Thứ Năm | 24/01/2013 15:29

10 tài sản đầu tư có thể tốt hơn cả vàng

Trong bối cảnh vàng không còn mang lại nhiều lợi nhuận như trước, các nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc chuyển hướng sang các loại tài sản quý khác.
Có thể nói, vàng từ lâu luôn là nơi trú ẩn lý tưởng cho các nhà đầu tư, trong bối cảnh những lo ngại ngày càng tăng về khủng hoảng châu Âu bùng phát trở lại và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng nới lỏng tiền tệ, đe dọa đến triển vọng của các loại tài sản, từ chứng khoán cho đến tiền mặt.

Tuy nhiên, khi tình hình tại châu Âu bắt đầu đi vào kiểm soát và tăng trưởng toàn cầu bắt đầu ấm trở lại, các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm đến những loại tài sản khác bởi vàng không còn làm được nhiều cho họ ở thời điểm này.

Thậm chí, đối với nhiều nhà đầu tư đang tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn từ cổ phiếu hoặc trái phiếu, có nhiều loại tài sản còn tỏ ra hấp dẫn hơn vàng, đặc biệt là đối với các thương nhân. Những loại tài sản này hiếm hơn, do đó cũng có giá cả cao hơn. Cùng một khối lượng bằng với vàng, song giá trị của chúng lại lớn hơn gấp nhiều lần.

Có thể kể đến trong số này như kim cương, các đồ trang sức cổ điển được bán với giá cắt cổ tại những buổi đấu giá di sản lớn. Hay những thứ khác hiếm hoi hơn như đá mặt trăng hay những tác phẩm nghệ thuật thời phục hưng hay trung cổ - chúng hẳn nhiên không nhiều như bằng vàng song giá trị lại lớn hơn vàng hàng chục thậm chí hàng trăm lần.

Bên cạnh những thứ được liệt vào loại "kho báu" đó, còn có một số kim loại quý khác có thể thay thế vàng chẳng hạn như bạch kim và palladium, hai nguyên liệu không thẻ thiếu của ngành công nghiệp.

Trong điều kiện kinh tế ổn định, những loài tài sản kể trên có thể làm tốt hơn vàng - thứ tài sản có giá trị phụ thuộc vào nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư.

Dưới đây là danh 10 loại tài sản đầu tư có thể tốt hơn vàng:

1. Kim cương
Không thể phủ nhận kim cương là một trong những loại đá quý hiếm và đắt nhất, do đó có thể hiểu vì sao các nhà đầu tư tỏ ra rất thích thú với kim cương.

Theo giám đốc về trang sức mỹ nghệ tại công ty đấu giá di sản Heritage Auctions, bà Jill Burgum, nhiều nhà đầu tư đã không còn tin vào bất động sản, thị trường chứng khoán và vàng khi chúng chững lại, do đó họ tìm tới một giải pháp thay thế tuyệt vời hơn, đó chính là kim cương.

Bà Burgum cho biết khi nhà đầu tư mua vào những viên kim cương lớn với chất lượng tốt nhất, họ đang trả cho mình một khoản phí bảo hiểm với độ an toàn cao. Trong cuộc đấu giá di sản mới đây, một viên kim cương lục bảo có trọng lượng 9,26 carat đã được bán với giá lên tới 902 nghìn USD, tương đương 487,3 nghìn USD/gram - cao gấp 9.125 lần so với giá của vàng (có giá 53,40 USD/gram).

Đó là mức giá dành cho 1 viên kim cương cực kỳ quý hiếm, được chế tác hoàn hảo bằng tay và tinh khiết về mặt hóa học. Đối với những viên kim cương bình thường khác, giá cũng xấp xỉ khoảng 10.000 USD. 1 chiếc vòng kim cương 1,89 carat có giá là 8.750 USD, tương đương 23.150 USD/gram.

2. Các loại trang sức nghệ thuật cổ

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Các đồ trang sức cổ không chỉ lưu giữ được giá trị theo thời gian mà thậm chí còn đắt hơn so với vàng. Chẳng những thế giá cả của chúng có thể tăng tiến theo thời gian sau chế tác. Chẳng hạn, một đồ trang sức cổ từ những năm 1900 sẽ có giá cao hơn vàng miếng, và giá cũng sẽ cao hơn nhiều lần sau mỗi năm.

Trong buổi đấu giá mới đây, một đồ trang sức nghệ thuật được trang trí bằng kim cương, ruby và bạch kim đã được bán với giá 14.340 USD, tương đương 2.750 USD/gram, đắt gấp 50 lần so với vàng.

Bên cạnh đó, những đồ trang sức kiểu này không phải là sản phẩm có thể chế tác hàng loạt, do đó dĩ nhiên chúng sẽ hiếm và quý hơn vàng.

