Thứ Tư | 16/04/2014 09:48

2014: Mặc hàng hiệu phải có logo

Mốt đồ hiệu in hoặc đính kèm logo đang quay trở lại rầm rộ trong làng thời trang năm nay theo những cách mới nhẹ nhàng hơn.
Từ trái qua: Bộ sưu tập Xuân/Hè 2014 của Alexander Wang, Missoni và DKNY.
Từ trái qua: Bộ sưu tập Xuân/Hè 2014 của Alexander Wang, Missoni và DKNY.

Những món đồ hiệu in logo nổi bật hoặc đính logo phô trương tưởng chừng có thời biến mất, nay đang quay lại mạnh mẽ và liên tục xuất hiện. Các logo hàng hiệu đang trở lại trên rất nhiều áo sơ-mi, áo phông, túi xách hay bất kỳ món đồ thời trang nào, "các nhà thiết kế đang làm sống dậy trào lưu này", tờ Financial Times nhận định.

Bà Dana Thomas, tác giả cuốn "Deluxe: How Luxury Lost Its Lustre" cho biết "Logo trở lại, đặc biệt là những logo được dùng một cách táo bạo, hiện đang làm thị trường khuynh đảo. Các nghệ sĩ trẻ, cả trong ngành âm nhạc lẫn thời trang, đang lấy cảm hứng từ những năm 1980, thời đại mà người ta phát điên phát cuồng vì logo". Trong năm nay, thiết kế với logo đang có xu hướng nhẹ nhàng hơn, mềm mại hơn và thậm chí hài hước hơn.

Body-painting trên người siêu mẫu Edie Campbell trong bộ sưu tập Swan Song của Marc Jacobs. ("Khúc Hát Thiên Nga" hay Swan Song là một hình ảnh ẩn dụ chỉ sự xuất hiện, trình diễn lần cuối của ai đó trước công chúng.)
Nhà thiết kế người Mỹ Alexander Wang đang náo nức ứng dụng mốt thời trang logo. Anh sử dụng công nghệ cắt laser để đưa tên thương hiệu mình lên các sản phẩm váy áo da, áo phông và chân váy trong bộ sưu tập mùa xuân. Hãng DKNY, logo xuất hiện liên tục trên các dòng áo khoác, chân váy hay áo len.

Riêng trong "Khúc hát thiên nga", bộ sưu tập cuối cùng Marc Jacobs dành cho thương hiệu Louis Vuitton, khép lại 16 năm sự nghiệp của ông tại Louis Vuitton, cũng khai mạc với một người mẫu được vẽ body-painting với nhiều chữ cái chi chít trên cơ thể. Những chữ cái này được lấy cảm hứng từ các chữ cái trong tên Louis Vuitton.

Và trong 4 mùa thời trang gần đây, thương hiệu Kenzo liên tục để logo của hãng và hình ảnh chú hổ xuất hiện trên đủ loại áo khoác, mũ phớt, túi xách và cả ví cầm tay - và giới thời trang thực sự hài lòng với điều này.

Các hãng thời trang đang tự vận dụng khái niệm lạm dụng thương hiệu (brand-jacking) của chính mình một cách rất nhuần nhuyễn và khôn ngoan nhờ tiếp nối thành công từ các tiền lệ. Trong tháng 11 năm ngoái, hiện tượng âm nhạc người Sri Lanka-Anh M.I.A với phong cách hầm hố, có chút nổi loạn ngầm bắt tay cùng thiết kế bộ sưu tập mới cho dòng sản phẩm Versus.

Một mẫu thiết kế trong bộ sưu tập Versus Versace.
Lấy cảm hứng từ những sản phẩm làm nhái của Versace được bày bán trên đường phố London nơi M.I.A lớn lên, bộ sưu tập kết hợp hoàn hảo sự hào nhoáng của thương hiệu Ý và nét phóng khoáng của thời trang đường phố. Nữ rapper sử dụng hình ảnh logo của Versace, cặp chiếc chìa khóa Hy Lạp cổ, cùng huy chương vàng chói và những con chữ Sanskrit (một loại chữ cổ) in chồng chéo lên nhau có chủ đích, biến hóa đầy sáng tạo. Tất cả tạo nên 19 mẫu thiết kế góc cạnh, đầy năng lượng.

Nhiều ứng dụng logo thời trang cũng đang được các thương hiệu sử dụng triệt để hơn. Các thương hiệu không đơn thuần để logo của mình lẻ loi, mà còn kết hợp chúng với những cái tên phổ biến như Coca-cola (chữ Co-cola xuất hiện trên các áo vải xê-quin của hiệu Ashish), McDonald's (chữ này xuất hiện liên tục trong bộ sưu tập Thu/Đông của hãng Moschino).

