Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures.

 
Thứ Tư | 28/09/2022 09:36

Giám đốc Điều hành Do Ventures: Dòng vốn lớn sẽ tiếp tục đổ vào startup trong các ngành cốt lõi

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures cho biết các startup Việt Nam đã có sự thay đổi cả chất và lượng sau một thập kỷ hình thành.

2 năm qua là khoảng thời gian có nhiều biến động đến nguồn vốn vào các công ty khởi nghiệp khi thị trường chịu 2 sự tác động lớn: việc điều chỉnh khẩu vị đầu tư từ các quỹ hàng đầu như SoftBank và ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn ghi nhận những cột mốc ấn tượng về nguồn vốn đổ vào các công ty khởi nghiệp công nghệ (tech startup).

Theo đánh giá của bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures, các startup Việt Nam đã có sự thay đổi cả chất và lượng sau một thập kỷ hình thành. Thành lập năm 2020, thời điểm dịch bệnh bắt đầu ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế toàn cầu nhưng trong gần 2 năm qua, Do Ventures luôn nằm trong nhóm các quỹ đầu tư hoạt động năng động nhất.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Điều hành Do Ventures.

Vậy với các nền tảng đạt được trong thời gian qua, dòng vốn đầu tư tech startup sẽ như thế nào? Các thế hệ tech startup nào được quan tâm sau dịch bệnh? Nhịp Cầu Đầu Tư đã trao đổi với bà Lê Hoàng Uyên Vy xung quanh các vấn đề này. 

Theo quan sát của Do Ventures, tình hình vốn đầu tư vào tech startup ở Việt Nam trong 2 năm qua như thế nào và cơ sở đó cho chúng ta thấy điều gì trong tương lai? 

Trong năm 2019 tổng vốn đầu tư vào tech startup ở Việt Nam đạt 874 triệu USD. Năm 2020 do ảnh hưởng dịch bệnh nên thị trường khá trầm lắng, trong khi năm 2021 hồi phục trở lại đạt hơn 1 tỉ USD. Con số trên không bao gồm những thương vụ không công bố. Cũng nói thêm về cách thức thống kê của chúng tôi, những trường hợp bán cổ phần sẽ không được tính, tương tự trường hợp các công ty holding gọi vốn cũng vậy. 

Việc bóc tách như thế cho thấy sự tăng trưởng về nguồn vốn huy động đã rất khác so với 5 năm trước và Việt Nam cũng đã hình thành nhiều hơn một kỳ lân. Nếu như trước đây chỉ có VNG thì giờ đã có VNLIFE hay MoMo.

Trong năm 2022, Đông Nam Á vẫn hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư tech startup vì việc đầu tư vào Trung Quốc hiện cũng bị hạn chế phần nào. Phân tích sâu hơn, ở Đông Nam Á, do Indonesia đã quá “đông đúc” các kỳ lân nên Việt Nam được hưởng lợi vì nhiều yếu tố như thị trường mới, nền kinh tế đã quen với COVID-19, cuộc sống người dân đã dần ổn định…

Mặc dù vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng nhất định bởi dịch bệnh, ví dụ như lao động vẫn chưa trở lại thành phố như thời điểm trước dịch… Nhìn chung, chúng tôi đánh giá năm 2022 có 2 kịch bản. Một là dòng vốn vào startup vẫn tăng trưởng tốt. Hai là nếu bị ảnh hưởng, thì do có độ trễ nhất định nên khoảng quý III/2022 Việt Nam sẽ bắt đầu bị tác động. Các vòng gọi vốn lớn sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhưng dù xảy ra kịch bản nào, chúng tôi tin rằng thị trường đầu tư mạo hiểm 2 quý đầu năm 2022 vẫn tiếp tục sôi động.

Khẩu vị nhà đầu tư trước và sau dịch bệnh có thay đổi không, thưa bà?

Các ngành cốt lõi như logistics (giao vận), fintech (công nghệ tài chính), e-commerce (thương mại điện tử) vẫn sẽ luôn nhận được sự quan tâm. Chúng tôi tin rằng dòng vốn lớn nhất vẫn sẽ tiếp tục đổ vào các ngành này trong thời gian tới.

Sự thay đổi dễ nhận ra nhất trong khẩu vị của nhà đầu tư là mô hình kinh doanh. 10 năm trước trong lĩnh vực thương mại điện tử, dòng tiền sẽ đổ vào các sàn thương mại điện tử truyền thống. Tuy nhiên, hiện nay khi thị trường này đã định hình rồi, vốn sẽ đổ vào các mô hình mới hơn như social commerce. Chúng ta cũng thấy trong thời gian qua đã có một số thương vụ được xướng tên như ON, Mio hay Selly.