3. Đá mặt trăng

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Ở Mỹ, sẽ là bất hợp pháp nếu sở hữu một viên đá mặt trăng được lấy từ không gian, song điều đó chỉ làm tăng thêm sức quyến rũ cùng độ quý hiếm của thứ đá quý này. Nó cũng là lý do giải thích vì sao đá mặt trăng có thể là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận nhiều hơn vàng trong dài hạn.

Vậy đá mặt trăng có nguồn gốc từ đâu và làm thế nào có được chúng trên Trái Đất? Từ rất lâu trước đây, các tiểu hành tinh liên tiếp va chạm với mặt trăng, tạo thành những thiên thách. Và các kỹ thuật hiện đại có thể bóc tách đá mặt trăng từ những thiên thạch như vậy.

Trong cuộc đấu giá mới đây, một hòn đá thiên thách có giá dao động từ 185 USD đến 3.400 USD/gram, so với 53,40 USD/gram của vàng. Như vậy, đá mặt trăng có giá trị gấp 3,5 cho đến 64 lần so với vàng.

Tuy nhiên, đầu tư vào đá mặt trăng bị xem là khá rủi ro, bởi nguồn cung cấp chúng có thể tăng lên khi các nhà khoa học tiếp tục khám phá thêm nhiều thiên thạch. Song hiện tại chúng vẫn được xếp vào loại đá quý hiếm.

4. Thiên thạch Gibeon

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Cũng như đá mặt trăng, thiên thạch Gibeon cũng là loại đá quý từ bầu trời. Thiên thạch Gibeon có vẻ đẹp của sắt và nikel, được ẩn giấu hàng nghìn năm tại cách đồng thiên thạch ở Namibia, nằm sâu dưới lòng đất và định hình theo thời gian. Do đó, càng lâu chúng càng có hình dạng đẹp. Có thể nói, thiên thạch ở Namibia là những tác phẩm điêu khắc hoàn mỹ.

Tại cuộc đấu giá tháng 10 năm ngoái, một thiên thạch Gibeon có giá từ 50 cent cho đến 6,90 USD/gram, thấp hơn khá nhiều so với vàng. Song vì đây là loại đá khá hiếm và độc đáo, nên có rất nhiều người sẵn sàng trả giá cao để sở hữu nó.

Hãy thử tưởng tượng, trong 10 năm nữa, những thiên thạch Gibeon sẽ có giá bao nhiêu? Một chuyên gia tại Heritage Auctions cho biết: "Điều đó giống như một người sẵn sàng trả 1.800 USD cho một cuốn truyện tranh được xuất bản với số lượng giới hạn vào năm 1975, và đến năm 2012, nó sẽ có giá lên tới 100.000 USD".

5. Các tác phẩm hoạt hình cổ
Trong cuộc đấu giá mới đây, một đĩa phim hoạt hình bán tại Disneyland vào giữa những năm 1950 với giá 1,25 USD đã được trả giới hơn 25.000 USD. Điều đó có nghĩa giá của những tác phẩm như vậy đã tăng tới gần 2 triệu %, nhanh hơn rất nhiều so với vàng (chỉ tăng 4.643% trong cùng khoảng thời gian đó).

Tất nhiên, để có được lợi ích khổng lồ từ những sản phẩm này, bạn cần phải hội tụ đủ 2 yếu tố: 1. Bạn phải là người nhanh nhất sở hữu tác phẩm quý hiếm đó; 2. Tác phẩm đó phải đủ lâu để được công nhận là tác phẩm cổ.

6. Túi xách hàng hiệu thiết kế bằng tay

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng


Được làm hoàn toàn bằng tay tại Pháp với các chất liệu quý hiếm như da bê, cá sấu hoặc da đà điểu, túi xách hiệu Hermès Birkin là một trong những túi hàng hiệu đắt giá và bán chạy nhất thế giới.

Một chiếc túi Hermès Birkin làm từ da cá sấu có giá từ 30.000 đến 90.000 USD, giám đốc về hàng hiệu và phụ kiện cao cấp tại Heritage Auctions, ông Matthew Rubinger, nói. Phiên bản mới nhất của loại túi này dù được làm từ chất liệu ít quý hiếm hơn song cũng có giá từ 7.000 tới 15.000 USD.

Bên cạnh đó, những chiếc túi hiệu Hermès Birkin còn được điểm suyết bởi những chất liệu hiếm như bạch kim và kim loại mạ vàng. Giá trị của những chiếc túi như vậy không nằm ở vàng, và nằm ở chất lượng, độ bền và thiết kế cổ điển từ thập niên 1980. "Những tác phẩm nghệ thuật đó có thể dùng trong mọi mùa, và nó khiến người mang nó trở thành những tỷ phú", ông Rubinger nói.