Một quản lý cấp cao tại công ty Net-a-Porter cho hay, "Các khách hàng trong độ 30-40 tuổi của chúng tôi đang phối kết hợp các loại logo khi mặc đồ thời trang cao cấp". "Ngoài ra, sở hữu những món đồ thời trang in rõ logo cũng là một cách hay ho mà người trẻ chứng tỏ họ không chỉ mua một chiếc áo, mà còn mua được cả thương hiệu của nó. Và đối với những ai từng biết đến cơn nghiện đồ thời trang in logo, chúng dễ nhắc họ nhớ về điều gì đó xưa cũ. Các bộ sưu tập trong vài mùa gần đây còn cho thấy thời trang logo sẽ còn tiếp tục xuất hiện ở đồ thể thao và thời trang đường phố".

Áo phông hiệu McQ Alexander McQueen, giá 95 bảng Anh và áo dài tay hiệu Kenzo, giá 308 bảng Anh.
Trào lưu Instagram xuất hiện cũng giúp đẩy trào lưu logo đi theo nhiều hướng mới. Xu hướng gần nhất là thời trang logo in đơn giản, cứng cáp hoàn toàn thích hợp với các xu hướng liên quan đến truyền thông kiểu mới như truyền thông xã hội (social media), bởi chúng dễ chia sẻ và dễ nhận ra.

Chính vì thế các thương hiệu đang bám chặt lấy các kênh kỹ thuật số có thể giao lưu, đối thoại được. Không chỉ Instagram, Facebook hay mọi mạng xã hội khác đang sử dụng các hình ảnh chụp "tự sướng" (selfie). Ví dụ, tháng Hai vừa qua hãng Calvin Klein đề nghị loạt người nổi tiếng và nhân vật quyền lực như siêu sao Kendall Jenner, siêu mẫu Miranda Kerr, hay biên tập viên thời trang nổi danh Leandra Medine hợp tác cùng hãng. Calvin Klein mời những nhân vật này chụp ảnh họ mặc quần lót CK 1990s, có logo xuất hiện ở eo quần và đăng tải lên trên mạng, đi kèm thẻ hashtag #mycalvins. Sau đó, một hiệu ứng tích cực xảy ra liên tục khi hàng ngàn người dùng trung thành của Calvin Klein và người hâm mộ các nhân vật trên tham gia trào lưu này bằng cách tự đăng tải ảnh của bản thân họ.

Chỉ trong
Tài khoản mạng xã hội của Kendall Jenner đạt hàng triệu lượt "like" chỉ trong 3 ngày.

Quay trở về những năm 1960, nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol không chỉ nổi tiếng với nghệ thuật đại chúng, ông còn là người hiểu về việc phát triển thương hiệu sâu rộng nhờ logo. Bức tranh Campbell's Soup Cans (Những hộp súp của Công ty Campbell) là một trong những thứ khẳng định danh tiếng Warhol trong suốt thời gian này. Cho tới những năm 1980, các thương hiệu xa xỉ phẩm toàn cầu cũng ứng dụng trào lưu logo đầu tiên trên các áo hip-hop và trải qua nhiều lần nhào nặn khác của giới nghệ thuật.

Đến hiện tại, làn sóng nghiện logo mới nhất trong năm nay có nghĩa gì? Giám đốc thương hiệu thời trang Anh, Liberty of London, Ed Burstell, cho rằng "Chuyện này chẳng có gì mới và thực sự thiếu ý tưởng mới. Thời trang logo đã trở nên tuyệt vời và chạy ngầm từ vài năm nay. Tôi nghĩ đây chỉ là một kiểu bình cũ rượu mới".

Tuy nhiên, một cửa hiệu thời trang chuyên về đồ vintage ở London khẳng định rằng "Khách hàng sẵn sàng chi nhiều tiền cho món đồ nào đó có logo. Trang sức của Chanel từ những năm 1980 là điển hình - món đồ này chỉ thực sự bán logo của nó. Người ta vẫn không phủ nhận rằng họ muốn ai đó trên phố nhanh chóng nhận ra họ đang mặc hàng hiệu nào".

Với một số chuyên gia thời trang khác, lời khuyên dành cho người tiêu dùng là "Khi xem xét mua hàng hiệu, nên đầu tư vào những sản phẩm ít được sản xuất/bán đại trà".

Túi Chanel 1980, giá 2.600 bảng Anh, bán trên ateliermayer.com
Túi Chanel 1980, giá 2.600 bảng Anh, bán trên ateliermayer.com.

Nguồn GAFIN/FT, NYTimes, Vogue


Sự kiện