Sau những cú sốc liên tiếp gây ảnh hưởng đến giá cả vào đầu những năm 2020, thị trường đã dần thích nghi với biến động. Ảnh: Alamy.

 
Hải Miên Thứ Hai | 29/01/2024 11:36

3 điều bất ngờ có thể gây chấn động thị trường hàng hóa vào năm 2024

Sau vài năm tăng ở mức 2 chữ số, chỉ số Hàng hóa Bloomberg, thước đo giá nguyên liệu thô, đã giảm hơn 10% vào năm 2023.

Trong khi Nga tiếp tục chiến sự Kyiv, các lệnh trừng phạt của phương Tây bắt đầu làm tê liệt dự án xuất khẩu khí đốt lớn nhất của Nga - Arctic LNG 2. Tại Biển Đỏ, nơi 10% lượng dầu vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua, các lực lượng Mỹ đang cố gắng đẩy lùi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthi ở Yemen. Vào ngày 3/1, các cuộc biểu tình ở địa phương đã đóng cửa hoạt động sản xuất tại một mỏ dầu quan trọng của Libya. Còn ở Amazon, hạn hán nghiêm trọng có nguy cơ cản trở việc vận chuyển ngô từ Brazil, nước xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới.

Thế nhưng trên khắp các thị trường hàng hóa, sự bình tĩnh bằng cách nào đó vẫn chiếm ưu thế. Sau vài năm tăng ở mức 2 chữ số, chỉ số Hàng hóa Bloomberg, thước đo giá nguyên liệu thô, đã giảm hơn 10% vào năm 2023. Giá dầu, ở mức dưới 80 USD/thùng, đã giảm 12% trong quý vừa qua và thấp hơn nhiều so với mức của năm 2022. Giá khí đốt ở châu Âu dao động gần mức thấp nhất trong 2 năm. Ngũ cốc và kim loại cũng rẻ. Các chuyên gia mong đợi nhiều điều tương tự trong năm nay. Vậy thì điều gì có thể làm xáo trộn thị trường?

Nguyên nhân đằng sau sự bình lặng

Sau những cú sốc liên tiếp gây ảnh hưởng đến giá cả vào đầu những năm 2020, thị trường đã dần thích nghi với biến động. Tuy nhu cầu bị kìm hãm bởi mức tiêu thụ hạn chế. Nhưng chính phản ứng của nguồn cung đối với giá cả tăng cao, dưới hình thức tăng sản lượng và tái cơ cấu dòng chảy thương mại, đã khiến thế giới ngày nay chống chịu tốt hơn. Trước bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng cảm thấy thoải mái vì mức cung của nhiều mặt hàng có vẻ tốt hơn kể từ cuối những năm 2010.

Chẳng hạn như dầu. Vào năm 2023, sản lượng từ các nước OPEC+ đủ để đáp ứng sự gia tăng nhu cầu toàn cầu. Điều này đã thúc đẩy liên minh cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 2% nguồn cung toàn cầu, nhằm bình ổn giá. Tuy nhiên, thị trường chỉ giảm thặng dư trong quý cuối cùng. 

Ở châu Âu, hoạt động mua sắm rầm rộ kể từ khi bắt đầu chiến tranh ở Nga và mùa Đông ôn hòa đã giúp duy trì mức dự trữ khí đốt ở mức khoảng 90% công suất, cao hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm. Giả sử thời tiết bình thường và không có biến động đáng kể, lượng dự trữ sẽ vẫn đầy gần 70% vào cuối tháng 3, theo dự đoán của công ty tư vấn Rystad Energy, và thậm chí dễ dàng vượt qua mục tiêu 45% của Ủy ban châu Âu trước ngày 1/2. Nguồn dự trữ dồi dào sẽ khiến giá khí đốt giảm, không chỉ ở châu Âu mà còn ở châu Á, từ đó khuyến khích việc chuyển đổi từ than sang khí đốt trong sản xuất điện ở khắp mọi nơi. Đồng thời giúp giảm giá than vốn đã giảm do sản lượng tăng mạnh ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Nguồn cung cấp lithium và niken được khai thác cũng đang bùng nổ; coban, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất đồng và niken, vẫn tăng mạnh, làm giảm giá kim loại xanh. Việc tăng cường trồng ngũ cốc và đậu nành (bên ngoài Ukraine) và thời tiết khắc nghiệt đang khiến các chuyên gia dự báo sản lượng đạt kỷ lục vào năm 2024-2025. Ngân hàng Hà Lan Rabobank cho biết, điều đó sẽ đẩy tỉ lệ dự trữ để sử dụng trung bình tại các nước xuất khẩu thực phẩm, yếu tố quyết định giá cả, từ 13% lên 16%, mức được ghi nhận ​​lần cuối vào năm 2018-2019.