Ngoài ra, những chiếc túi Hermès Birkin chỉ sản xuất với số lượng hạn chế cho mỗi phiên bản, một phần trong chiến lược tiếp thị nhằm làm tăng giá trị của túi. Để sở hữu một chiếc, khách hàng phải đặt hàng và đặt cọc từ trước đó rất lâu hoặc phải là khách hàng ruột của Hermès, ông Rubinger cho biết.

7. Bạch kim

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Dù khá mạo hiểm khi đầu tư vào bạch kim, song chúng cũng là một lựa chọn không tồi thay thế cho vàng. Bạch kim có tính chất khá giống vàng, như được sử dụng phổ biến trong các đồ trang sức và là loại kim loại dự trữ trong trường hợp tiền tệ mất giá.

Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt giúp bạch kim có lợi nhuận cao hơn vàng. Điển hình là năm 2013, giá bạch kim thế giới đã tăng tới 25%.

Điểm khác biệt lớn nhất đó là, không giống vàng, bạch kim chủ yếu được khai thác ở Nam Phi, nơi có nguồn cung bị đe dọa cao. Điểm khác biệt thứ 2 chính là tình trạng lao động bất ổn ở Nam Phi khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài hạn chế đầu tư vào khai thác bạch kim ở đây. Cuối cùng, nếu một trong số những vấn để kể trên đột ngột tăng, việc sản xuất bạch kim có thể bị gián đoạn hoặc ngừng lại.

Do tình trạng khai thác yếu của Nam Phi, nguồn cung bạch kim luôn trong tình trạng thiếu hụt. Trong năm 2012, nhu cầu bạch kim thế giới là 6,2 triệu ounce, trong khi nguồn cung chỉ có 400.000 ounce. Do đó, giá bạch kim có thể vọt từ 1.630 USD/ounce hiện tại lên 2.000 USD/ounce vào cuối năm 2014.

8. Palladium

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Giống như bạch kim, palladium được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp nhiều hơn so với vàng, đặc biệt là trong ngành sản xuất ô tô. Do đó, nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng, và nhu cầu tiêu thụ ô tô được cải thiện, chắc chắn nhu cầu palladium thế giới sẽ tăng mạnh.

Bên cạnh đó, những bất ổn ở những quốc gia cung cấp cũng là nguyên nhân khiến giá palladium tăng mạnh. Các nước cung cấp palladium chủ yếu là Nam Phi, nơi có tình trạng đình công thường xuyên, và Nga, quốc gia đang có nguồn dự trữ palladium giảm dần.

Giá palladium gần đây là 685 USD/ounce, song có thể vượt qua mốc 1.000 USD/ounce trong những năm tiếp theo, các chuyên gia nhận định.

9. Rhodium

10 tài sản quý hiếm có thể thay thế vàng

Rhodium là loại kim loại quý màu trắng bạc, được sử dụng chủ yếu trong các bộ chuyển đổi xúc tác dùng trong ô tô. Hầu hết rhodium được sản xuất tại Nam Phi. Với 2 lý do này, có thể hiểu vì sao Rhodium lại trở thành một kim loại quý có thể thay thế vàng.

Năm 2013, sản lượng sản xuất ô tô toàn cầu dự kiến lên đến 82,7 triệu xe, do đó nhu cầu rhodium chắc chắn còn lên cao hơn nữa, chưa kể những bất ổn tại Nam Phi có thể khiến nguồn cung cấp bị giới hạn.

Giá rhodium hiện nay xấp xỉ 1.100 USD/ounce, song có thể lên tới 1.200 USD/ounce trong vài tháng tới nếu nhu cầu vượt quá cung.
10. Đồng
Có thể nói, đồng là một trong những kim loại hiếm hoi ít bị tác động bởi khủng hoảng tài chính, với giá tăng đều đặn lên 4,50 USD/pound so với 1,30 USD trong năm 2009.

Kể từ năm 2010, có thời điểm đồng giảm xuống còn 3,60 USD/pound do những lo ngại về tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và những thị trường mới nổi, kèm theo đó là những vấn đề kinh tế ở châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, tăng trưởng Trung Quốc và thị trường mới nổi có dấu hiệu ấm trở lại, trong khi khủng hoảng châu Âu được cải thiện hơn và kinh tế Mỹ dự kiến sẽ ổn định hơn, đã giúp tâm lý các nhà sản xuất và xây dựng ổn định hơn, qua đó giúp nhu cầu đồng tăng trở lại.

Nguồn MSN/Khampha


Sự kiện