Tương tự như vậy với fintech, dòng vốn sẽ không đổ vào các công cụ thanh toán trực tuyến mà chảy vào ngành dọc như quản lý đầu tư, hay các hình thức mua trước, trả sau, ứng lương, hay cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Xu hướng tech startup đã được hình thành ở Việt Nam 10 năm qua. Bắt đầu từ con số 0 cho đến bây giờ, chúng ta đã đạt được gì và cần phải cải thiện những gì, thưa bà?

Chỉ mới 5 năm trước thôi chúng ta không có nhiều công ty lớn dẫn dắt thị trường thì nay đã có khá nhiều. Các công ty này bắt đầu quay lại đầu tư vào startup, ví dụ như trường hợp của VNG và MoMo trong thời gian qua.

Nhiều công ty truyền thống cũng thành lập đơn vị đầu tư, thậm chí cả công ty gia công phần mềm cũng tham gia thị trường đầu tư. Đây là dấu hiệu tốt vì những công ty này sở hữu yếu tố synergy (tương tác) cao hơn so với các nguồn đầu tư bên ngoài. Lấy ví dụ, về lý thuyết khi VNG đầu tư vào các startup thì họ có thể dễ dàng tiếp cận tập khách hàng từ Zalo và ngược lại, Zalo cũng có thể tạo thêm giá trị cho người dùng từ những startup mà VNG đã đầu tư.

Thứ 2 là nhân tài, ở đây bao gồm những người làm kinh doanh và người làm sản phẩm. Ngày trước rất khó tìm kiếm các nhân tài như vậy, nhưng nay đã có nhiều hơn những người tài với tư duy về sản phẩm khách hàng tốt hơn rất nhiều. Hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp cũng hoàn thiện hơn, có các tổ chức đứng ra kết nối những người chuyên kỹ thuật và chuyên kinh doanh ngồi lại với nhau để tạo thành một đội ngũ hoàn chỉnh.

 

Một yếu tố quan trọng khác là nguồn vốn. Chỉ mới 5 năm trước, cả nước huy động 100 triệu USD/năm đã là thành công lắm rồi, nay đã lên hơn 1 tỉ USD/năm. Thứ đến là nguồn tiền lúc đó chỉ đổ vào doanh nghiệp lớn, các công ty nhỏ rất khó gọi vốn do các quỹ đầu tư lúc đó chưa có niềm tin, họ chỉ đầu tư vào những mô hình đã thành công ở nước ngoài và dẫn đầu thị trường Việt Nam. Giờ đây nguồn vốn đã dồi dào hơn, các startup với nhiều ý tưởng táo bạo cũng bắt đầu được quan tâm. Đây là tín hiệu rất tốt.

Chúng tôi quan sát, trong khu vực Đông Nam Á, có những năm số thương vụ gọi vốn ở Việt Nam đứng thứ nhì chỉ sau Indonesia. Về vốn huy động, chúng ta luôn đứng thứ 3 sau Singapore và Indonesia. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn một số điểm cần cải thiện. Đầu tiên là nguồn vốn cho các vòng Early Stage (các vòng đầu tư khi startup chỉ mới hình thành). Đây là vòng có tỉ lệ rủi ro cao nhất nên nhiều quỹ không mặn mà, dù đã có thêm nhiều quỹ tham gia so với 10 năm trước. Vẫn còn nhiều khoảng trống cần lấp đầy để tạo nền tảng vững chắc cho toàn bộ hệ sinh thái.

Thứ 2 là việc đào tạo vẫn chưa theo kịp nhu cầu thị trường. Nếu Việt Nam muốn trở thành một trung tâm công nghệ ở Đông Nam Á, cần đầu tư mạnh hơn vào đào tạo nhân tài. Hiện đã có nhiều startup đào tạo lập trình được hình thành ở Việt Nam và đang là nhóm được nhà đầu tư quan tâm, tuy nhiên quy mô vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đó có phải là lý do khiến nhân sự công nghệ khan hiếm trong thời gian qua? Và chúng ta có thể học được bài học nào từ các quốc gia đi trước?