Nguồn cung dồi dào cho thấy, nửa đầu năm sẽ trầm lắng. Sau đó, thặng dư có thể thu hẹp. Sản lượng dầu của các nước ngoài OPEC có thể chững lại. Sự chậm trễ tại một số dự án kho LNG của Mỹ, dự kiến ​​bắt đầu xuất khẩu vào năm 2024, sẽ cản trở nỗ lực bổ sung khí đốt của châu Âu. Đồng thời, giá ngũ cốc thấp sẽ làm giảm lợi nhuận của nông dân, ảnh hưởng đến việc trồng trọt. Trong bối cảnh đó, thị trường nhiều khả năng phải chịu nhiều cú sốc hơn, trong đó có 3 cú sốc nổi bật: kinh tế phục hồi mạnh mẽ, thời tiết xấu và căng thẳng quân sự.

3 yếu tố bất ngờ

Dù các nền kinh tế lớn có tránh được suy thoái hay không thì tốc độ tăng trưởng toàn cầu nhiều khả năng sẽ chậm lại, đồng nghĩa với việc nhu cầu nguyên liệu thô tăng trưởng khiêm tốn. Lạm phát dự kiến giảm, do đó thị trường hàng hóa cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn. Ngân hàng Liberum cho biết, ước tính GDP toàn cầu tăng trưởng 1% sẽ thúc đẩy nhu cầu hàng hóa thêm 1,5%.

 

Thời tiết bất thường sẽ có tác động sâu sắc hơn. Rystad tính toán, tình trạng đóng băng kéo dài có thể buộc châu Âu phải sử dụng thêm 30 tỉ mét khối khí đốt, tương đương 6-7% nhu cầu thông thường. Điều đó có thể thúc đẩy khu vực cạnh tranh mạnh mẽ hơn với châu Á về nguồn cung. Những yếu tố bất ngờ liên quan đến khí hậu sẽ gây nhiều xáo trộn hơn đối với thị trường lúa mì, đặc biệt là nếu nó ảnh hưởng đến Nga, nước xuất khẩu lớn nhất. Tuy các kho dự trữ đang được xả để bù đắp sự thiếu hụt, song, do mức tiêu thụ tăng, dự trữ lúa mì toàn cầu đang hướng tới mức thấp nhất kể từ năm 2015-2016.

Có 2 triệu thùng dầu thô và 4/5 lượng thực phẩm xuất khẩu của Nga được vận chuyển qua vùng Biển Đen mỗi ngày. Khi các cuộc chiến tiếp tục diễn ra, giá cả có thể bị đẩy lên cao, nhưng sản lượng tăng từ OPEC+ và áp lực quốc tế nhằm bảo vệ các chuyến hàng thực phẩm sẽ làm dịu thị trường. Ông Jorge León của Rystad cho biết, các đợt xung đột bùng phát ở Biển Đỏ, có thể khiến giá dầu tăng 15%, mặc dù điều này sẽ không kéo dài. Chiến tranh liên quan đến Iran và các quốc gia vùng Vịnh khác, nơi hiện nay hầu hết năng lực sản xuất chưa được sử dụng, sẽ thực sự gây ra hỗn loạn.

Có thể bạn quan tâm:

Tại sao Ấn Độ sẽ không phải là Trung Quốc thứ hai?

Nguồn The Economist