn Độ sẽ có quy mô khoảng 7.300 tỉ USD trong 7 năm nữa. 

 

GDP của Ấn Độ dự kiến tăng 6,2-6,3% trong năm tài chính hiện tại sẽ kết thúc vào tháng 3/2024, trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong năm nay. Theo các nhà phân tích của S&P Global, Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm 2023 và sang năm 2024 nhờ vào nhu cầu mạnh mẽ trong nước. Bên cạnh đó, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) ồ ạt đổ vào Ấn Độ trong những năm gần đây phản ánh triển vọng tăng trưởng dài hạn cho nền kinh tế nước này. 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ có thể đưa GDP Ấn Độ vượt qua Nhật Bản vào năm 2030, trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á - Thái Bình Dương. Không chỉ vậy, GDP của quốc gia Nam Á còn được dự đoán sẽ vượt Đức trong năm 2030. Theo S&P Global, GDP tính theo đồng USD của đất nước đông dân nhất thế giới sẽ tăng từ 3.500 tỉ USD năm 2022 lên 7.300 tỉ USD vào năm 2030.

Những dự đoán của S&P Global được đánh giá dựa trên cơ sở tương tự với năm 2022, thời điểm công ty dịch vụ tài chính đưa ra nhận định GDP Ấn Độ sẽ vượt Anh và Pháp để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Hiện tại, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, với GDP khoảng 25.500 tỉ USD, chiếm ¼ GDP toàn thế giới. Xếp thứ 2 là Trung Quốc với GDP 18.000 tỉ USD, tương đương 18% thế giới. Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng cách rất xa là 4.200 tỉ USD.

Về dài hạn, S&P Global khẳng định Ấn Độ có các điều kiện để sẵn sàng cho sự bùng nổ kinh tế. Thứ nhất, tầng lớp trung lưu tăng nhanh kéo theo sự gia tăng của nhu cầu tiêu dùng. Thứ 2, thị trường tiêu dùng nội địa đang phát triển nhanh chóng cùng các ngành công nghiệp trọng điểm biến Ấn Độ trở thành điểm đến ưa thích của nguồn đầu tư vào sản xuất, quá trình chuyển đổi năng lượng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến.

Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sôi nổi hiện nay của Ấn Độ sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành thương mại điện tử, qua đó thay đổi cục diện thị trường bán lẻ tiêu dùng trong thập kỷ tới. S&P Global cho rằng đây sẽ là yếu tố thu hút các công ty đa quốc gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ và thương mại đổ xô đến thị trường Ấn Độ.

Có thể bạn quan tâm:

A.I giúp các công ty công nghệ tăng gần 2.400 tỉ USD vốn hóa thị trường

Nguồn The Economic Times