Nguyên nhân dẫn đến việc khan hiếm nhân sự công nghệ trong thời gian qua là do nhu cầu tuyển dụng tăng mạnh từ 3 nhóm công ty: startup, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp blockchain. Nhóm 1 là các startup công nghệ trong và ngoài nước đẩy mạnh hoạt động, sau khi nhận thêm vốn sẽ tái đầu tư vào công nghệ và thu hút nhân tài. Nhóm 2 là các tập đoàn kinh tế lớn như Sovico, Nova Group cũng đã lập bộ phận công nghệ chuyên sâu để phát triển sản phẩm công nghệ riêng cho hệ sinh thái. Nhóm 3 là các doanh nghiệp blockchain trong thời gian vừa qua cũng rất quyết liệt tuyển dụng để xây dựng sản phẩm. 

Trên thực tế, đây là vấn đề chung của nhiều quốc gia và ngay cả các công ty công nghệ hàng đầu thế giới vẫn luôn thiếu người. Để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác của khối nhà nước và tư nhân trong việc đào tạo đội ngũ kỹ sư công nghệ. Việt Nam đang bước đầu làm việc đó, nhiều startup trong lĩnh vực này đang được chú ý đến như MindX (đã gọi vốn 3,5 triệu USD), CoderSchool (đã gọi vốn 2,6 triệu USD). Chúng ta có thể kỳ vọng các startup này sẽ góp phần giúp hạ nhiệt thị trường trong thời gian tới. 

Có ý kiến cho rằng Việt Nam đang có lợi thế vì chi phí để tạo ra kỳ lân ở các quốc gia khác trong Đông Nam Á đã quá cao. Bà đánh giá như thế nào về nhận định này?

Đúng là Việt Nam có nhiều lợi thế về giá như chi phí nhân sự thấp hơn, nền kinh tế còn nhiều dư địa phát triển. Nhưng để tạo ra kỳ lân thì còn nhiều yếu tố khác, ví dụ như thị trường Việt Nam đang được đánh giá chưa cao nên cùng công ty, cùng vòng gọi vốn, các công ty Indonesia sẽ được định giá cao hơn.

 

Thứ đến là yếu tố thời gian, Việt Nam cần 10 năm để tạo ra kỳ lân, còn Indonesia đôi khi chỉ cần 3-4 năm.

Nhìn chung, Việt Nam vẫn có lợi thế để tạo ra kỳ lân, nhưng để thật sự hiệu quả, chúng ta cần phải xây dựng được các sản phẩm có giá trị, sức lan tỏa thì mới thật sự phát huy được những lợi thế này.

Nhưng với hệ sinh thái hỗ trợ tech startup đang phát triển, có thể thế hệ kỳ lân mới Việt Nam không cần mất đến 10 năm để tạo ra, thưa bà?

Về cột mốc thời gian để tạo ra kỳ lân, chúng tôi xin không bình luận. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng xu hướng tạo kỳ lân sẽ diễn ra nhanh hơn trong trong thời gian tới vì quy mô gọi vốn, hệ sinh thái và nguồn nhân lực ở Việt Nam đã cải thiện hơn rất nhiều so với 10 năm trước. 

Vốn là người gia nhập trào lưu khởi nghiệp ở Việt Nam từ khá sớm khi chưa có kỳ lân nào cho đến hôm nay, bà có thể chia sẻ quan điểm của bà về hành trình săn kỳ lân ở Việt Nam trong thời gian qua?

Khái niệm kỳ lân là cột mốc quan trọng dành cho cả doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đối với doanh nghiệp startup, đó là minh chứng cho thấy sản phẩm được thị trường chấp nhận, có quy mô đủ lớn. Còn đối với các quỹ đầu tư, đã là đầu tư thì họ cũng mong muốn khoản đầu tư đó tạo ra giá trị cho xã hội.

Việt Nam cần nhiều kỳ lân để thu hút nhiều nhà đầu tư hơn nhằm tăng vị thế của quốc gia so với khu vực. Bên cạnh đó, khái niệm kỳ lân cũng thu hút nhiều nhân tài tham gia hơn vào thị trường startup, từ đó tạo ra nhiều việc làm hơn cho xã hội.

Phân định rõ như vậy để chúng ta không nên quá lạm dụng khái niệm này, nhất là các startup không nên coi kỳ lân là đích đến cuối cùng. Trên thực tế, nhiều công ty đạt đến vị thế kỳ lân vẫn bị mất vị thế, vẫn gặp khó khăn, như WeWork chẳng hạn. 

5 ngành có thể thu hút vốn trong thời gian tới, bà nghĩ đó là những ngành nào?

Một là các công ty cung cấp phần mềm như dịch vụ (SaaS). 

Hai là healthcare (y tế từ xa, dịch vụ mua bán thuốc trực tuyến). 

Ba là giáo dục. 

Bốn là commerce (social commerce, D2C (direct to customer), livestream). 

Năm là fintech.